Chiếc cổng gạch nhỏ mới bị bịt kín - Ảnh: NHẬT LINH
Nhà nguyên cứu Nguyễn Xuân Hoa sau khi nhận được tin này đã thốt lên: "Thật bất ngờ!"
Không chỉ có một
Sau khi phát hiện chiếc cổng nhỏ kỳ lạ tuyệt đẹp khi giải tỏa một nhà dân ở khu vực kinh thành Huế, chúng tôi tiếp tục đến khu vực chiếc cổng để tìm tư liệu. Theo người dân địa phương, không chỉ một mà có đến hai cái cổng gạch như vậy.
Chiếc cổng thứ 2 nằm ở phía bên kia cầu Lương Y, sau nhà một hộ dân. Nếu đặt cầu Lương Y ở giữa thì 2 chiếc cổng này nằm ở vị trí tả, hữu.
Chiếc cổng mới này nằm ngay sau nhà bà Lê Thị Đào (phường Thuận Lộc, TP Huế). Do hộ của bà Đào chưa di dời khỏi kinh thành Huế nên chiếc cổng này chưa được phát lộ.
Bà Đào cho biết chiếc cổng này đã tồn tại ở đây trước khi gia đình bà đến ở, cách đây hơn 40 năm. Do phía sau là bụi lau rậm rạp, sợ trộm đột nhập nên gia đình đã dùng khối bêtông táp lô bịt kín cổng lại.
Theo quan sát, chiếc cổng này được xây giống hệt chiếc cổng vừa được phát lộ với bảy lớp gạch có giật cấp. Phiến đá xanh đặt bên dưới chiếc cổng còn nguyên vẹn hơn chiếc cổng mới phát lộ mà theo người dân, đá có dấu hiệu bị mòn là do chủ nhà cũ thường dùng làm lối đi ra sau đường phòng lộ để trồng rau, đi vệ sinh.
Tương tự như chiếc cổng kia, cổng mới này dẫn lối ra phía sau đường phòng lộ tiếp giáp Hộ thành hào và sông Ngự Hà. Với kiểu kiến trúc này, người qua cổng phải khom người.
Chiếc cổng mới nằm sau một nhà dân chưa được giải tỏa khỏi kinh thành Huế - Ảnh: NHẬT LINH
Có thể là lối đi của vệ binh giữ thành
Nhận được thông tin, nhà nghiên cứu văn hóa Huế Nguyễn Xuân Hoa đã thốt lên "Thật bất ngờ!". Xem qua ảnh, ông Hoa đánh giá chiếc cổng mới này còn nguyên vẹn hơn so với cổng vừa phát lộ trước.
Theo ông Hoa, đây có thể là lối dẫn ra đường phòng lộ của vệ binh giữ thành. Có thể ngày xưa có một đội vệ binh đóng ở gần đây có nhiệm vụ bảo vệ Đông thành Thủy Quan. Do nhiệm vụ bí mật nên có thể sách sử liên quan đến kinh thành Huế của triều Nguyễn không nhắc đến hai chiếc cổng này.
Ông Hoa cũng cho rằng có thể toàn hệ thống kinh thành Huế chỉ có duy nhất hai chiếc cổng kỳ lạ tuyệt đẹp này.
"Trong ngự chế của vua Minh Mạng viết về hai văn bia cầu Khánh Ninh và cầu Ngự hạ, vua đã mô tả rất kỹ khu vực này như lan can phía đông cao hơn phía tây hay chi tiết có trổ 13 pháo nhãn, nhưng không thấy nhắc đến hai chiếc cổng trên" - ông Hoa nói.
Chiếc cổng gạch nhỏ được thiết kế với bảy lớp gạch có giật cấp - Ảnh: NHẬT LINH
Khối đá xanh bên dưới bị mòn do người dân thường đi qua đây để trồng rau, đi vệ sinh - Ảnh: NHẬT LINH
Đã được phát hiện và ghi nhận từ lâu
Theo Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, hai chiếc cổng này đã được trung tâm phát hiện và chụp ảnh tư liệu từ lâu.
Theo nguồn tư liệu do trung tâm cung cấp, hai chiếc cổng này được linh mục Léopold Michel Cadière ghi trong cuốn "Kinh thành Huế: Địa danh" với tên gọi "cổng trái và phải Đông thành Thủy Quan" và đánh dấu trên bản đồ ở vị trí 121.
Nguồn tư liệu này cũng cho biết theo Đại Nam nhất thống chí ở vị trí này có đặt xưởng đại bác và có vệ bính 20 người để canh giữ Đông Thành thủy quan. Hai cánh cổng này nhằm mục đích cho binh lính thuận tiện tuần tra đường phòng lộ bên ngoài thành.
Trung tâm Bảo tồn đã cắm biển cảnh báo để lực lượng dọn dẹp mặt bằng ở đây cẩn thận khi giải tỏa mặt bằng - Ảnh: NHẬT LINH
Khu vực cánh cổng nhỏ bằng gạch ở phía chân cầu Lương Y - Ảnh: NHẬT LINH
Theo tuoitre