leftcenterrightdel
 Du học sinh Trần Thanh Nhân Đức

Thế nhưng, Trần Thanh Nhân Đức (26 tuổi, du học sinh theo học bổng thạc sĩ Erasmus Mundus ở châu Âu) đã lựa chọn Đại học Virginia (Mỹ) để theo học bậc Tiến sĩ. Đức trúng tuyển đại học danh tiếng này với tổng giá trị học bổng 300.000 USD (khoảng 7 tỷ đồng) cho toàn bộ học phí, bảo hiểm và chi phí sinh hoạt trong 5 năm.

Infonet đã có cuộc trò chuyện cùng Nhân Đức về quá trình du học sinh này chinh phục tri thức cũng như giành những suất học bổng danh giá:

Được biết Nhân Đức từng trượt đại học, vậy điều gì khiến em quyết tâm thay đổi, vươn lên giành những suất học bổng danh giá bên trời Tây?

Sẽ có muôn vàn lý do để một con người quyết định có đứng dậy hay không sau một vấp ngã, nhưng riêng với bản thân em thì có lẽ gia đình là lý do lớn nhất. Em hay tâm niệm rằng: “Em thì như thế nào cũng được, nhưng bố mẹ em phải là nhất”.

Giai đoạn năm 2014 thực sự là rất khó khăn với em, không phải là vì em không đạt được kết quả như kì vọng mà là vì nó mà bố mẹ em phải đón nhận những nhận định không hay về con mình và điều này là thứ mà em không muốn xảy ra nhất.

Sau mười mấy năm học tập thì em nhận ra là em chưa làm được gì cho bố mẹ mình cả, chí ít cái mà em có thể cố gắng là nỗ lực trong vấn đề học tập mà thôi. Và vì thế, cột mốc em nhận kết quả thi đại học năm ấy (em trượt Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng) cũng chính là cột mốc thay đổi cuộc đời của em rất nhiều. Nó thúc đẩy em phải làm gì đó và nỗ lực hơn.

Em có thể chia sẻ bí quyết học tập hiệu quả, cách sắp xếp thời gian học hành, nghỉ ngơi thế nào cho khoa học không?

Em nhận thấy bản thân không phải là người có tư chất tốt nên thường bù đắp bằng sự cần cù.

Em luôn quan niệm rằng giỏi hay không giỏi nó được quyết định nhiều bởi không gian và thời gian, có nghĩa là nếu mình không làm được một việc gì đó thì có lẽ là do mình chưa nỗ lực đủ nhiều hoặc là lĩnh vực (chủ đề) đó không phải là thế mạnh chính.

Và vì thế để có thể học tập (hoặc làm bất kì việc gì khác) một cách hiệu quả thì bản thân trước tiên nên đầu tư thời gian để xây dựng nền tảng thật chắc cũng như cho mình thời gian để phát triển tư duy về nó.

Sau dần khi đã có nhiều kiến thức, kĩ năng hơn thì việc làm nó một cách hiệu quả có lẽ chỉ là vấn đề thời gian và thay vì ở thế bị động thì bây giờ mình đã ở thế chủ động.

Em thường học và làm việc tương đối nhiều, một ngày thường em dành ra khoảng 13 đến 14 tiếng cho việc học và làm việc, thời gian còn lại thì cho việc ăn uống, ngủ nghỉ và sinh hoạt cá nhân.

Trong quá trình làm việc thì em hay có khoảng 15-20 phút nghỉ ngơi và uống nước đều đặn sau mỗi 1 tiếng để đảm bảo sức khỏe và năng suất công việc.

Có lẽ đặc thù công việc phần lớn về nghiên cứu nên thời gian làm việc trung bình của em thường nhiều hơn so với người khác, nhưng nếu điều kiện cho phép, em vẫn khuyến khích mọi người lựa chọn các hoạt động mang tính năng động nhiều hơn để cả tinh thần và thể chất có thể phát triển song song với nhau.  

leftcenterrightdel
Nhân Đức thử nghiệm dùng máy bay điều khiển để thu thập dữ liệu tại Washington D.C, Mỹ 

Cuối tháng 10/2021, khi mới đi được nửa đường học Thạc sĩ thì em đã nhận tin vui trúng tuyển Đại học Virginia với học bổng 7 tỷ đồng. Bí quyết của em khi giành học bổng này là gì?

Học bổng nào cũng sẽ có cách riêng để chạm tay vào. Em thấy rằng thường các giáo sư nằm trong ban tuyển sinh là người làm về nghiên cứu, vậy nên có thể rút ra được một số yếu tố mà người nộp hồ sơ cần chú ý như:

Thứ nhất, sự tỉ mỉ và hạn chế ít nhất các vấn đề được xem là cơ bản

Đối với em thì những chi tiết nhỏ thường dễ phản ánh tính cách và năng lực của một người hơn là các chi tiết lớn.

