Để giải quyết bài toán thiếu giáo viên ở châu Âu, chính phủ phải giảm giờ học, tăng sĩ số lớp và nới lỏng quy định tuyển dụng.
Công đoàn giáo viên các quốc gia châu Âu cảnh báo mức lương thấp, cộng với tình trạng căng thẳng do nhiều yếu tố như dịch Covid-19, đang khiến hàng nghìn giáo viên nghỉ hưu sớm hoặc nghỉ việc. Trong khi đó, nghề giáo gặp khó khăn khi thu hút người mới.
Theo ước tính của chính phủ và liên đoàn ngành giáo dục, chỉ riêng 5 quốc gia châu Âu gồm Đức, Hungary, Ba Lan, Áo và Pháp, đang thiếu hơn 80 nghìn giáo viên. Tình trạng thiếu nhân sự kéo dài sẽ khiến chất lượng giáo dục bị mai một. Chưa kể hiện nay, các trường học châu Âu tổ chức dạy và học cho số lượng lớn học sinh tị nạn từ Ukraine làm gia tăng thêm nhu cầu về nguồn lực.
Riêng tại Ba Lan, trong năm học 2022 – 2023, khoảng 400 nghìn trẻ em Ukraine sẽ đến trường. Công đoàn Giáo dục Ba Lan ZNP ước tính nước này còn thiếu 20 nghìn giáo viên và kêu gọi tăng lương 20% cho giáo viên phổ thông. ZNP đe dọa sẽ đình công nếu chính phủ không thông qua.
Còn tại Pháp, hơn 4 nghìn vị trí giáo viên còn bỏ trống. Ước tính, mức lương khởi điểm của giáo viên tiểu học tại Pháp xếp thứ 20 trong danh sách 38 thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Con số được đánh giá là thấp so với những nghề nghiệp đòi hỏi bằng cấp tương đương.
Tổng thống Emmanuel Macron đã cam kết tăng khoảng 10% lương trung bình cho giáo viên tiểu học, lên 2 nghìn euro/tháng (khoảng 47 triệu đồng/tháng). Tuy nhiên, đề xuất này phải chờ được Quốc hội thông qua.
Trước mắt, để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên, Pháp tăng cường tuyển dụng và tăng tốc đào tạo khoảng 3 nghìn giáo viên hợp đồng, chủ yếu là nhân viên tạm thời, không có đủ bằng cấp giảng dạy. Trước thềm năm học 2022 – 2023, Bộ trưởng Giáo dục Pap Ndiaye cam kết sẽ có một giáo viên trên mỗi lớp học.
Trong tình cảnh tương tự, Đức đang thiếu tới 40 nghìn giáo viên phổ thông. Tháng trước, Công đoàn Giáo dục quốc gia Erziehung und Wissenschaft (GEW) cảnh báo tình trạng thiếu giáo viên là đáng báo động ở các trường học. Nhiều trường phải thuê giáo viên hợp đồng, chưa có bằng sư phạm để “trám” vào những vị trí còn thiếu.
Tại thành phố Gelsenkirchen, Đức, cũng vì thiếu giáo viên, chính quyền đã quyết định cắt giảm một giờ học mỗi tuần ở bậc tiểu học.
Thậm chí Phần Lan, một trong những quốc gia sở hữu hệ thống giáo dục tốt nhất thế giới, cũng đang đối mặt với tình trạng thiếu giáo viên nghiêm trọng, đặc biệt là giáo viên mầm non. Nguyên nhân gây ra bởi lương thấp và điều kiện làm việc không phù hợp.
Ông David Edwards, Tổng Thư ký Liên đoàn Giáo dục toàn cầu (Education International), nhận định: “Tình trạng thiếu giáo viên không chỉ diễn ra ở châu Âu, mà còn xuất hiện ở nhiều quốc gia, khu vực khác. Đó là một cuộc khủng hoảng rất đáng lo ngại”.
Chuyên gia này cảnh báo nhiều quốc gia đang lấp đầy chỗ trống bằng cách thuê nhân viên hợp đồng thiếu chứng chỉ sư phạm hoặc nới lỏng yêu cầu tuyển dụng. Tuy nhiên, giải pháp này sẽ càng làm “trầm trọng thêm” vấn đề vì hạ thấp tiêu chuẩn nghề giáo.
Theo GD&TĐ