Các loại nón trên đường phố Hà Nội đầu thế kỷ 20 Nguồn - Ảnh: FRANCE INDOCHINE

Lịch sử nón Việt qua nhiều giai đoạn, có những biến thiên, từ nón hình tròn, nón tròn dẹt đến nón hình chóp. Về mặt tạo hình, hình chóp tạo khối vững vàng trong không gian, nâng hiệu quả thẩm mỹ lên cao, nón có chiều sâu nên vừa che được nắng mưa nhiều hơn lại vừa tạo sự gọn gàng, duyên dáng.

Họa sĩ ĐẶNG MẬU TỰU


Các nhà nghiên cứu vẫn chưa xác định rõ chiếc nón lá ra đời từ khi nào trong lịch sử nước Việt. Từ điển bách khoa Việt Nam (do Viện Từ điển học và bách khoa thư Việt Nam biên soạn) giải nghĩa từ "nón" đã đưa ra nhận định: "Truyền thuyết Thánh Gióng đội nón sắt đánh giặc Ân cho phép ta tin rằng nón có từ lâu đời trên đất Việt cổ và từ xa xưa, có thể bằng tàu lá, bằng lông chim kết lại".

Từ thời Lý trở về sau thì sách sử đã ghi nhận chiếc nón trong bộ trang phục Việt, và chủ yếu là trang phục của dân gian.

Đến thời Nguyễn, chiếc nón đã trở thành trang phục phổ biến trong dân chúng, chủ yếu là vật đội đầu, che nắng mưa của người dân và binh lính.

Từ kiểu nón đan bằng lá, người Việt ở mỗi địa phương trên khắp ba miền đã tạo thành những chiếc nón riêng phù hợp với công việc và vật liệu của vùng quê mình.

Nón hình chóp là loại nón thịnh hành nhất cho đến hiện nay, được đan bằng các loại lá như lá gồi, lá dừa, lá nón, lá kè... Các loại nón khác đã mất dạng do được thay thế bằng nón chóp vì tiện dụng hơn.

Thế kỷ 20 là cả một thế kỷ người Việt đội nón, dù rằng đó là thời kỳ mà các loại mũ tân thời từ Âu, Mỹ, Nhật, Trung... liên tục du nhập vào Việt Nam. Mở bất cứ sách sử, tranh, ảnh, phim, truyện... nào của thế kỷ 20 về Việt Nam đều thấy nón lá.

Tỉnh nào, huyện nào cũng có làng nghề đan nón mới đủ cung ứng nón cho cả xã hội. Hàng trăm làng nghề nón lá ra đời trên cả nước với hàng vạn thợ đan nón, vừa chuyên nghiệp vừa bán chuyên, gồm đàn ông, đàn bà, người già, người trẻ.

Cũng thế kỷ 20, sự xuất hiện của các loại mũ tiện lợi và thời trang đã khiến cho chiếc nón lá vắng bóng dần trong đời sống người Việt. Đến khi có quy định đi xe máy phải đội mũ bảo hiểm thì trên phố chỉ còn người đi xe đạp đội nón.

Nhưng phố phường hiện đại tấp nập xe cộ khiến cho chiếc nón vướng víu, không mấy an toàn khi gió thổi mạnh, nên người đi xe đạp, đi bộ cũng thay bằng cái mũ cho phù hợp. Bây giờ chủ yếu chỉ còn nhà nông ở làng quê đội nón ra đồng.

Không còn dễ thấy khắp phố phường, may mắn thay, vì vẻ đẹp vốn dĩ của mình, nón lá vẫn không thể vắng trên những sàn diễn thời trang áo dài, hoặc là "vật trang sức" đi liền với chiếc áo dài để chụp ảnh, quay phim. Sáng tạo của các họa sĩ, kiến trúc sư đã giúp nón lá có thêm một công năng mới: trang trí nội, ngoại thất.

Trong các ngày lễ hội truyền thống, cùng với tà áo dài tung bay, chiếc nón lá mới thật sự được phô diễn hết vẻ đẹp và sức sống của mình.

Nhưng nhìn lại ngàn năm qua, thứ trang phục đội đầu gắn bó mật thiết với người Việt đã không còn "nhất nhất ra đường là đội nón" như nhận định của họa sĩ - nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng nữa.

Phố Hàng Nón - Hà Nội đầu thế kỷ 20 - Nguồn ảnh: FRANCE INDOCHINE

Hà Nội năm 1020-1924, đã xuất hiện các loại mũ tây, ô đen thay cho nón - Nguồn ảnh: FRANCE INDOCHINE

Nón ba tầm trong tranh “Gánh hàng rong” của V. Tardieu (hiệu trưởng trường mỹ thuật Đông Dương)

Các loại nón của người Việt trong sách Kỹ thuật của người Annam của tác giả Henri Oger

Theo tuoitre