Vợ chồng tôi lo lắng đến bạc tóc vì con gái duy nhất (13 tuổi) yêu sớm. Cháu mới học cấp II nhưng đã yêu đến giai đoạn a, b, c, d… một anh học lớp 12.

Mẹ cháu đang ở xa nhà, tôi phải tạm xin nghỉ việc để đưa đón cháu đi học và “canh” giờ giấc vào mạng của con. Cháu vẫn ngoan ngoãn, vâng lời nhưng buồn rầu, khép kín như cái xác không hồn. Tôi phải làm sao? - Một phụ huynh học sinh lớp Tám (Q.Phú Nhuận, TPHCM)

Nhiều bậc cha mẹ cho rằng con yêu sớm là hư và không thể chấp nhận. Khi được hỏi “Tại sao lại cấm đoán?”, họ cho rằng trẻ chưa đủ chín chắn để xây dựng cho mình một tình yêu đích thực; tình cảm lúc này chỉ là cảm xúc bồng bột, đầy cảm tính nên rất dễ kéo theo hậu quả khôn lường.

Phụ huynh cũng nghe khá nhiều về những hệ lụy khi “hươu” đã rơi vào nanh vuốt của “sói”: học hành sa sút, nạo phá thai vị thành niên, tự tử vì thất tình… nên càng khó cởi mở với những rung động đầu đời của con cái. 

leftcenterrightdel
 Ảnh minh hoạ

Những trẻ ở tuổi con anh đều có chung ước muốn: được đánh giá cao, trở thành người đặc biệt với ai đó, muốn thể hiện mình là người độc lập. Khi yêu, bọn trẻ hay bị ám ảnh, ghen tuông và bị “lệ thuộc tình cảm quá đáng” vào người chúng có tình cảm. Đó là ba đặc điểm thường thấy trong tình yêu ở độ tuổi mới lớn.

Tiến sĩ Helen Fidher ở New Jersey (Mỹ) khi chụp não bộ của những thanh thiếu niên đang yêu bằng thiết bị cộng hưởng từ (MRI), đã phát hiện chất dopamine tiết ra nhiều nhưng chất serotonin lại giảm đáng kể. Lượng serotonin giảm có nghĩa là các đối tác đang bị ảnh hưởng mạnh mẽ lẫn nhau.

Bà kết luận: “Đối với tuổi trẻ, tình yêu không phải là… tình yêu. Có thể đó chỉ là những xúc cảm hay cảm giác rất mạnh như khi người ta bị đói. Vì thế, những người trẻ tuổi chưa đủ bản lĩnh để đối phó với vấn đề này”. Đó là lý do các chuyên gia khuyên các bậc cha mẹ không cấm con cái yêu đương nhưng không được để chúng đi quá đà.

Thời điểm này, anh cần vừa cương quyết vừa mềm dẻo đưa ra những lời khuyên đúng lúc, để con gái thấy cha mẹ yêu thương và muốn bảo vệ mình. Điện thoại và internet là bằng chứng xác thực nhất cho thấy con anh đang phải lòng ai đó. Anh nên khéo léo xem số điện thoại nào con anh hay gọi nhất, quản lý giờ giấc con vào mạng, sử dụng email, Facebook, chat…

Ban đêm, cương quyết không cho con mang điện thoại di động vào giường, giải thích rằng không ai đi ngủ lại mang theo điện thoại di động, trừ khi đang yêu; rằng sóng điện thoại không tốt cho giấc ngủ… Cần cứng rắn với con ngay từ đầu. 

Nếu thấy mọi chuyện đang đi quá xa, anh hãy nói chuyện với cha mẹ “thằng bé”, mong họ chia sẻ những lo lắng chính đáng của anh và cùng đưa ra những giải pháp.

Anh nhất thiết không được nổi nóng, nên chăng nói một cách nhã nhặn: “Tôi thấy hai đứa nhỏ quyến luyến nhau nhiều quá. Chúng đang sa đà vào yêu đương mà quên mất chuyện chính là học tập. Xin anh chị giúp tôi một tay để giải quyết tình trạng này…”.

Đây là chuyện tế nhị, không nên nói công khai khiến các cháu xấu hổ lại càng xa lánh người thân. Điều cấm kỵ nhất là cha mẹ nghe lén điện thoại hay đọc trộm nhật ký của con, ngăn cấm con tiếp xúc với bạn hoặc trừng phạt, cô lập, đánh đập con. Chưa nói hành vi này có tính chất phạm pháp mà cách giáo dục bằng bạo lực thường chẳng đem lại kết quả mong muốn, trái lại làm đứa trẻ thấy cha mẹ độc ác, chỉ có người yêu là thực sự quan tâm đến mình, do đó càng gắn bó hơn.

Ta chỉ có thể chiến thắng một tình cảm bằng tình cảm. Nếu muốn con chấm dứt với người con sớm yêu mà không hẫng hụt và bi quan thì phải thay thế vào chỗ trống ấy bằng tình cảm khác - tình yêu thương của ông bà, cha mẹ, anh em họ hàng, bè bạn…

Khi đó, đứa trẻ sẽ thấy mình được nhiều người yêu thương và lo lắng, mình không cô đơn… Dần dần, trẻ sẽ thay đổi vì không muốn để người thân phải thất vọng về mình.

Theo phunuonline.com.vn