Tôi 40 tuổi, giáo viên dạy toán, hình thức không có gì nổi bật, thậm chí còn bị bà xã chê khô khan, thiếu lãng mạn. Vậy mà gần đây, một nữ sinh lớp 11 học tốt, gia đình gia giáo lại “theo” tôi ráo riết. Báo chí từng đưa tin những mối tình thầy trò “gạ tình lấy điểm”, gái trẻ nhận sugar daddy để đổi lấy vật chất, sự quan tâm… chứ ít thấy yêu chỉ vì yêu như vầy. Tôi nên làm gì?

Thầy K. (Q.12, TPHCM)

leftcenterrightdel
 Tôi rất khô khan, vậy mà em học sinh lại theo tôi ráo riết (Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock)

Chào thầy K., thông thường người gửi thư đến chuyên mục này là các em tuổi teen. Thật bất ngờ khi chúng tôi nhận được tâm tư của một người thầy nhờ gỡ rối trong cách ứng xử với học trò lứa tuổi này. 

Một trong những niềm vui của người đứng trên bục giảng là được học sinh quý mến, nhất là từ cảm tình ấy các em thêm yêu thích và chuyên cần học hỏi môn mình dạy. Tuy nhiên, khi tình cảm đó đi lạc hướng thì quả là… lành ít dữ nhiều.

Trên thực tế, có một số nữ sinh THPT yêu thầy chỉ vì… yêu, không màng đến vật chất. Trong điện thoại em ấy có thể tràn ngập ảnh chụp lén thầy đang giảng bài hoặc đang đi trong sân trường. Nhật ký em ấy có thể chi chít những dòng tương tư: “Mỗi ngày đi học là một ngày vui vì được nhìn thấy thầy”, “Thầy mỉm cười làm trái tim em đập loạn lên”, “Ngồi lặng trên ghế đá và nghĩ về thầy là hạnh phúc”…

Những nữ sinh ấy thường rơi vào một trong bốn nhóm:

1. Ngoan hiền, từ nhỏ đến giờ chỉ lo học, luôn vâng lời cha mẹ. Do gia đình “úm” quá kỹ nên em ấy bị hạn chế trong chuyện tiếp xúc với mọi người và ít kết bạn, đặc biệt là bạn khác phái. Ngay cả khi đứng giữa những người cùng trang lứa, em ấy vẫn thấy bơ vơ lạc lõng và không phù hợp. Những nữ sinh này luôn khao khát một tình yêu lãng mạn, đằm thắm, trọn vẹn, có ý nghĩa. Em ấy có nhu cầu khâm phục, ngưỡng mộ, thương cảm một người nào đó đồng thời muốn được người ấy coi mình là người đặc biệt, không ai có thể thay thế. 

2. Từ nhỏ đã sống thiếu tình thương của người cha. Đến tuổi yêu đương thì có ý hướng tìm kiếm cho mình một chỗ dựa tình cảm gợi hình bóng người cha trong gia đình. Những bạn học xung quanh khó lọt vào mắt xanh của em ấy vì thiếu sự chững chạc, điềm tĩnh, từng trải. Thế là nữ sinh này đem lòng yêu thầy giáo, ông sếp, chú hàng xóm… - những người đàn ông hơn mình hàng chục tuổi, thường đã có vợ con đề huề. 

3. Con gái rượu cứng đầu được cha mẹ cưng chiều, cung phụng, thoải mái chi tiêu, thích gì được nấy. Em ấy muốn tìm kiếm người sẵn sàng dành cho mình những lời đánh giá, khen ngợi, ca tụng cho dù khá xa sự thật, chẳng hạn dáng vóc lẫn tính khí như con trai nhưng vẫn muốn được khen là “giàu nữ tính”, có các cơ mặt không biết biểu cảm lại là “lạnh lùng cuốn hút”… Khi cô gái ương bướng này đã yêu rồi thì khó ai khuyên bảo và ngăn cản nổi.

4. Những cô học trò thích yêu hơn học, nhận lời thách đố “cưa đổ” thầy từ bạn bè. Lòng hiếu thắng của tuổi mới lớn thúc đẩy khiến em ấy sẵn sàng lập mưu đưa thầy vào “bẫy tình” nhằm khoe chiến tích với bạn bè.

leftcenterrightdel
 Ảnh mang tính minh họa - Jcomp

Thường thì một người thầy cùng cảnh ngộ sẽ chọn một trong ba giải pháp:

1. Tránh mặt: Tìm mọi cách hạn chế những lúc phải tiếp xúc trực tiếp với nữ sinh đó và không một lời giải thích. Xin ban giám hiệu cho chuyển sang dạy lớp khác/khối khác/buổi khác. Liên hệ, trao đổi với phụ huynh để họ “quản lý” chặt con em mình.

2. Cảnh cáo: Nghiêm khắc phê bình học trò chưa chú tâm vào việc học tập, nhắc nhở không nên yêu đương sớm.

3. “Giả điếc”: Lờ đi, đối xử với em học sinh đó như những học sinh khác cả trong lẫn ngoài giờ, trong lớp lẫn ngoài trường.

Thầy có thể chọn phương án thứ tư: Chân thành mà vẫn giữ giới hạn tôn nghiêm của tình thầy trò để đối diện và thể hiện sự tôn trọng đối với tình cảm trong sáng của học trò; để em ấy nhận ra rung động nhất thời của mình chỉ là những cảm giác na ná như tình yêu. 

Đừng làm tổn thương lòng tự trọng của học trò và làm mất đi một mối quan hệ thầy trò tốt đẹp bởi em ấy chỉ đang sống thật với cảm xúc yêu quý, pha chút xao xuyến ở tuổi mới lớn của mình.

Theo phụ nữ TPHCM