Ron, 7 tuổi có thân hình mũm mĩm, cậu bé thường tránh ăn trước mặt bố mình và từ chối tham gia các hoạt động thể chất ở trường.
Nguyên nhân là bố Ron luôn phàn nàn về cân nặng của cậu khi đi mua quần áo, gọi Ron là “bé mập” với mong muốn thúc đẩy con trai tập thể dục, không cho con ăn đồ vặt. Ron luôn lấy cớ bị ốm mỗi khi bị ép vận động.
Melissa, 14 tuổi viết một blog nhiếp ảnh và nhanh chóng trở nên nổi tiếng ở trường.
Tuy nhiên, thay vì khen ngợi khả năng viết lách hay kỹ năng chụp ảnh, một số nữ sinh bắt đầu châm chọc về những bức ảnh của Melissa và miệt thị ngoại hình cô. Áp lực, căng thẳng khiến cô bé bỏ bữa và có thói quen ăn uống không lành mạnh.
Ảnh minh họa.
Hai câu chuyện khác nhau, nhưng đều chung một vấn đề: sự miệt thị về thân hình quá khổ.
Trẻ em và thanh thiếu niên tự ti về ngoại hình phổ biến hơn chúng ta nghĩ. Nó có thể diễn ra dưới nhiều hình thức, từ những cái nhìn thô lỗ và những nhận xét chê bai cho đến việc trở thành nạn nhân dựa trên cân nặng, dẫn đến trêu chọc, phân biệt đối xử và thậm chí là bạo lực. Bất kể đó là góp ý hay công khai từ giáo viên, cha mẹ hay người thân đều có thể trở thành vũ khí sát thương trẻ. Những quan niệm, thông điệp và nỗi ám ảnh của giới truyền thông với các diễn viên, người mẫu có thân hình hoàn hảo cũng đóng một phần không nhỏ.
Định kiến tiêu cực về ngoại hình đã bắt đầu từ thời thơ ấu, ngay cả trẻ mẫu giáo cũng biết rằng xã hội đánh giá con người qua vẻ ngoài của họ.
Một nghiên cứu của Úc được công bố vào năm 2019 cho thấy rằng ở độ tuổi lên 5, 50% trong số 111 bé gái được khảo sát đã mong ước có thân hình mảnh mai.
Giúp trẻ cảm thấy hài lòng về cơ thể của mình là một khía cạnh quan trọng trong việc nuôi dạy con cái ở tuổi vị thành niên. Thật không may, dù cố ý hay vô tình, nhiều bậc cha mẹ cũng đã và đang miệt thị ngoại hình con cái. Nhận thức sai lệch về những đứa trẻ có ngoại hình quá khổ sẽ lười biếng hoặc hư hỏng càng làm tăng thêm định kiến.
Nhiều người lớn nghĩ miệt thị và trừng phạt sẽ là cách giúp trẻ giảm cân. Tuy nhiên, thực tế không phải vậy. Ngược lại, buông những lời cay đắng có thể đẩy sức khỏe tinh thần và thể chất của trẻ xuống vực thẳm.
Tại sao không nên miệt thị ngoại hình con?
Dạy trẻ nhìn nhận thân hình của chúng thật đáng xấu hổ là một cách thiếu minh mẫn, có thể khiến đứa trẻ cảm thấy dằn vặt về cơ thể, từ đó ngăn trẻ tự tin vào chính mình.
Nghiên cứu về việc trêu chọc dựa trên cân nặng đã chỉ ra những tác động không lành mạnh đối với sự không hài lòng về cơ thể và lòng tự trọng. Fat-shaming có thể khiến một đứa trẻ so sánh bản thân (theo những cách không lành mạnh) với người khác, thay vì đánh giá cao những tài năng và đóng góp độc đáo của chính mình.
Ảnh minh họa.
Trẻ em và thanh thiếu niên xấu hổ vì bị miệt thị ngoại hình có liên quan đến những hậu quả tâm lý có hại. Trong một nghiên cứu của Canada được công bố trên tạp chí Sức khỏe trẻ em vào năm 2010, người ta đã tìm thấy mối liên hệ quan trọng giữa việc cha mẹ và bạn bè trêu chọc cân nặng với chứng trầm cảm và lo lắng. Nó có thể trở nên tồi tệ hơn khi xem xét các tác động suy nhược tiềm ẩn của trầm cảm. Theo một nghiên cứu năm 2013 tại Đại học Yale, trêu chọc dựa trên cân nặng cũng liên quan đến ý định tự tử.
