Mới đây, trong kỳ giao lưu giữa các lớp trong trường, để phá tan hàng rào ngại ngần xa cách, tăng sự gắn kết, anh quản trò mời chúng con tham gia trò chơi. Luật chơi khá đơn giản: bạn gái kẹp chùm nho vào nách, bạn trai bị bịt mắt, quỳ gối, tay quặt ra sau, phải mò mẫm tìm nho để ăn. 2 bạn phải phối hợp sao cho bạn trai ăn hết chùm nho, cặp nào hoàn thành trong thời gian ngắn nhất sẽ được giải.

Bị bạn cùng chơi đụng chạm mấy lần vào vị trí nhạy cảm, con xin dừng cuộc chơi nhưng anh quản trò nói rằng con “không tôn trọng nội quy, không chơi hết mình, không có ý thức đồng đội" nên con đành miễn cưỡng "chịu trận”.

Sau đó, bạn trai ấy nhắn tin, gọi điện cho con mỗi ngày, với lời lẽ nửa đùa nửa thật, mức độ ngày càng tăng, rằng không quên được những đụng chạm thân thể bữa đó… 

Một nữ sinh lớp Mười 

(Thủ Dầu Một, Bình Dương)

Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK
Khi bị bạn chơi khác giới động chạm, con đành miễn cưỡng chịu trận (ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK)

 

Các trò chơi là không thể thiếu trong hoạt động tập thể và các giờ dạy kỹ năng sống, ngay cả trẻ mẫu giáo cũng… “bé rất thích trò chơi vận động” bởi vừa được chơi đùa, vừa học thêm nhiều kỹ năng. Đến nay, có hàng ngàn trò chơi đủ loại: hái hoa dân chủ, đốt lửa trại, đào tạo/kỹ năng/khám phá/trải nghiệm… phù hợp với từng lứa tuổi, từng đối tượng.

Trò chơi ăn nho thuộc loại gây cười là chính. Bạn trai phải quỳ xuống, khom người rúc vào nách bạn gái để kiếm được trái nho; bạn gái cũng phải phối hợp bằng cách nghiêng ngửa cúi mình, hướng từng trái nho vào miệng bạn chơi để bạn trai có thể ăn hết.

Trò này gây phản cảm, từ chất liệu trò chơi (trái nho, “màu nho” dễ liên tưởng đến chuyện… “mò nhau”) tới chuỗi động tác thực hiện (rúc vào nách, ưỡn người, khom lưng, quỳ gối, mút…) làm người tham gia muốn giành phần thắng phải bất chấp mọi sự, thi đấu “hết mình” dù nhìn khá phàm tục. Cháu thử hình dung xem nếu ai đó ghi lại rồi tung những hình ảnh này lên mạng xã hội thì khổ chủ sẽ khốn đốn trước búa rìu dư luận thế nào.

Tạp chí Human Nature đã đăng phát hiện của tiến sĩ Mark Flinn: “Ở nhiều loại hình thi đấu khác nhau, mỗi khi vận động viên nam chiến thắng trong một trận đấu cạnh tranh, nồng độ testosterone của anh ta tăng 30%.

Nếu là cuộc thi đồng đội, các thành viên trong nhóm đều có cảm xúc phấn khích và tăng lượng testosterone tương tự. Nội tiết tố này không chỉ có ở đàn ông mà một cô gái bình thường khỏe mạnh cũng tạo ra khoảng 300 microgram/ngày. Nó kích thích ham muốn, duy trì hưng phấn, làm tăng năng lực tình dục và sự thỏa mãn. Sự có mặt của nó giúp hình thành và duy trì mối quan hệ thân mật ở cả nam và nữ (thích gần gũi người khác phái qua việc nhìn, ngửi, va chạm, sờ nắn…).

Thêm vào đó, tốc độ cạnh tranh, giải thưởng hấp dẫn, tiếng vỗ tay hò hét cổ vũ của đám đông đã thúc đẩy người chơi lao vào cuộc, không còn cân nhắc cử chỉ nào nên hay không, bỏ qua những “phép tắc” để thực hiện những động tác không giới hạn độ tuổi và phép lịch sự, chỉ cần “dám không?" để chiến thắng”. 

Ảnh mang tính minh họa - Freepik
Cháu nên thẳng thắn từ chối những trò chơi thô thiển (ảnh mang tính minh họa - Freepik)

 

Đó là lý do khiến một số quản trò nghèo ý tưởng nhưng “đầu óc đen tối” đã bày ra các trò như bú bia, bơm bong bóng, hít đất, bắt sâu, bịt mắt ăn chuối… để mua lấy những tràng cười dễ dãi của đám đông. 

Cháu nên thẳng thắn từ chối dù bạn bè mời mọc hoặc thúc ép tham gia những trò chơi thô thiển có những va chạm nơi nhạy cảm.

Càng nhiều bạn trẻ cự tuyệt, tẩy chay thì những trò chơi gợi dục ấy càng không có đất sống. Đừng sợ mình lạc lõng giữa đám đông. Cháu hãy nghĩ đến hậu quả mình bị biến thành trò cười cho thiên hạ để thêm quyết tâm. Cháu cũng có quyền báo cáo và chặn số bạn trai kia khi bạn ấy có những tin nhắn không phù hợp.

Một nhà hoạt động thanh thiếu niên khuyên rằng ở cái thời quấy rối tình dục trở nên công khai và khó lường này, mọi giao tiếp, trò chơi đều nên tránh xa những gì phản cảm, vô bổ. 

Theo phụ nữ TPHCM