leftcenterrightdel
Nguyễn Mạnh Cường đang làm nghiên cứu ung thư não ở trẻ em tại Dana Farber Cancer Institute. Ảnh: NVCC. 

Ngày nhỏ, Mạnh Cường ước mơ trở thành nhà khoa học, nghiên cứu và chế tạo máy móc giúp cuộc sống con người đỡ vất vả hơn. Năm lớp 7, chứng kiến ông ngoại đau đớn và ra đi vì căn bệnh viêm phổi, cậu nuôi ước mơ trở thành nhà nghiên cứu, tìm ra cách chữa các căn bệnh hiểm nghèo.

Lên cấp 3, Mạnh Cường đỗ chuyên Sinh, trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên. Sau đó, cậu giành học bổng của ĐH Dickinson, đủ để trang trải học phí và chi phí sinh hoạt trong 4 năm tại Mỹ.

Tham gia nghiên cứu khoa học tại trường, Cường nhận thấy ung thư là một căn bệnh đã và đang cướp đi mạng sống của rất nhiều người. Đó cũng là căn bệnh khác thường, gây ra do chính các tế bào của cơ thể người bệnh.

Từ đây, Cường quyết tâm theo đuổi ngành này để cải thiện các phương pháp chẩn đoán và điều trị hiện có, đồng thời phát triển những phương pháp mới, giúp tăng tỷ lệ sống sót và phục hồi của bệnh nhân ung thư.

Hiện tại, ở tuổi 24, Cường đang nghiên cứu ung thư não ở trẻ em tại Dana Farber Cancer Institute - viện nghiên cứu ung thư hàng đầu nước Mỹ, cộng tác với Harvard Medical School.

Giành học bổng Mỹ dù nộp chậm một năm

 Cường nhận được học bổng của ĐH Dickinson sau một năm tốt nghiệp cấp 3. Nam sinh cho rằng việc bắt đầu muộn hơn các bạn có điểm thuận lợi và khó khăn.

Trong một năm chờ đợi, cậu trưởng thành hơn về mặt suy nghĩ, có nhiều thời gian để hoàn thành các kỳ thi chuẩn hóa (SAT, TOELF), đồng thời tham gia các hoạt động ngoại khóa, chuẩn bị hồ sơ du học…

"Mặt khác, mình không phải đến trường nên không áp lực về điểm số, từ đó chuyên tâm hơn cho việc chuẩn bị du học", Cường nói.

Hai năm cũng là khoảng thời gian Cường càng gắn bó hơn với môn Sinh học qua việc giảng dạy cho kỳ thi SAT Subject Test, được tổ chức bởi College Board - hiệp hội đại diện hơn 6.000 trường đại học và cơ sở giáo dục ở Mỹ.

Bằng việc truyền tải kiến thức Sinh học đến cho các em học sinh, Cường càng khẳng định bản thân thật sự đam mê và muốn cống hiến cho nghiên cứu.

Vì vậy, ngay cả khi đang học đại học, Cường vẫn tiếp tục giảng dạy Sinh học tại các lớp SAT và AP cho học sinh ở Việt Nam. Những em này đều đạt kết quả cao trong kỳ thi, nhiều em cũng tiếp bước Cường trên con đường theo đuổi ngành nghiên cứu.

Bên cạnh những mặt thuận lợi, Cường gặp không ít khó khăn khi bắt đầu muộn. Cường cho biết một số trường đại học không cấp học bổng nếu nộp sau một năm kể từ ngày tốt nghiệp cấp 3. Ngoài ra, nhiều người dễ rơi vào trạng thái tâm lý tự ti, chán nản khi chậm hơn so với bạn bè cùng trang lứa.

Lựa chọn ĐH Dickinson để xin học bổng du học, Cường mong muốn được trải nghiệm môi trường học tập tại Mỹ và một số quốc gia châu Âu. Sau 3 năm, nam sinh tốt nghiệp loại xuất sắc với GPA 3.93/4, đứng thứ 27/507 (top 5% của trường).

leftcenterrightdel
Trong hai năm học, Cường tham gia vào ba dự án nghiên cứu tại trường đại học. Ảnh: NVCC. 

“Khung cửa hẹp” vào viện nghiên cứu hàng đầu

 Mong muốn tham gia nghiên cứu, học tập từ những nhà nghiên cứu đầu ngành, tiếp xúc thực tế với kỹ thuật nâng cao được áp dụng trong nghiên cứu ung thư và sinh học phân tử, Cường lên kế hoạch nộp hồ sơ vào Dana Farber Cancer Institute (liên kết với ĐH Harvard).

Cường cho biết Dana Farber Cancer Institute là “khung cửa càng hẹp” đối với sinh viên Việt Nam. Viện nghiên cứu thường yêu cầu ứng viên có kinh nghiệm nghiên cứu, hiểu biết văn hóa công sở và nghiên cứu ở Mỹ…

Vì thế, ngoài chuẩn bị kỹ hồ sơ, Cường tìm hiểu nhiều về các khoa và phòng thí nghiệm nhận thực tập sinh ở viện nghiên cứu. Từ đó, cậu lựa chọn những điểm phù hợp với hướng nghiên cứu của bản thân và bắt đầu nộp hồ sơ.

