Sống trong con hẻm nhỏ của thôn Bích Khê (xã Triệu Long, H.Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị), gian nhà có hơi chật chội, thiếu ánh sáng, nhưng lại là nơi mà anh Lê Cương (34 tuổi) hằng ngày vẫn miệt mài làm ra những chiếc chổi đót để xuất bán khắp nơi.

Vượt qua bóng tối cuộc đời

Điều đặc biệt của những chiếc chổi này là được làm thủ công, bởi các người thợ làm chổi tại đây đều bị mù lòa, khuyết tật.

Cặm cụi đan từng cọng đót vào với nhau, anh Cương ngoái người về sau khi nghe tiếng chân của chúng tôi đến ghé thăm. Anh chào hỏi, tự đứng dậy và đi đến chiếc bàn gần đó, tay mò mẫm rót trà mời chúng tôi, rồi kể về câu chuyện của mình.
leftcenterrightdel
 Cương bị mù hoàn toàn khi đang là sinh viên năm thứ hai, tại Trường ĐH Sư phạm Huế

"Tôi bị mù bẩm sinh, lúc nhỏ vẫn còn thấy được một chút, vẫn đi học cho đến khi sinh viên năm hai thì bị mù hoàn toàn. Tôi vẫn đi lại trong nhà, vẫn lấy được ghế, cầm bình trà vì đã quen với không gian nơi này. Nhờ tập luyện được thói quen đó nên việc làm chổi cũng thành thạo hơn", anh Cương nói.

leftcenterrightdel
 Chàng trai vượt khó, tự mở cơ sở làm chổi đót kiếm thêm thu nhập và giúp đỡ những người khuyết tật tại địa phương

Đỗ vào Trường ĐH Sư phạm Huế, Cương ấp ủ sau này trở thành một giáo viên thế nhưng ước mơ của anh phải dừng lại bởi đôi mắt bị mù hoàn toàn. Song, chàng trai vẫn không nhụt chí, sau gần 1 năm nghỉ học, Cương quyết định trở lại với trường lớp, thi vào ngành văn, Trường ĐH Khoa học Huế.

"Dù đôi mắt không còn thấy gì nhưng tôi vẫn khao khát có được tấm bằng đại học. Ở trường, tôi học bằng chữ nổi, thi cử cũng được bố trí riêng để thi vấn đáp. Sau 4 năm, tôi tốt nghiệp với tấm bằng giỏi để ra trường", Cương chia sẻ.

Chổi đót của người mù

Dù có ý chí lớn, vượt qua khó khăn nhưng với đôi mắt mù lòa, Cương khó lòng có một công việc ổn định trong cuộc sống. Trở về quê, anh học lớp xoa bóp, bấm huyệt do Hội người mù mở dạy cho những người khuyết tật rồi làm việc tại TP.Đông Hà. Một thời gian sau, do xa xôi, lo sợ nguy hiểm trên đường đi nên gia đình khuyên anh trở về nhà.

leftcenterrightdel
 Cơ sở chổi đót của Cương còn tạo công ăn việc làm cho 5 người đồng cảnh ngộ với Cương

"Năm 2017, tôi tham gia lớp học làm chổi đót cũng do Hội người mù tổ chức, sau gần 3 tháng thì biết làm nghề. Tôi tận dụng gian nhà phía sau để mở một cơ sở làm chổi rồi gọi thêm các anh, chị đồng cảnh ngộ về hỗ trợ, giúp đỡ nhau trong công việc", Cương chia sẻ.

Cương gọi thêm 5 người là các anh, chị học cùng trong lớp làm chổi, họ đều là những người bị mù lòa, khuyết tật ở chân, tay. Dù gặp nhiều khuyết điểm trên cơ thể, các cây chổi đều làm thủ công nhưng năng suất của cơ sở chổi đót Lê Cương cũng rất cao với 5.000 - 7.000 cây chổi được sản xuất trong 1 năm.

"Vì là cơ sở tư nhân nên chúng tôi vẫn đang gặp khó ở đầu ra, phần lớn bỏ sỉ cho các chợ và đại lý. Chổi được bán với giá từ 30.000 - 35.000 đồng/cây, mang lại thu nhập khoảng 5 triệu đồng/tháng", Cương chia sẻ.

leftcenterrightdel
 Những cây chổi được làm thủ công từ đôi bàn tay của những người khuyết tật

Với công việc hiện tại, Cương cảm thấy bản thân may mắn, dù cơ thể không trọn vẹn, nhưng vẫn có được công việc phụ giúp kinh tế gia đình và tạo thêm thu nhập cho những người đồng cảnh ngộ. Cương mong muốn sẽ có thêm nguồn vốn để mở rộng cơ sở làm chổi đót của mình để tạo công ăn việc làm nhiều hơn cho những người khuyết tật khác tại địa phương.

Chị Nguyễn Thu Thảo, Bí thư Đoàn xã Triệu Long đánh giá cao về ý chí vượt khó của anh Cương. "Dù sinh ra mù lòa bẩm sinh, khiến cuộc sống trở nên khó khăn nhưng anh Cương luôn biết cách để vượt qua nghịch cảnh", chị Thảo nói..

Chị Thảo cũng cho biết: "Vừa qua, đơn vị đã lập hồ sơ về mô hình khởi nghiệp của Cương để gửi cho cấp trên với mong muốn xem xét, hỗ trợ anh trong việc mở rộng cơ sở kinh doanh, tạo thêm công việc, thu nhập cho những người khuyết tật tại địa phương".

Theo Thanh niên