Con lãnh nhiệm vụ giữ 2 em và mấy đứa em họ trong nhà. Em trai của con rất khó tính: ai đụng vào đồ chơi của mình thì khóc thét lên, không muốn chia sẻ đồ vật của em cho bất kỳ ai, mới tí tuổi đầu đã so đo tính toán tiền bạc, bị cả nhà đặt biệt danh “trùm sò”.
Tại sao em ấy như vậy? Con có nên trừng phạt hoặc chê bai, trách móc hành động này của em ngay tại chỗ để em nhớ? Con phải làm gì khi mấy đứa nhỏ bắt chước tính ích kỷ, keo kiệt của “trùm sò”?
Một nữ sinh lớp Mười hai giấu tên (quận Bình Thạnh, TPHCM)
|
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock |
Việc trẻ con không muốn chia sẻ đồ chơi với bạn bè ít nhất là kết quả của 2 điều tích cực:
1. Ý thức của trẻ đã bắt đầu phát triển, giúp trẻ phân biệt được cái gì là của mình thì không ai được phép đụng vào và dần sẽ hiểu cái gì của người khác thì cần được tôn trọng.
2. Trẻ đã có kinh nghiệm thông qua việc tiếp xúc với thế giới bên ngoài, chẳng hạn có lần bị bạn bè không trả lại hoặc đồ chơi bị hư hỏng sau khi cho mượn, bị ba mẹ bắt nhường món đồ mình yêu thích nhất cho em nhỏ hoặc bị anh chị giành mất.
Điều đáng buồn, nhiều người lớn đã cho các bé “bài học nhớ đời” qua việc “dạy dỗ”, kể cả trêu chọc: một số ba mẹ có lần vì xã giao đã thuyết phục, thậm chí giành quyền của con cho đứa trẻ khác (con của sếp, hàng xóm, bạn bè, họ hàng) mượn đồ chơi, có khi còn… “sang tay”. Lần khác, ba mẹ lại tiếp tục “xâm phạm quyền sở hữu” của trẻ không thương tiếc, không cho trẻ quyền quyết định.
Trẻ thấy mình không được ba mẹ bảo vệ, lại còn cho phép người khác “cướp” đồ chơi của mình, từ đó phải tìm cách tự vệ. Đó là chưa kể, người lớn hễ có dịp lại “thử lòng” trẻ bằng cách giả vờ xin cái này cái kia, từ bộ quần áo mới đến thức ăn, từ món đồ chơi đang cầm trên tay đến đôi giày đi dưới chân… khiến trẻ khó chịu và tạo ra phản ứng tự nhiên là người khác càng xin, trẻ càng giữ rịt lấy đồ.
Liệu cháu có nghĩ đó là một trong những thói “bắt nạt trẻ con” khi đẩy đứa bé vào tình trạng khó xử để rồi trêu chọc, dè bỉu, chê bai, cười cợt chúng là “đồ trùm sò”, “keo kiệt”, “tham ăn”, “không biết điều”? Liệu cháu có nghĩ rằng làm thế là chưa tôn trọng cảm xúc của trẻ? Tiếc thay, đây là điều nhiều đứa trẻ phải chịu đựng hằng ngày.
Thật lòng mình, cháu có thích thú và sẵn lòng cho hết mọi thứ khi người khác xin? Điều mình không thích thì đừng bắt người khác làm, nhất là đối với một đứa trẻ. Sự ích kỷ và thói “thần giữ của” của trẻ có thể bắt nguồn từ những trò đùa dai này và như thế, dần dần trẻ trở nên keo kiệt, tham lam.
Để dạy trẻ hiếu thảo, biết nhường nhịn, đầu tiên, cháu hãy làm gương, sau đó cho các em chơi chung với bạn. Trước khi đưa các em đi chơi, nhắc các em chọn những món đồ chơi hoặc cuốn truyện tranh nào có thể cho bạn mượn hoặc trao đổi với bạn.
Cháu cũng nên tìm hiểu món đồ chơi nào là “vật bất ly thân” của từng em để tránh gây khó dễ cho em; kể cho các em nghe những câu chuyện về tình tương thân tương ái; đưa các em tham gia những hoạt động từ thiện để trẻ thấy niềm vui của việc trao quà với thành ý… Dần dần, “trùm sò” sẽ thấm được đức tính nhường nhịn, chia sẻ, đùm bọc người khác.
Trong các dịp lễ tết, nghỉ hè, hãy cho các em làm các công việc bán thời gian, theo mùa vụ để vừa có tiền vừa học được tinh thần trách nhiệm, kỷ luật, biết quản lý thời gian khi làm việc. Các em của cháu sẽ có ý thức hơn về giá trị của đồng tiền, sẽ giảm chi tiêu phù phiếm khi được quản lý tiền. Nếu vay ai, phải nhớ trả đúng hẹn.
Tiết kiệm nhưng đừng keo kiệt, bủn xỉn vì đồng tiền làm ra không phải để cất đi mà dùng phục vụ cuộc sống của mình; trong đó, chi tiêu phục vụ sức khỏe và phát triển học vấn luôn được ưu tiên hàng đầu, kể cả trích một phần để tham gia các hoạt động ý nghĩa.
Theo phụ nữ TPHCM