29/7 là ngày đặc biệt với Sang, ngày cuối cùng được làm sinh viên lớp Cử nhân Tài năng Hóa học, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội. Thức dậy từ 6h, chuẩn bị chiếc sơ mi trắng thật mới, Sang đến trường dự lễ tốt nghiệp. Chàng trai sẽ có bài phát biểu trước toàn trường với danh nghĩa thủ khoa đầu ra.

Sang gói gọn bốn năm đại học trong hai từ "suôn sẻ" và "may mắn". Ngoài đạt tổng kết 3.95/4 với bảng điểm toàn A và A+, em còn đạt danh hiệu "Sinh viên 5 tốt" cấp Trung ương, giải nhất kỳ thi Olympic Hóa học sinh viên toàn quốc cùng rất nhiều học bổng như Odon Vallet, Honda Y-E-S dành cho các nhà khoa học, kỹ sư trẻ xuất sắc.

Mới đây nhất, ngày 1/7, Sang nhận được thư chúc mừng vì giành học bổng toàn phần trị giá 10.000 Euro (hơn 272 triệu đồng) của Đại học Paris-Saclay để học chuyên ngành Hóa hữu cơ theo chương trình hợp tác giữa Đại học Bách khoa Paris và Đại học Paris-Saclay. Theo đó, Sang sẽ có gần một năm học chương trình thạc sĩ ở trường Bách khoa Paris, dự kiến bắt đầu từ tháng 9.

Trương Tấn Sang là thủ khoa đầu ra Đại học Khoa học Tự nhiên năm 2020 với điểm tổng kết 3.95/4. Ảnh: Dương Tâm.

Sang yêu thích Hóa từ năm lớp 8, khi được thầy giáo kể rất nhiều hiện tượng tự nhiên được giải thích bằng hóa học, được làm một số thí nghiệm đơn giản. Em bắt đầu thắc mắc và suy nghĩ về một số hiện tượng để tìm cách giải thích bằng Hóa học rồi cảm thấy mình có năng khiếu ở bộ môn này.

Lớp 9, sau khi đạt giải nhì thành phố, Sang đăng ký thi vào lớp chuyên Hóa của trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên và trúng tuyển. Được học chuyên sâu về Hóa trong môi trường đào tạo học sinh giỏi khoa học tự nhiên hàng đầu cả nước, Sang càng muốn gắn bó với Hóa hơn. Lớp 11, em tham gia học sinh giỏi quốc gia và đạt giải ba. Giải thưởng này giúp em được tuyển thẳng đại học.

"Lúc đó, em đã nghĩ sẽ học tiếp ngành Hóa học bậc đại học ở Việt Nam, đồng thời trau dồi ngoại ngữ để có thể du học bậc thạc sĩ. Vì vậy, lớp 12 em không tham dự kỳ thi học sinh giỏi quốc gia nữa mà đầu tư hơn vào trau dồi kỹ năng mềm và khả năng tiếng Anh", Sang nói. Quyết định này đã giúp em làm tốt bài thi đánh giá năng lực tiếng Anh đầu vào để trúng tuyển vào lớp Cử nhân tài năng Hóa học của Đại học Khoa học Tự nhiên.

Vào học lớp tài năng, Sang gặp những khó khăn đầu tiên trong sự nghiệp học hành. Phải học nhiều môn bằng tiếng Anh với chương trình nặng hơn 3-4 lần so với chương trình thường, Sang có phần choáng, liên tục đặt câu hỏi "Tại sao lại phải học vất hơn các bạn nhiều đến vậy"?

Nhận thấy phải có chiến lược học tập rõ ràng, Sang chia một ngày thành ba phần, trong đó 8 tiếng để học tập; 8 tiếng nghỉ ngơi (ngủ); 8 tiếng làm các công việc riêng, vui chơi và cải thiện các kỹ năng như thuyết trình, lập trình, ngoại ngữ. Em thường dành 15-20 phút trước mỗi buổi học để xem trước bài, lên lớp học tập trung, tiếp thu nhanh để chỉ mất 30 phút hoặc một tiếng ôn lại khi về nhà.

Dành nhiều thời gian tự học thêm tiếng Anh, Sang dần đọc được nhiều tài liệu nước ngoài. Khi thấy tin tức khoa học chỉ dừng lại ở mức phát hiện vấn đề, em sẽ tìm cách giải thích nó bằng Hóa học.

Nam sinh gốc Thường Tín (Hà Nội) cũng tăng cường làm việc nhóm. "Với khối lượng kiến thức khổng lồ, em và các bạn trong lớp chia nhau các phần để học và giảng lại cho nhau, từ đó nắm kiến thức nhanh và vững hơn", Sang nói.

Ngoài học, Sang còn làm gia sư, tham gia nghiên cứu khoa học về Hóa dược từ năm hai. Sang năm ba, em tham gia báo cáo khoa học cấp khoa và được giải nhì với đề tài nghiên cứu tổng hợp các hợp chất có hoạt tính dược học trong việc điều trị ung thư và kháng khuẩn. PGS Lê Tuấn Anh, người hướng dẫn Sang làm đề tài này, cho biết kết quả nghiên cứu của Sang và các bạn trong nhóm đã được biên tập, soạn thảo và gửi đến tạp chí Mendeleev Communication (thuộc nhóm Q2).

Một phần kết quả nghiên cứu khoa học của Sang được em dùng làm khóa luận tốt nghiệp. Vì vậy, vào tháng 12/2019, Sang phải tập trung cao độ cho việc nghiên cứu, làm thí nghiệm. Đó có lẽ là thời gian sóng gió nhất với chàng trai 22 tuổi khi phải làm song song nhiều đầu việc quan trọng, trong đó có việc chuẩn bị nhiều hồ sơ để ứng tuyển vào chương trình học thạc sĩ tại Pháp.

Sang đã rất stress, đến mức muốn bỏ đi một vài việc nhưng được thầy cô động viên, bản thân cũng nghĩ đến ước mơ, đến bố mẹ phải làm nông vất vả để cố gắng hoàn thiện. Kết quả, ngày 31/6 Sang bảo vệ khóa luận đạt xuất sắc với điểm số 3.95/4, một ngày sau nhận học bổng toàn phần.

TS Phạm Tiến Đức, giảng viên khoa Hóa học, người viết thư giới thiệu Sang với giáo sư ở Pháp, đánh giá Sang rất nỗ lực, từ năm hai đại học đã bày tỏ nguyện vọng du học. "Thành tích toàn điểm A, A+ như Sang hiếm sinh viên nào đạt được. Điều đó chứng tỏ em coi trọng và học đều các môn, kể cả môn đại cương. Không chỉ tôi mà tất cả giảng viên dạy Sang đều hài lòng về em", thầy Đức nói.

Nếu Covid-19 lắng xuống, Sang sẽ sang Pháp vào tháng 9 để học chương trình thạc sĩ. Em dự định học tiếp lên tiến sĩ rồi trở về Việt Nam làm công tác nghiên cứu và giảng dạy. "Em từng gia sư và thấy mình có năng khiếu truyền đạt kiến thức. Nếu có cơ hội, em muốn được làm giảng viên ở chính ngôi trường theo học bậc đại học", Sang nói.

Theo vnexpress