Các giáo sư thường là người rất cẩn thận nên việc ứng viên cho thấy quá nhiều sai sót, bất kể là lỗi dấu chấm, dấu phẩy... cũng sẽ là một điểm bất lợi trong quá trình ứng tuyển.

Em đã phải xem đi xem lại bộ hồ sơ của mình hơn 100 lần trong nhiều năm và phải luôn cập nhật, chỉnh sửa để phù hợp nhất với yêu cầu của những chương trình muốn nộp. Điểm này được em xem là vòng xét duyệt đầu cũng như quan trọng để bộ hồ sơ của mình được người đọc chú ý.   

Thứ 2, hiểu người tuyển dụng muốn xem gì

Việc hiểu người tuyển dụng muốn xem gì là một điều quan trọng, đã được đề cập rất nhiều lần trong nhiều nguồn khác nhau. 

Điều này có thể hiểu đơn giản là: “Nếu mình hiểu được cái mà tuyển dụng muốn xem thì mình sẽ là người có nhiều tỉ lệ được chọn nhất”. Trong câu chuyện học bổng, các giáo sư thường không có quá nhiều thời gian để đọc hết một bộ hồ sơ nên việc vào thẳng trọng tâm, ngắn gọn và chính xác là điều mang lại nhiều hiệu quả.

Nó cũng phần nào chứng minh được năng lực đọc hiểu yêu cầu tuyển dụng và phần nào giúp cho giai đoạn xây dựng hồ sơ cá nhân được chính xác hơn dựa trên những yêu cầu đã được đặt.

Thứ 3, xây dựng một thứ phù hợp và thích hợp

Sau khi đã nắm vững những yêu cầu của giám khảo thì một trong những việc quan trọng không kém là xây dựng nó thành một câu chuyện như thế nào để hay và đặc biệt. Nhưng vậy thôi chắc là chưa đủ, vẫn cần “phù hợp” và “thích hợp”. Mỗi người sẽ có những ý tưởng cũng như cách triển khai chúng theo một cách riêng biệt theo các chủ đề riêng, nhưng nội dung vẫn nên:

Phù hợp: Chủ yếu nhắm vào đối tượng người đọc với những yếu tố thường bị chi phối chính bởi tuổi tác, giới tính, môi trường sống nên việc ứng dụng những thứ quá mới và chỉ phù hợp cho giới trẻ thì thường tạo ra một số sự bất lợi cũng như gây khó hiểu cho người đọc. Lời khuyên ở đây là nên tìm hiểu phần nào thông tin của những nhà tuyển dụng để có được nhận định sơ bộ bước đầu trước khi triển khai chuẩn bị hồ sơ để từ đó bộ hồ sơ để tránh những nhận định chủ quan của bản thân làm giảm chất lượng bộ hồ sơ.

Thích hợp: Các ứng viên thường sẽ có nhiều ý tưởng hay nhưng cũng có thể không hay (hay nói đúng hơn là không thích hợp) để sử dụng cho từng trường hợp riêng biệt. Vậy nên việc hiểu rõ đề bài cũng như chọn lọc một cách thông minh sẽ là một bước quan trọng, không chỉ giảm thiểu sai sót cho bộ hồ sơ mà còn tránh làm mất thời gian, công sức của người tuyển sinh.

leftcenterrightdel
 

Sau khi hoàn thành chương trình Tiến sĩ ở Mỹ, dự định tiếp theo của em là gì?

Sau khi hoàn tất chương trình Tiến sĩ có lẽ em sẽ xin ứng tuyển vào một công ty hoặc cơ quan nhà nước có liên quan đến công việc em đang làm, nhưng một điều chắc chắn rằng em sẽ ưu tiên các công việc mang tính ứng dụng cũng như năng động hơn là việc liên quan nhiều đến nghiên cứu.

Em có thể chia sẻ một vài kỹ năng cũng như kinh nghiệm khi sống và học tập tại nước ngoài cho các du học sinh không?

Tính tới hiện tại thì em cũng đã sống ở nhiều nước và đi đủ được một vòng trái đất. Em nhận ra rằng khả năng hoạt động độc lập trong mọi vấn đề, chịu được áp lực và khả năng chủ động nếu không may rơi vào những trường hợp không may (phân biệt màu da, dân tộc, giới tính,…) là quan trọng nhất.

Bên cạnh đó thì kĩ năng nấu ăn, khả năng sử dụng nhiều ngôn ngữ cũng như kĩ năng giao tiếp cũng sẽ đóng góp rất nhiều trong quá trình sinh sống và học tập tại nước ngoài.

Cảm ơn Nhân Đức về cuộc trò chuyện!  

Theo infonet.vietnamnet