"Từng ước ngày nào mẹ cũng bán hết xôi…"

Chuyến du hành của Trần Quốc Thiện cùng mẹ qua những vùng đất tại Mỹ vừa kết thúc vào cuối tháng 5. Trong khoảng 20 ngày, anh Thiện đã đưa mẹ đến thăm những địa điểm mang tính biểu tượng của xứ "cờ hoa".

leftcenterrightdel

Ứng viên giáo sư tại Mỹ Trần Quốc Thiện. Đ.C 

"Sau hơn 3 tháng chuẩn bị, cuối cùng mẹ cũng đã đặt chân đến Mỹ để chứng kiến tôi nhận bằng tiến sĩ ngành kỹ thuật xây dựng ở Đại học (ĐH) Bách khoa Virginia. Tôi muốn mẹ sẽ có những khoảnh khắc tuyệt vời ở đất nước mà mẹ từng mong tôi đến để học tập và thành công. Chặng đường sắp tới khi nghiên cứu sau tiến sĩ ở ĐH Texas-Austin và hồi hộp chờ đợi kết quả vị trí giáo sư tại 2 ĐH khác là một hành trình nhiều gian nan nhưng nghĩ về mẹ, tôi luôn vững tin…", anh Thiện chia sẻ.

Mẹ anh Thiện, bà Nguyễn Thị Thanh Hương (50 tuổi), luôn là người tiếp động lực cho anh mỗi khi anh thấy chông chênh. Từ rất sớm, bà là người đã cố công rèn luyện cho anh em Thiện ý chí thoát nghèo, vượt khó bằng việc phải tự lao động, tự kiếm tiền. Bởi ba của anh đã qua đời trong một vụ tai nạn lao động khi anh chưa đầy 2 tuổi, em trai chỉ mới 10 tháng. Gánh nặng mưu sinh, dạy dỗ anh em Thiện dồn lên đôi vai bà Hương. Dù vậy, điều khiến bà vui nhất là anh Thiện hiểu chuyện từ nhỏ nên mọi thứ anh đều tự lập và biết chia sẻ công việc với bà.

Ở vùng quê nghèo Hòa Khương mấy mươi năm trước, người ta quen với cảnh mỗi sớm 3 mẹ con anh Thiện đẩy chiếc xe đạp đi bán xôi. "7 giờ mỗi sáng, mẹ chở anh em tôi đến trường rồi lại về bán xôi cho khách. Sau giờ học, chạy ù về nhà, câu đầu tiên tôi luôn hỏi mẹ là: có bán hết xôi không mẹ. Tôi từng ước ngày nào mẹ cũng bán hết xôi. Vì có như thế thì anh em tôi mới có tiền ăn học…", anh Thiện nhớ lại.

leftcenterrightdel
 Anh Trần Quốc Thiện cùng gia đình tại sân vận động Lane Stadium - nơi diễn ra buổi lễ tốt nghiệp tiến sĩ

Lớn lên một chút, sau giờ học, anh Thiện lại cùng mẹ và em trai lao vào mưu sinh. Không việc gì mà anh Thiện không làm, từ bán xôi, mua phế liệu, bồi bàn cho đến công việc nặng nhọc hơn như bốc vác. Có những ngày, 3 mẹ con anh Thiện băng rừng, lội suối để mua đà chống công trình. Lũ dâng, 3 mẹ con kẹt lại giữa rừng chỉ với nắm cơm vắt…

Hôm 8.5 vừa qua, khi bước lên bục vinh quang tại ĐH Bách khoa Virginia, nhìn về người mẹ của mình ở dưới khán đài, anh Thiện đã không khỏi xúc động khi nhớ lại những ngày khốn khó đã đi qua. Hành trình chinh phục tấm bằng tiến sĩ ngành kỹ thuật xây dựng cùng tấm bằng thạc sĩ ngành khoa học vật liệu tại Mỹ của anh Thiện có thể nói là thành công ngoài mong đợi.

