Vừa qua, cộng đồng mạng xôn xao trước thông tin một quán cà phê buộc phải ra thông báo từ chối nhận khách hàng là trẻ em dưới 12 tuổi. Trước đó chủ quán đã dành rất nhiều công sức và tài chính để trang trí không gian Giáng sinh lung linh, ấm áp hứa hẹn sẽ trở thành địa điểm check-in hấp dẫn của khách hàng.

Đại diện quán cà phê cho biết, phải rất khó khăn mới đưa ra quyết định này vì nếu từ chối nhận trẻ em thì quán cũng mất đi một số khách hàng nhất định mà nếu vẫn tiếp tục như vậy thì khách hàng muốn có không gian tĩnh lặng cũng chọn cách đổi địa điểm. Đỉnh điểm nhiều trẻ em vào quán đã quậy phá, la hét khiến đồ trang trí vương vãi tứ tung.

Trước thông tin trên, nhiều ý kiến bày tỏ ủng hộ động thái của quán và phẫn nộ với các bậc cha mẹ phụ huynh không quản lý con mình chu đáo.

Trẻ nhỏ quậy phá, la hét khiến không gian quán bị xáo trộn ( ảnh: TATA COFFEE)
Trẻ nhỏ quậy phá, la hét khiến không gian quán cà phê bị xáo trộn (nguồn ảnh: Facebook)
 

Không ít lần tôi bắt gặp trẻ em la hét, quậy phá nơi công cộng. Trong buổi hòa nhạc do một trung tâm âm nhạc tổ chức, khi con gái tôi đang say sưa đàn bản River Flows in You, không gian được lấp đầy bởi tiếng đàn piano thánh thót thì 2 cậu bé chạy vụt khỏi chỗ ngồi la hét, cười đùa như đang ở nhà. Điều đó khiến mọi người ái ngại nhưng không thấy vị phụ huynh nào đứng dậy nhắc nhở các bé.

Một lần khác, cô bạn tôi tới thăm nhà đem theo con nhỏ, vì mến bạn nhỏ nên con tôi đem ra bộ đồ chơi siêu thú ngân hà - bộ đồ chơi con tôi rất nâng niu, thường thu dọn tỉ mỉ mỗi khi chơi xong. Sau khi bạn tôi ra về, con gái tôi phát hiện mất nhiều món đồ trong bộ đồ chơi đó. Sau khi lục tìm khắp nơi, tôi ngại ngùng hỏi bạn thì cô ấy nói con trai cô ấy đã giấu vào một nơi bí mật không thể tìm được và cô ấy cười phá lên như chuyện không liên quan gì đến mình.

Hẳn chúng ta không ít lần bắt gặp trẻ quậy phá, la hét, làm hư đồ của người khác nhưng vẫn được các bậc cha mẹ cho rằng “trẻ con biết gì”, chuyện không có gì to tát, trẻ con thì phải hiếu động... Các bậc cha mẹ không hiểu rằng đó là những biểu hiện của đứa trẻ không được cha mẹ dặn dò phải tôn trọng không gian và đồ đạc của người khác. Tư duy “trẻ con mà” vô tình ủng hộ hành vi quậy phá của trẻ. Cộng đồng có văn minh hay không phụ thuộc rất nhiều vào việc gia đình và nhà trường uốn nắn dạy dỗ trẻ em từ khi còn nhỏ. Như là giữ im lặng khi đến nhà thờ, buổi hòa nhạc, trong giờ học, hoặc thư viện. Như là ăn xong phải giữ hộp sữa, vỏ bánh trên tay nếu chưa tìm thấy thùng rác. Như là không được đụng vào đồ đạc của người khác hoặc đồ vật nơi công cộng mà chưa được sự cho phép…

Đó là những quy tắc ứng xử tối thiểu mà cha mẹ cần dạy con nếu không muốn con đem rắc rối cho chính gia đình mình và xã hội. Đó cũng là tiền đề để lớn lên con trở thành một người cư xử đúng mực, có văn hóa, tinh tế trong các mối quan hệ.

Trẻ có ngoan hay không là do cha mẹ dạy dỗ, gíam sát (ảnh minh họa)
Trẻ có ngoan hay không là do cha mẹ dạy dỗ, giám sát (ảnh minh họa)

 

Tôi thường dặn dò các con trước mỗi chuyến đi hoặc một điểm đến nào đó về hành vi cư xử. Quan trọng nhất là luôn dõi theo con, để con trong tầm mắt của mình vì con đang ở độ tuổi dễ bị kích thích bởi những điều mới lạ xung quanh; hạn chế việc làm phiền người khác.

Trẻ em như những mầm non, thế giới lại nhiều sắc màu hấp dẫn. Mọi người xung quanh cảm nhận về đứa trẻ thế nào chính là kết quả của quá trình giáo dục. Chúng ta chịu trách nhiệm về điều đó!

Theo phụ nữ TPHCM