Katie Ledecky đi vào lịch sử Olympic với huy chương vàng đầu tiên nội dung bơi tự do 1.500m dành cho nữ - Ảnh: USA Today
Nữ vận động viên Katie Ledecky của đội tuyển bơi lội Mỹ mừng reo cùng đồng đội Erica Sullivan sau khi lần lượt về nhất và nhì trong lượt bơi chung kết cự ly 1.500m tự do dành cho nữ vào sáng 28/7.
Dành chiến thắng cho tất cả nữ vận động viên bơi lội trong lịch sử
Huy chương vàng đầu tiên của Ledecky tại Thế vận hội Olympic Tokyo (Nhật Bản) này là huy chương vàng thứ sáu trong sự nghiệp của ngôi sao người Mỹ. Dường như không gì có thể ngăn cản cô gái 24 tuổi tung những cú rẽ nước dũng mãnh lao về đích.
Thi đấu ở một cự ly khá dài vốn chỉ dành cho nam tại các kỳ Thế vận hội trước đây, Ledecky đã dẫn đầu trong toàn bộ lượt bơi chung kết và một lần nữa khẳng định mình là “bà hoàng” thống trị nội dung này như cô đã tuyên bố. Thành tích của Ledecky là 15 phút 37,34 giây. Erica Sullivan - đồng đội của Ledecky - về nhì với thành tích 15 phút 41,41 giây, kém cô 4 giây, để giành huy chương bạc. Sarah Kohler của Đức giành huy chương đồng với thành tích 15 phút 42,91 giây.
Chỉ sau 200m xuất phát, Ledecky đã hơn Jianjiahe Wang của Trung Quốc một khoảng cách bằng chiều dài cơ thể và khoảng cách tăng lên 5m ở cột mốc 300m. Mỗi lần cô gái hít thở cùng những cú quạt tay thì vị trí dẫn đầu Ledecky được củng cố thêm qua mỗi vòng hồ.
Đối với các vận động viên bơi lội, cự ly 1.500m là một “bài kiểm tra” dài bằng 30 lần chiều dài bể bơi. Nó còn đòi hỏi họ phải điều tiết thể lực nhưng vẫn duy trì tốc độ suốt thời gian thi đấu trong sự mệt mỏi cả tinh thần lẫn thể chất. Đó cũng là lý do nội dung này chỉ được Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) dành cho nam giới tham gia thi đấu từ nhiều thập niên qua. Và huy chương vàng của Katie Ledecky đã làm nên lịch sử.
“Tôi chỉ nghĩ đến tất cả những nữ vận động viên bơi lội tuyệt vời mà Hoa Kỳ từng có nhưng không may mắn có được cơ hội để giành chiến thắng lịch sử như tôi tại Olympic lần này. Tôi cũng quá mừng khi Sullivan lấy được tấm huy chương bạc. Chúng tôi đã làm tất cả một cách tốt nhất có thể”, Ledecky phát biểu khi bước lên bục vinh quang và cho biết đây là thế vận hội đầu tiên của người đồng đội mới 21 tuổi Sullivan.
Sullivan cũng bộc bạch với báo chí: “Thú thật tôi đã mấy lần muốn bỏ cuộc, nhưng cứ nhìn thấy Katie là người duy nhất ở phía trước thì tôi như được tiếp thêm năng lượng để hoàn thành lượt thi”.
Ledecky được xem là nữ vận động viên bơi lội vĩ đại nhất mọi thời đại. Cô đã giành 6 huy chương vàng Olympic, 15 huy chương vàng giải vô địch thế giới. Đây là thành tích kỷ lục chưa từng có đối với một nữ vận động viên bơi lội. Ledecky đồng thời cũng là người giữ kỷ lục thế giới cự ly 400, 800 và 1.500m tự do.
Trong lần ra mắt tại Thế vận hội Olympic London 2012, Ledecky khi ấy mới 15 tuổi đã bất ngờ giành huy chương vàng nội dung 800m tự do. Bốn năm sau, Thế vận hội Olympic 2016 chứng kiến cô rời Rio de Janeiro với “bộ trang sức” 4 huy chương vàng, 1 bạc và phá hai kỷ lục thế giới. Tổng cộng đến thời điểm này, cô đã giành được 34 huy chương (28 vàng, 5 bạc và 1 đồng) trong các giải quốc tế lớn bao gồm Thế vận hội mùa hè, giải vô địch thế giới và giải vô địch Pan Pacific và phá 14 kỷ lục thế giới. Quả là thành tích đồ sộ với một cô gái 24 tuổi.