Tấm gương vượt khó

Anh Thiện kể từ nhỏ sớm gắn bó với đà chống, công trình xây dựng nên khi quyết định chọn trường theo học, anh chỉ đăng ký duy nhất nguyện vọng vào ngành xây dựng. Năm 2016, anh Thiện tốt nghiệp Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng với 2 tấm bằng cử nhân Xây dựng cầu đường và Quản lý dự án. Làm kỹ sư một thời gian với thu nhập khá ổn nhưng bản tính thích đặt những mục tiêu để vượt qua, anh Thiện tìm kiếm thông tin ứng tuyển học viên thạc sĩ. Anh đã được một giáo sư ở ĐH Quốc gia Chonnam (Hàn Quốc) đánh giá cao và nhận làm học trò.

leftcenterrightdel
Ở tuổi 32, anh Trần Quốc Thiện đã chinh phục thành công học vị tiến sĩ tại Mỹ cùng 2 tấm bằng thạc sĩ, 2 bằng cử nhân 

Tháng 3.2017, anh Thiện đặt chân đến Hàn Quốc với học bổng toàn phần. Anh nhanh chóng bắt nhịp và tiếp cận công nghệ, môi trường học tập, nghiên cứu hiện đại. Anh tham gia nghiên cứu nhiều đề tài như: Đánh giá an toàn cho hệ thống đường hầm dẫn điện (do Tổng công ty Điện lực Hàn Quốc tài trợ), Tái sử dụng phế thải công nghiệp dùng trong kỹ thuật gia cố đất ở Hàn Quốc (Quỹ nghiên cứu quốc gia Hàn Quốc tài trợ). Năm 2019, Thiện bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ tại Hàn Quốc rồi quay về làm việc tại Khoa Xây dựng cầu đường (Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng).

Khát vọng vươn ra biển lớn luôn thôi thúc anh Thiện tìm kiếm những cơ hội để bước ra ngoài chinh phục những tầm cao mới trong nghiên cứu khoa học. Năm 2021, Trần Quốc Thiện trúng tuyển hàng loạt học bổng tiến sĩ toàn phần ở Úc và Mỹ, trong đó có ngôi trường danh giá University of New South Wales (UNSW) - xếp hạng thứ 19 toàn thế giới. Nhưng vì định hướng lâu dài, cuối cùng Thiện quyết định theo học tại ĐH Bách khoa Virginia (Mỹ).

leftcenterrightdel
TS Trần Quốc Thiện tại phòng thí nghiệm kết cấu Trường ĐH Bách khoa Virginia (Mỹ) 

Thời gian nghiên cứu tiến sĩ, anh Thiện đã cùng các cộng sự phát triển mô hình thí nghiệm mới trong đo đạc khả năng hấp thụ CO2 của bê tông xi măng. Anh đã cùng giáo sư hướng dẫn kết hợp với Viện Tiêu chuẩn và Kỹ thuật quốc gia Mỹ (NIST) phát triển mô hình thí nghiệm hóa học đơn giản hơn có tên "digestion-titration method". Mô hình giúp tiết kiệm hơn 80% thời gian đo đạc, ra kết quả chính xác tương đương và có chi phí rẻ hơn nhiều lần so với việc cần một chiếc máy có giá đến hàng trăm nghìn USD (thermogravimetric analysis) để đo đạc.

Anh Thiện còn tham gia nhiều dự án nghiên cứu về vật liệu vá hố bom siêu nhanh trên đường băng được tài trợ bởi Không quân Mỹ, hay ứng dụng của vật liệu tái chế công nghiệp được tài trợ bởi Trung tâm nghiên cứu lốp xe của Hiệp hội nghiên cứu lốp xe Mỹ. Tháng 10.2023, Thiện bảo vệ thành công chương trình tiến sĩ kỹ thuật xây dựng ở ĐH Bách khoa Virginia cùng tấm bằng thạc sĩ song song chuyên ngành khoa học vật liệu chỉ hơn 2 năm nghiên cứu.

Điều này khiến nhiều người kinh ngạc, bởi thông thường một nghiên cứu sinh ở Mỹ cần trung bình 5 - 8 năm để hoàn thành khóa học này (theo U.S News). Đến tháng 12.2023, anh Thiện trúng tuyển chương trình nghiên cứu sau tiến sĩ ở ĐH Texas-Austin (xếp hạng 4 về kỹ thuật xây dựng ở Mỹ). Anh cũng được một giáo sư ở ĐH Princeton (hạng 1 ở Mỹ) mời phỏng vấn cho một chương trình tương tự. Ngoài ra, anh còn được 3 ĐH (top R1 và R2) ở Mỹ mời phỏng vấn cho vị trí giáo sư và đang đợi kết quả.

Giúp bạn trẻ mở ra cánh cửa mới

TS Trần Quốc Thiện trở thành cầu nối khi làm Phó chủ tịch Hội Sinh viên VN tại ĐH Bách khoa Virginia. TS Thiện đã hết mình hỗ trợ các sinh viên VN ở Mỹ cũng như giúp nhiều bạn trẻ đam mê nghiên cứu khoa học và có khát vọng bước ra thế giới thông qua việc hướng dẫn sửa CV, viết email giới thiệu, kết nối với các giáo sư ở Mỹ.

Theo Thanh niên