|
Hoạt động giao lưu của cộng đồng thanh niên, sinh viên Việt Nam tại Pháp. (Ảnh: NVCC) |
Với tinh thần đoàn kết, gắn bó và chia sẻ, chị Nguyễn Thị Diệu Linh đã cùng các bạn trẻ tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, tạo sợi dây liên kết ngày càng rộng khắp trong Liên hiệp Hội thanh niên sinh viên Việt Nam tại châu Âu (VYSEF).
Sau ba năm thành lập, các thành viên ở mỗi nước như một đầu cầu quan trọng để triển khai các hoạt động chung với mục tiêu làm cầu nối, tập hợp các thanh niên sinh viên người Việt và gốc Việt hỗ trợ lẫn nhau và có thêm nhiều hoạt động hướng về quê hương đất nước.
Một mô hình điểm
Có thể nói, sự ra đời của VYSEF chính là kết quả khởi nguồn từ sự hình thành của các câu lạc bộ thanh niên, hội thanh niên, sinh viên vào những năm 1990 (tại Pháp, Czech và Ba Lan), đầu những năm 2000 (ở Hungary, Ba Lan, Romania, Hà Lan, Bỉ) và tiếp đến 10 năm trở lại đây (ở Đức, Áo và Italy).
Sau rất nhiều sự kiện, chương trình và các hoạt động sôi nổi, phong trào của thanh niên, sinh viên các thế hệ tại châu Âu đã dần tạo thành một kênh kết nối riêng mạnh mẽ.
Với sự ủng hộ của Liên hiệp Hội người Việt Nam tại châu Âu, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, cộng đồng người Việt tại các nước sở tại..., VYSEF đã tổ chức thành công Diễn đàn Sáng kiến trẻ Việt Nam toàn châu Âu – InnoCity, các hoạt động giao lưu, hướng nghiệp và quảng bá văn hóa Việt Nam tới người bản xứ...
Đặc biệt, mới đây, Hội trại thanh niên, sinh viên Việt Nam tại châu Âu lần thứ 10 đã được tổ chức tại Đức với sự tham gia của 150 thanh niên, sinh viên Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm việc ở chín nước châu Âu, đánh dấu mốc quan trọng trong quá trình phát triển của cộng đồng VYSEF.
Với chủ đề “Đề cao sự đồng điệu”, Hội trại năm nay tiếp tục là cầu nối gắn kết thanh niên, sinh viên người Việt và gốc Việt ở nước ngoài, đồng thời mở ra không gian giao lưu văn hóa, thể thao và khoa học bổ ích giữa các bạn trẻ, cùng nhau hướng đến mục đích cuối cùng là giúp đoàn kết và khơi dậy tình yêu Tổ quốc.
Tiên phong, sáng tạo
Khẳng định thế hệ trẻ kiều bào đóng vai trò quan trọng trong công tác hội đoàn ở nước ngoài, Chủ tịch VYSEF Nguyễn Thị Diệu Linh cho rằng, các bạn trẻ không chỉ kế thừa mà còn thường xuyên đổi mới hoạt động, mang đến những ý tưởng và phương pháp làm việc hiện đại, phù hợp với xu hướng và nhu cầu của cộng đồng ở sở tại.
Theo chị Diệu Linh, với khả năng tiếp thu và kết hợp giữa văn hóa Việt Nam và quốc gia sở tại, các bạn trẻ đã xây dựng hình ảnh tích cực, thân thiện của người Việt Nam ở nước ngoài. Điều này không chỉ giúp duy trì bản sắc văn hóa truyền thống, các giá trị Việt mà còn thúc đẩy sự hòa nhập và tôn trọng lẫn nhau giữa các dân tộc.
Ngoài ra, thế hệ trẻ kiều bào cũng đóng góp vào việc nâng cao hiệu quả hoạt động của các hội đoàn thông qua ứng dụng công nghệ, truyền thông số và mạng xã hội. Họ là đối tượng có khả năng tiếp cận thông tin nhanh chóng, kết nối và mở rộng mạng lưới thanh niên, sinh viên trong khu vực, từ đó tạo ra sự tương tác tích cực, gắn kết và xây dựng cộng đồng người Việt ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn.
Hơn nữa, nhiều cá nhân là những chuyên gia trí thức, đóng vai trò lãnh đạo, tiếp nối sự nghiệp của các thế hệ đi trước và thúc đẩy những thay đổi cần thiết để tham gia vào công tác xây dựng và phát triển hội đoàn ngày càng bền vững.
Việc tham gia và đóng góp của giới trẻ đã tạo nên một sân chơi rộng lớn hơn cho cộng đồng người Việt ở nước ngoài với mục tiêu tăng cường đoàn kết, tiến bộ và có sức ảnh hưởng tích cực đến quốc gia sở tại.
Chủ tịch VYSEF chia sẻ: “Kiều bào trẻ đóng vai trò rất quan trọng trong giữ gìn và phát triển ngôn ngữ, văn hóa Việt Nam cho các thế hệ sau, bảo đảm rằng những giá trị này không bị mai một trong môi trường sống mới”.