Trẻ thừa cân xấu hổ có nhiều khả năng tăng cân hơn nữa.
Ngoài ra, xấu hổ khi thừa cân sẽ gây tăng cân nhanh hơn. Nghiên cứu của Viện Y tế Quốc gia Mỹ cho thấy trẻ em và thanh thiếu niên thừa cân bị chế giễu về cân nặng đã tăng khối lượng cơ thể lên 33% và khối lượng mỡ nhiều hơn 91% mỗi năm so với những trẻ khác.
ParentCircle, Schvey, trưởng nhóm điều tra nghiên cứu này, cho biết: “Một đứa trẻ bị trêu chọc có thể cảm thấy tồi tệ về cơ thể của mình và cố gắng giảm cân nhanh chóng để tránh bị trêu chọc thêm, chuyển sang các phương pháp giảm cân không lành mạnh hoặc cực đoan, thực sự có thể khiến trẻ tăng cân trong tương lai”.
Nghiên cứu đã chứng minh, việc chê béo không làm thay đổi suy nghĩ. Ngược lại, phản tác dụng. Trẻ em có thể sẽ tìm đến niềm an ủi trong thức ăn và đam mê ăn uống vô độ và tránh xa hoạt động thể chất.
Ngoài ra, trẻ cũng gặp phải chứng rối loạn ăn uống, phổ biến nhất là chứng cuồng ăn. Trẻ 6 tuổi đã xuất hiện chứng rối loạn ăn uống, ngày càng nhiều thanh thiếu niên nhập viện vì rối loạn ăn uống cho thấy cân nặng nên được đặt lên hàng đầu.
Cha mẹ có thể làm gì thay thế?
Phát triển suy nghĩ tích cực
Tránh buông lời nhận xét, miệt thị tiêu cực. Thay vì nói “con mặc chiếc quần jeans này sẽ béo lắm”, hãy cân nhắc giọng điệu tích cực hơn như: “Mẹ/bố thích con mặc chiếc váy này”.
Dạy con cách yêu thương, tự tin với cơ thể, khuyến khích con đi xe đạp, chơi nhạc cụ, thể thao để khám phá tiềm năng của bản thân.
Giúp con yêu cơ thể bằng cách nói những lời tích cực.
Ảnh minh họa.
Phát triển tư duy phản biện
Trò chuyện với con về cách mọi người được miêu tả trên các phương tiện truyền thông, bao gồm phim truyền hình, phim và quảng cáo.
Dạy con tuyệt đối tránh bình luận, miệt thị và đùa cợt về ngoại hình người khác, đánh giá một con người, nên quan tâm đến phẩm chất hơn ngoại hình của họ.
Chia sẻ về những người nổi tiếng đã lên tiếng phản đối việc mặc cảm béo phì và luôn mong muốn thân hình lý tưởng.
Phát triển những cách tích cực để khỏe mạnh
Tập trung vào thể lực chứ không phải cân nặng. Nói chuyện với con bạn về việc ăn một chế độ dinh dưỡng, tập thể dục thường xuyên và giữ dáng quan trọng hơn là béo hay gầy. Khuyến khích con bạn tham gia các hoạt động thể thao hoặc thể chất. Ăn ít nhất một bữa cùng gia đình.
Khuyến khích một lối sống năng động như đi bộ những quãng đường ngắn thay vì sử dụng phương tiện và đi cầu thang bộ thay vì thang máy.
Tập trung vào những gì làm cho con bạn khỏe mạnh về tinh thần (chứ không phải chỉ về thể chất). Nói về những điểm mạnh và tài năng của con bạn và thảo luận xem những điều này làm cho con bạn trở nên độc đáo.
Cùng với con mình, bạn có thể xem phim tài liệu về những người đã chiến đấu với chứng rối loạn ăn uống và sự tàn phá của việc nhịn đói, thanh lọc cơ thể hoặc tập thể dục quá sức đã tác động lên cơ thể họ.
Theo giadinhonline.vn