Có mục tiêu học tập rõ ràng
Sinh ra và lớn lên ở TP.Hà Nội nhưng Trang chọn TP.HCM là nơi học tập và làm việc. Chia sẻ về lý do gắn bó với vùng đất này, Trang nói: "Mình muốn đi xa nhà để thay đổi môi trường sống và học tập. Hơn nữa, ngành mình muốn học ở TP.HCM có nhiều trường đào tạo và cơ hội nghề nghiệp cũng cao hơn".
Để có được điểm số gần như tuyệt đối đó, ngay từ năm nhất Trang đã vạch ra mục tiêu học tập rõ ràng. "Lúc trúng tuyển vào trường mình nhận được học bổng toàn phần. Nếu muốn duy trì học bổng đó trong suốt 4 năm thì điểm trung bình tích lũy phải trên 3.6. Do đó, mục tiêu của mình là phải đạt điểm cao để giữ học bổng. Khi đã có mục đích rồi thì việc đạt được điều mình mong muốn sẽ dễ dàng hơn", Trang chia sẻ.
Bí quyết học tập của Trang là luôn dành thời gian đọc và tìm hiểu giáo trình trước ở nhà để khi đến lớp nghe giảng sẽ dễ dàng nắm bắt kiến thức. Bên cạnh đó, Trang cũng cho biết nên học sao cho hiểu và kiến thức đó thành của mình thì mới mang lại hiệu quả.
Trang chia sẻ suốt 4 năm đại học chưa từng vắng mặt trên lớp buổi nào. "Mình rất sợ bị trừ điểm chuyên cần, hơn nữa nếu không đi học một hôm sẽ bỏ lỡ rất nhiều kiến thức", Trang nói. Nhờ siêng năng, chăm chỉ nên hầu hết các môn học Trang đều đạt điểm tuyệt đối 4.0, duy chỉ có một môn là 3.5.
Nhìn vào kết quả học tập đó tưởng chừng Trang chỉ dành thời gian cắm cúi vào sách vở, thế nhưng mỗi ngày cô nàng này chỉ dành khoảng 2 tiếng đồng hồ cho việc học. "Ngoại trừ những môn phải dùng giáo trình tiếng Anh sẽ mất nhiều thời gian đọc hiểu. Còn lại mỗi ngày mình chỉ dành khoảng 2 tiếng đồng hồ để học", Trang cho hay.
Cân bằng giữa học và làm
Trang chia sẻ 2 năm đầu tiên của đại học, cô nàng không chú trọng việc đi làm thêm mà đăng ký học thêm một số môn. "Vào năm nhất đại học mình không đi làm thêm mà dành toàn bộ thời gian cho việc học. Hai năm đầu, mình đăng ký nhiều môn hơn để năm cuối lịch học thư thả, có nhiều thời gian để tập trung làm khóa luận", Trang nói.
Từ học kỳ 2 của năm thứ hai, Trang bắt đầu đi làm thêm ở nhà hàng, khách sạn. Kinh nghiệm mà cô nàng này rút ra là không nên vội đi làm thêm từ năm nhất. "Năm đầu tiên chuyển từ bậc THPT lên đại học, thay đổi môi trường, cách học nên cần có thời gian để thích nghi. Do đó, thời gian đầu không nên đi làm thêm ngay mà chỉ tập trung cho việc học. Sau khi đã cảm thấy thích nghi được với mọi thứ rồi và có thời gian rảnh thì đi làm thêm để có kinh nghiệm", Trang chia sẻ.
Đang làm công việc trái với ngành học, cô nàng này cũng chia sẻ rằng nên chọn việc làm thêm liên quan tới chuyên ngành. Điều này, vừa giúp có thu nhập, kinh nghiệm và xem bản thân có phù hợp với công việc đó hay không. Nếu không mình có thể thay đổi từ sớm để năm cuối không phải loay hoay.
"Ví dụ mình học quản trị khách sạn nhưng muốn rẽ sang làm về marketing, thì trong lúc nghỉ làm chỗ cũ để tìm việc mới cũng cần phải điều chỉnh lại hồ sơ xin việc (CV) và học thêm các khóa ngắn hạn. Điều này vừa giúp làm đẹp CV vừa là một phép thử xem liệu mình có thích hợp với ngành đó không", Trang nói.
Là giảng viên đồng hành với Trang suốt 4 năm học, thạc sĩ Nguyễn Thị Kim Thoại, Phó trưởng khoa Khoa Quản trị du lịch và Khách sạn, Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM, nhận xét: "Ngay từ năm nhất Trang đã thể hiện tinh thần, năng lực học tập rất xuất sắc và nghiêm túc, đặc biệt em có nền tảng tốt về ngoại ngữ và kỹ năng mềm. Suốt 4 năm đại học, Trang luôn đứng đầu lớp và khoa về thành tích học tập, nhiều năm liền đạt học bổng tài năng của trường. Không chỉ xuất sắc ở các học phần chính khóa, Trang còn tích cực tham gia nghiên cứu khoa học, sự kiện... của khoa và trường. Trang luôn tìm kiếm cơ hội để trau dồi phát triển bản thân, tiếp cận sớm với công việc thực tiễn. Ngay từ năm hai, em ấy đã tự định hướng rõ ràng con đường phát triển nghề nghiệp của mình và quyết tâm hiện thực nó với lộ trình cụ thể, một điều mà ít bạn trẻ nào có thể làm được".
Theo Thanh niên