Chị cho biết, trên thực tế, thế hệ kiều bào thứ hai và thứ ba đã tham gia tích cực trong công tác giảng dạy tiếng Việt, tổ chức nhiều hoạt động giữ gìn, phát huy văn hóa truyền thống cho các thế hệ tiếp theo.
|
Chủ tịch VYSEF Nguyễn Thị Diệu Linh (ngoài cùng, bên trái) cùng Hội thanh niên sinh viên Việt Nam tại Czech trao tặng những tấm bản đồ “Tự hào một dải non song, một tấm bản đồ, một trái tim Việt Nam” tới Hội người Việt Nam tại Czech, Liên hiệp Hội người Việt Nam tại châu Âu. (Ảnh: NVCC) |
Vượt qua rào cản
Tuy nhiên, những người Việt trẻ sinh ra và lớn lên ở nước ngoài thường sống giữa hai nền văn hoá. Điều này có thể tạo ra khoảng cách trong giao tiếp và sự thấu hiểu giữa các thế hệ, đồng thời gây khó khăn trong duy trì và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống.
Chị Diệu Linh cho biết, khả năng sử dụng tiếng Việt của thế hệ trẻ thường bị hạn chế, dẫn đến khó khăn trong việc tham gia công tác cộng đồng, đặc biệt là các hoạt động yêu cầu sử dụng tiếng Việt nhiều.
Bên cạnh đó, nhiều bạn trẻ chưa có kinh nghiệm trong việc tổ chức các hoạt động hội đoàn. Điều này có thể dẫn đến khó khăn trong điều hành, quản lý và duy trì các hoạt động lâu dài.
Việc kết nối các cộng đồng người Việt ở nhiều quốc gia châu Âu cũng là thách thức lớn do sự phân tán địa lý và sự khác biệt về điều kiện sống, công việc và học tập của mỗi cộng đồng.
Chị Diệu Linh cho biết: “Các hội đoàn của thế hệ trẻ thường gặp khó khăn trong huy động nguồn lực tài chính và hỗ trợ từ các tổ chức, cá nhân hoặc chính quyền địa phương”.
Bên cạnh đó, nhiều bạn trẻ ở nước ngoài phải đối mặt với áp lực từ việc học tập, công việc, cũng như cuộc sống cá nhân, do đó họ gặp khó khăn trong việc dành thời gian và công sức cho công tác cộng đồng.
Việc cân bằng giữa việc hòa nhập với xã hội bản địa và duy trì bản sắc văn hóa Việt Nam, theo chị, là một thách thức lớn đối với thế hệ trẻ. Với sự phát triển của công nghệ và mạng xã hội, xu hướng tham gia các hoạt động cộng đồng có thể thay đổi, đòi hỏi các hội đoàn phải thích ứng với cách thức mới để thu hút sự tham gia của nhóm này.
Để khuyến khích người trẻ tham gia vào các hoạt động hỗ trợ cộng đồng tại nước ngoài, Chủ tịch VYSEF cho rằng các bộ, ban, ngành cần tổ chức các chương trình đào tạo, hội thảo giúp giới trẻ phát triển kỹ năng lãnh đạo, làm việc nhóm và quản lý dự án phù hợp với môi trường cộng đồng ở nước ngoài. Việc này có thể kết hợp với các chuyến về Việt Nam thăm gia đình của các bạn trẻ, đưa thành một phần của chương trình Trại hè Việt Nam hàng năm.
Theo Chủ tịch VYSEF, Nhà nước nên xây dựng các chính sách khuyến khích như hỗ trợ các nguồn lực, công nhận thành tích, hoặc ưu tiên trong tuyển dụng cho những người trẻ tham gia hoạt động cộng đồng khi về Việt Nam công tác.
Cùng với việc phát triển các chiến dịch truyền thông để nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của hoạt động cộng đồng và tạo cơ hội kết nối giữa giới trẻ nước ngoài và các tổ chức, trường học, các cơ quan chức năng liên quan ở trong nước, cần có thêm chương trình hỗ trợ những sáng kiến cộng đồng từ giới trẻ, tạo điều kiện cho họ thử nghiệm và thực hiện các dự án của mình.
Theo chị Diệu Linh, trong thời đại cách mạng 4.0 hiện nay, người Việt trẻ phải luôn chủ động trong tiếp cận công nghệ và tri thức thế giới. Bên cạnh đó, cần phải đề cao việc giữ gìn bản sắc dân tộc khi sinh sống, học tập ở nước sở tại.
Đặc biệt, mỗi trí thức người Việt, người gốc Việt trẻ ở nước ngoài cần phải ý thức rõ được vai trò của mình giống như một “sứ giả” đóng góp cho quan hệ hữu nghị và hợp tác phát triển giữa Việt Nam và thế giới.
Theo TG&VN