Để có kinh nghiệm nghiên cứu, trong hai năm học, Cường tham gia vào ba dự án nghiên cứu tại trường đại học, bao gồm Dự án Nghiên cứu ung thư máu dùng dòng tế bào HL-60, Dự án Nghiên cứu khả năng gắn kết của protein và ARN.

Khi là sinh viên năm ba, Cường tìm kiếm dự án, chương trình đào tạo để thực hành. Cường cho biết các nghiên cứu hay chương trình đào tạo ở Mỹ phần lớn được tài trợ bởi chính phủ Mỹ.

Bởi vậy, các vị trí nghiên cứu cho sinh viên quốc tế thường ít, mức độ cạnh tranh cao hơn. Nhiều dự án, chương trình thực tập yêu cầu học sinh phải có quốc tịch Mỹ hoặc có thẻ xanh. Nam sinh phải bỏ qua nhiều chương trình vì chỉ có visa F1 (thị thực không định cư).

Cậu phải chọn lọc để tìm ra những chương trình thực tập có tài trợ cho sinh viên quốc tế. Những nơi cậu nộp vào thường có sự cạnh tranh rất cao như MIT, Princeton, Memorial Sloan Kettering Cancer Center…

Theo Cường, rào cản ngôn ngữ và văn hóa là thử thách lớn nhất mà cậu phải vượt qua. Để làm việc hiệu quả, ngoài kiến thức chuyên môn, cậu phải thành thạo giao tiếp bằng tiếng Anh cùng các kỹ năng mềm khác.

Trong số 20 trường nộp hồ sơ, Cường nhận về 17 lá thư từ chối và chỉ có 3 nơi nhận. Trải nghiệm này giúp cậu thấy được mình còn nhiều thiếu sót.

Vì vậy, trong suốt kỳ thực tập ở năm 3, nam sinh cố gắng học thêm nhiều kỹ năng mới trong phòng thí nghiệm, học cách tìm ra lý do tại sao thí nghiệm không cho ra kết quả, đồng thời rèn giũa khả năng tập trung, tính tỉ mỉ trong khi làm thí nghiệm.

Nhờ những cố gắng này, cậu đã thu về kết quả dù phải thực hiện một thí nghiệm phức tạp trải dài trong nhiều tuần. Cường cũng được giáo sư đánh giá tốt về tiến độ, khả năng, tố chất để trở thành một nhà nghiên cứu.

Trải nghiệm này là một yếu tố cần thiết để Cường thành công trong việc nộp hồ sơ vào viện nghiên cứu hợp tác với ĐH Harvard, cũng như tiếp thu nhanh các kiến thức cần có trong quá trình huấn luyện mà cậu đang trải qua.

Ngoài bảng điểm, sơ yếu lý lịch và 3 thư giới thiệu của những giáo sư từng dạy và làm việc cùng, Cường phải viết một bài luận trình bày kinh nghiệm nghiên cứu của bản thân và lý do muốn tham gia nghiên cứu tại đây.

"Các tài liệu phải cho người tuyển dụng thấy mình là ứng viên thích hợp để làm nghiên cứu", Cường cho biết.

Vượt qua vòng xét duyệt hồ sơ, nam sinh bước vào hai vòng phỏng vấn. Tại vòng đầu tiên, Cường được trải nghiệm trả lời các câu hỏi từ trưởng phòng và quản lý phòng nghiên cứu. Từ đó, nhà tuyển dụng tìm hiểu về tính cách, kinh nghiệm của ứng viên, đánh giá sự phù hợp về văn hóa, công việc tại phòng nghiên cứu.

Vòng thứ hai được xem là vòng đánh giá chuyên môn đến từ từng thành viên của phòng nghiên cứu.

Chia sẻ bí quyết, Cường cho biết cậu đã chuẩn bị sẵn những câu hỏi, tập luyện trả lời với người quen, từ đó rút kinh nghiệm và cải thiện sau mỗi lần luyện tập. Ngoài ra, nam sinh tập khả năng giải thích một cách dễ hiểu các dự án nghiên cứu đã tham gia, đồng thời thể hiện được thái độ lạc quan, ham học hỏi, chăm chỉ, cầu tiến.

Ước mơ của Cường là có được bằng tiến sĩ trong lĩnh vực Sinh học phân tử, đồng thời tham gia nghiên cứu để tìm ra hoặc cải thiện các phương pháp chẩn đoán và điều trị ung thư. Nam sinh cũng mong muốn có thêm nhiều trải nghiệm làm việc tại các viện nghiên cứu hàng đầu nước Mỹ.

Khi đã có đầy đủ kinh nghiệm, chàng trai sinh năm 1998 hy vọng được làm cho các công ty công nghệ sinh học, dược phẩm ở Mỹ để có thêm kinh nghiệm làm việc trong môi trường công sở. Trong tương lai, cậu sẽ mang những kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm học được về Việt Nam, giúp phát triển nền y học nước nhà.

Theo zingnews