Con là người cô độc và nóng tính. Từ lúc dạy kèm em gái một bạn cùng lớp và yêu thầm em ấy, con bỏ hết những mối quan hệ khác để toàn tâm toàn ý dõi theo từng bước đi, những buồn vui của em ấy.
Cùng với sự quan tâm, con dành cho em ấy sự kiểm soát gắt gao. Trong con, một cơn ghen đang âm ỉ đốt cháy từng ngày chỉ chờ dịp bùng phát. Nhìn em ấy nhiệt tình học nhóm, tham gia các hoạt động ngoại khóa với các bạn trong đó có bạn khác phái, có các thầy đáng tuổi cha chú, con uất nghẹn, thấy mình bị tổn thương ghê gớm.
Làm sao bỏ được máu ghen?
Một nam sinh lớp 11 (TP. Huế)
|
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock |
Quan niệm về yêu và ghen như khẩu vị của mỗi người: Người thích nếm vị ngọt bùi, người lại chỉ tìm vị cay đắng.
Người ta thường nói “có yêu mới ghen”, không yêu thì dù có ích kỷ đến mấy cũng chẳng ai mất công ghen tuông với người dưng, đúng không? Có điều, ghen không phải là nhiệt kế của tình yêu: Mỗi khi nhiệt độ lên cao là thể hiện tình yêu nóng bỏng.
Ghen cũng không tỷ lệ thuận với yêu: Ghen nhiều chứng tỏ là yêu nhiều; ghen “độc” chừng nào, yêu “không giống ai” chừng ấy.
Như cháu thấy, sống với cảm giác ghen tuông thật khổ sở. Trái tim vô cớ bị bóp nát; sự nghi ngờ giằng xé tâm can; lòng tự trọng, tính sĩ diện, lòng tự ái bị tổn thương, cả người bứt rứt... Những cảm giác ấy không bao giờ dừng lại vừa đủ như gia vị nêm nếm cho sự lãng mạn mà giống loài cỏ độc, nó lan rất nhanh và cắm rễ rất sâu trong suy nghĩ của người đang ghen, hành hạ và gieo vào lòng họ sự giận hờn, oán trách.
Cháu tình nguyện từ bỏ những mối quan hệ và niềm vui đang có, đơn phương gắn niềm vui, nỗi buồn vào đối tượng mình chọn (mà chưa chắc đã có chiều ngược lại); khi người ấy không đáp ứng được những ước mong, đòi hỏi của mình thì cháu suy diễn và cảm thấy bất an, tổn thương.
Tình cảm không được giải tỏa khiến cơn ghen dồn dập như những lớp sóng ngầm trong lòng. Càng cố gắng kìm nén cảm xúc, cháu càng mất ăn, mất ngủ, thẫn thờ, còn đâu đầu óc để tập trung học tập, làm việc cho ra hồn.
Để “thay máu”, cháu nên tự giải tỏa tâm lý cho mình:
- Khi yêu thương ai đó, điều đầu tiên cần làm là đừng lệ thuộc tình cảm vào người khác. Hãy yêu thương, trân trọng bản thân. Điều đó sẽ giúp cháu nuôi dưỡng cảm xúc và tránh được ghen tuông vô cớ. Khi hiểu giá trị của bản thân, cháu sẽ gia tăng lòng tự trọng và khiến những người xung quanh tôn trọng.
- Đừng bao giờ đem mình ra so sánh với người này, người khác để rồi tự đánh giá mình thua kém vì mỗi người có một thế mạnh riêng. Hãy học thêm món gì đó, kể cả thử thay đổi kiểu tóc và cách ăn mặc, biết đâu việc làm mới bản thân sẽ khiến cháu vui vẻ và yêu chính mình, tạo được sự thoải mái và sức hút với người khác hơn?
- Chẳng ai cấm ta yêu thầm nhưng đừng để những điều đó choán lấy tâm trí ta. Chuyện tình yêu không thể dựa vào phép màu mà cần những hành động thực tiễn. Thay vì ngồi một chỗ và "ước gì”, cháu hãy nhìn thẳng vào thực tế và lên kế hoạch những việc cần làm để có thể kết nối với em ấy. Hãy gợi chuyện và trao đổi với em ấy như một người bạn, chia sẻ trên trang cá nhân về cuộc sống nội tâm tràn ngập những điều thú vị của cháu.
- Nếu cảm thấy hậm hực với những “vệ tinh” xung quanh em ấy, phải “giác ngộ” rằng cháu chưa có “quyền của người yêu”. Vậy nên cháu cũng đừng dại dột ôm cục tức trong lòng khiến mình luôn sống trong sự khó chịu, dồn nén. Cũng có thể sự ghen tuông của cháu là do hiểu lầm hoặc do óc tưởng tượng đi quá xa.
Ông Scott Peck - một tiến sĩ người Mỹ - định nghĩa về tình yêu rất hay: “Yêu là một tình cảm dẫn đến đam mê để đi đến liều lĩnh, để chấp nhận một bản ngã khác bước vào cuộc đời mình, từ đó cả hai giúp nhau được tự do hơn, trưởng thành hơn và hạnh phúc hơn”. Những người có máu ghen chỉ làm tình yêu hao mòn mà thôi.
Theo phunuonline.com.vn