Trước kì thi tốt nghiệp THPT, các em học sinh băn khoăn về cơ hội việc làm sau tốt nghiệp, đặc biệt là những ngành nghề thường bị xem là "ngồi chơi xơi nước", trong Chương trình tư vấn tuyển sinh “Đúng ngành nghề - Sáng tương lai” sáng 8/1 tại trường THPT Phú Nhuận (Phú Nhuận) do Báo Giáo Dục TPHCM tổ chức. 

leftcenterrightdel
 Trước những chia sẻ chân thành của ban cố vấn, các em học sinh vô cùng hào hứng đặt câu hỏi

Trả lời câu hỏi về triển vọng của ngành du lịch, cô Phạm Ngọc Liên Thảo - Trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh & Truyền thông trường Cao đẳng Du lịch Sài Gòn, cho biết: “Ngành du lịch hiện đang trong tình trạng khan hiếm nhân sự trầm trọng. Nhất là sau dịch COVID-19, nhân sự du lịch đang tỉ lệ nghịch với sự bùng nổ khách du lịch. Vì vậy, cơ hội việc làm của các sinh viên tốt nghiệp ngành Du lịch - Lữ hành rất cao, có triển vọng và là một trong những ngành nghề quan trọng trong sự phát triển của đất nước".

leftcenterrightdel
 Các học sinh được "gỡ rối" bâng khuâng trước ngưỡng cửa mới của cuộc đời

Một học sinh khác quan tâm về ngành Tâm lý học. Đây là ngành trong phần đông suy nghĩ của xã hội có nguy cơ làm trái ngành hoặc thất nghiệp sau khi tốt nghiệp, từ đó lãng phí thời gian và công sức bỏ ra.

Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ - Phó hiệu trưởng trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn cho biết, quan điểm này giờ đã lỗi thời, học sinh - sinh viên đừng vì những rào cản này mà đánh mất đam mê và hứng thú với việc làm mình theo đuổi.

“Có việc làm sau khi tốt nghiệp hay không không phụ thuộc vào ngành nghề mà dựa vào năng lực cá nhân, bản thân. Tôi đã từng khuyên rất nhiều bạn đừng bao giờ lựa chọn một ngành học theo ý kiến xã hội rằng “tốt nghiệp ra là có việc làm". Xã hội này vốn không vận hành một cách máy móc như vậy. Tôi mong các bạn nhớ rằng, việc phấn đấu và nỗ lực của bản thân sẽ gặt hái được trái ngọt. Kết quả tương lai của các bạn tuỳ thuộc vào chính mình” - thầy Phạm Tấn Hạ chia sẻ.

Theo thầy Hạ, dù có ngành triển vọng và hứa hẹn nhiều cơ hội, nhưng bản thân không đáp ứng được nhu cầu của ngành thì cũng mau chóng bị đào thải.

Có nên chọn ngành nghề theo mong muốn của bố mẹ?

Một học sinh chia sẻ: “Em có nguyện vọng học ngành học cho riêng mình, nhưng nguyện vọng của bố mẹ lại khác. Em không biết có nên nghe theo bố mẹ?”

leftcenterrightdel
 Không như lần chuyển cấp từ THCS lên THPT, cánh cửa đại học mở ra vô vàn lựa chọn, đồng nghĩa các bạn học sinh cần phải cẩn thận với nguyện vọng của mình

Tiến sĩ Tâm lý Đào Lê Hoà An cho biết, hằng năm, cứ vào giai đoạn kì thi tốt nghiệp THPT, ông lại nhận những câu hỏi về câu chuyện này. 

“Các bạn cần hiểu rõ bản thân yêu gì nhất, nhưng cũng phải thừa nhận điểm yếu của mình là gì mới có thể có lựa chọn riêng cho bản thân mình. Nguyện vọng đại học không phải là một bài thi, nó còn là cuộc đời của bạn sau này” - Tiến sĩ Đào Lê Hòa An chia sẻ. 

Tiến sĩ Đào Lê Hòa An so sánh, những lựa chọn về điểm mạnh, điểm yếu và sở trường phải là những mảnh ghép tạo nên khung năng lực cho bản thân, định hình nghề nghiệp của chính các bạn trong tương lai.

leftcenterrightdel
 Trong hàng chục sự lựa chọn, các bạn cần cân nhắc và đảm bảo bản thân đủ đáp ứng cho ngành nghề về sau này

Theo ông, học sinh hiện nay đang gặp một vấn đề nhức nhối là vào độ tuổi của các bạn, cái tôi rất cao. Các bạn cho rằng bản thân đã tự có thể ra quyết định cho nhiều vấn đề trong cuộc sống của mình. Tuy nhiên trong thực tế, có rất nhiều bạn vỡ mộng khi bước vào chính ngành nghề mà mình lựa chọn.

Xã hội hiện nay vận hành và lan truyền thông tin rất nhanh. Các bạn chỉ cần lướt mạng xã hội là đã lượm nhặt được rất nhiều thông tin về triển vọng ngành nghề, tạo sự thích thú về những “màu hồng" nhưng đó chỉ là phần nổi. 

“Cái nguy của việc này là khiến các bạn lầm tưởng bản thân đã hiểu rất rõ về nó, tự tin chốt hạ nguyện vọng trong khi thực tế lại chưa hiểu thật sâu về tính 2 mặt của ngành nghề các bạn đã lựa chọn”, tiến sĩ tâm lý Hoà An cho biết.

Ông cho biết, bản thân từng chứng kiến một bạn “vỡ mộng" khi lựa chọn ngành nghề dựa trên sự yêu thích tức thời mà chưa tìm hiểu kĩ lưỡng. Lời khuyên của ông dành cho các bạn học sinh đang tìm kiếm nguồn thông tin là nếu có thể biến điều mình yêu thích thành một công việc thực thụ thì mới chấp nhận đi theo nó. 

“Cách dễ nhất để hiểu về công việc đó là tìm kiếm chúng trên mạng. Các bạn tìm kiếm theo cú pháp  “mô tả công việc + ngành nghề các bạn yêu thích”, khi đó bảng mô tả công việc lĩnh vực nghề nghiệp đó phù hợp với thế mạnh, điểm yếu của bản thân thì các bạn mạnh dạn theo đuổi.

Tiến sĩ Hòa An chia sẻ, ngành nghề là thứ bạn phải gắn bó và sống chung. Cần chuẩn bị tinh thần và khả năng để đáp ứng những gì công việc yêu cầu. Chính vì điều này, lời khuyên và sự chia sẻ, đóng góp của ba mẹ dành cho các lựa chọn của con cái rất quan trọng. Cả hai cần sự thấu hiểu, tiếp nhận và lắng nghe nhau.

Theo phụ nữ TPHCM