Các “nữ chiến binh” tự do bày tỏ quan điểm
“Phụ nữ chắc chắn vẫn có tiếng nói hơn bao giờ hết đối với IOC khi cho phép họ thể hiện các quan điểm chính trị và xã hội khác nhau trước mỗi lượt tranh tài tại Thế vận hội”, một chuyên gia phát biểu về Olympic Tokyo vốn được xem là kỳ tranh tài của phụ nữ.
Megan Rapinoe cùng đồng đội và trọng tài quỳ gối trước trận đấu vòng bảng G giữa Hoa Kỳ và New Zealand trên sân vận động Saitama tại Thế vận hội Olympic Tokyo ngày 24/7 - Ảnh: NBCnews
Tại đây, các nữ vận động viên đã, đang và sẽ tiếp tục thu hút sự quan tâm của chính trường quốc tế với tinh thần bình đẳng chủng tộc, hoặc chỉ là quyền thể hiện trang phục thi đấu theo sở thích trong các cuộc thi.
Megan Rapinoe và đội bóng đá nữ Mỹ đã cùng với trọng tài quỳ gối trước khi bắt đầu trận đấu vòng bảng G với New Zealand trên sân vận động Saitama ngày 24/7. Các đội bóng nữ khác như Chile, Anh cũng làm như vậy để kêu gọi chấm dứt phân biệt chủng tộc.
Họ đã vận dụng một quy tắc mới do IOC cho phép đó là “bày tỏ quan điểm” trên sân trước khi các trận đấu hay cuộc thi tài diễn ra. Quy tắc mới cho phép vận động viên biểu đạt quan điểm nếu tuân thủ tiêu chí “không chống lại phẩm giá con người, quốc gia, tổ chức” và không gây rối.
Trước đây, các quy định của IOC cấm các hình thức “biểu tình” hoặc tuyên truyền cho các vấn đề chính trị, tôn giáo hoặc chủng tộc ở bất kỳ địa điểm tổ chức Olympic nào.
Briana Scurry - thủ môn đội tuyển quốc gia nữ Mỹ giai đoạn 1993-2008 - cho rằng, quỳ gối là công cụ quan trọng giúp xóa bỏ phân biệt chủng tộc đã ăn sâu vào văn hóa bóng đá từ lâu. “Cử chỉ đó trở thành một công cụ để thay đổi xã hội và ủng hộ phụ nữ trong thể thao là ý tưởng được đội tuyển quốc gia chủ trương”, Scurry nói.
Luciana Alvarado - vận động viên thể dục dụng cụ người Costa Rica - đã mang theo ngọn đuốc phản đối phân biệt chủng tộc. Cô bày tỏ lòng kính trọng đối với phong trào Black Lives Matter trước khi thi đấu hôm Chủ nhật 25/7. Cô gái 18 tuổi cũng kết thúc bài thi của mình bằng cách quỳ gối, đặt tay trái sau lưng và giơ nắm đấm tay phải lên không trung.
Đây là hình ảnh đầu tiên xuất hiện trên sân đấu quốc tế môn thể dục dụng cụ. Theo Alvarado, màn kết thúc của cô được dàn dựng nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng của quyền bình đẳng toàn cầu. “Bởi vì tất cả chúng ta đều giống nhau. Tất cả chúng ta đều xinh đẹp và tuyệt vời”, cô gái nói.
Luciana Alvarado - vận động viên thể dục dụng cụ của Costa Rica - quỳ gối, đặt tay trái sau lưng và giơ nắm đấm tay phải lên không trung để kết thúc bài thi bày sự ủng hộ phong trào Black Lives Matter hôm 25/7 - Ảnh: NBCnews
Bà Akilah Carter-Francique - Giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu Thể thao - Xã hội, Đại học San Jose (Mỹ) - nói: “Chúng ta sẽ thấy vai trò của chế độ phụ hệ bị thay thế bằng tiếng nói và trải nghiệm sống của phụ nữ trên sân đấu Olympic. Những gì chúng ta đang chứng kiến là sự thừa nhận giá trị, quan điểm của họ đối với nhiều vấn đề toàn cầu đang diễn ra”.
Theo Carter-Francique, các “cuộc biểu tình” của nữ vận động viên ở Tokyo là phần mở rộng của các phong trào xã hội đã hoạt động tích cực trên đất Mỹ và ở các nước như Black Lives Matter, Me Too… Đó từng là chất xúc tác cho các nhóm thiểu số bị gạt ra ngoài lề xã hội trong câm lặng.
Theo phunuonline