Gia đình chúng tôi nhận sinh viên Mỹ về nhà ở cùng theo dạng homestay trong chương trình SIT (School for International Training) đã gần 10 năm. Các sinh viên Mỹ sang Việt Nam học trong 1 học kỳ, khoảng 4-5 tháng và ở nhà homestay khoảng 2 tháng; sau đó các bạn đi tham quan, học tập trải dài từ Bắc chí Nam.
|
|
Không điện thoại trên bàn ăn khiến cho bầu không khí luôn gần gũi, thân mật |
Nhiệm vụ của các gia đình homestay là lo chỗ ở và phục vụ ăn uống cho các sinh viên Mỹ để giúp các bạn hòa nhập vào cuộc sống của gia đình Việt, trải nghiệm nhiều nhất văn hóa và lối sống Việt.
Lần này, gia đình chúng tôi nhận 2 sinh viên Mỹ là Unni Isaksen - người gốc Na Uy và Gao Sheng Thao - gốc Lào, người dân tộc H’mông.
Họ đều là sinh viên trường St. Olaf - ngôi trường họ luôn tự hào khi nhắc đến: đội bóng đá đạt vô địch nước Mỹ; trường vô cùng nền nếp, kỷ luật; sinh viên vào thư viện có thể để laptop, điện thoại, thậm chí cả tiền mặt trên quyển sách chỗ mình ngồi và ung dung đi ăn hàng giờ mà không sợ mất.
Không điện thoại trên bàn ăn
Không chỉ Việt Nam mà ở khắp nơi trên thế giới, bữa ăn cùng gia đình, dù là sáng, trưa hay chiều tối đều được xem như giờ phút quan trọng để kết nối gia đình, gắn bó các thành viên với nhau khi vừa ăn, vừa tranh thủ trò chuyện, tâm tình mọi buồn vui trong cuộc sống, công việc.
|
|
Tác giả (giữa) vui chơi cùng Unni Isaksen - người gốc Na Uy và Gao Sheng Thao - gốc Lào |
Thế nhưng, khi chiếc điện thoại thông minh trở thành vật bất ly thân của nhiều người thì không ít gia đình phải đối mặt với tình trạng các thành viên ngồi vào bàn ăn nhưng mặt cứ “cắm” vào điện thoại lướt mạng, chẳng ngẩng lên xem người xung quanh đang ăn gì, nghĩ gì. Vì thế, những bữa ăn gia đình đã trở nên lạnh lẽo khi mạnh ai nấy ăn, mạnh ai nấy làm việc riêng. Nhà tôi cũng thế, có 2 mẹ con, nhưng gần như chưa bao giờ con trai tôi buông chiếc điện thoại khi vào bàn ăn, dù tôi có nặng nhẹ bao lời.
Thế nhưng, khi 2 sinh viên Mỹ đến ở cùng, 2 bạn đã nhắc ngay “nguyên tắc vàng” mà bà mẹ bác sĩ của Unni căn dặn con kỹ lưỡng từ bé: “No phone on dinner table” (không điện thoại trên bàn ăn). Thông suốt nguyên tắc này nên những bữa ăn của chúng tôi đã trở thành những giây phút hạnh phúc tuyệt vời. Chúng tôi nói về những món ăn trên bàn, từ nguyên liệu đến cách chế biến.
Thỉnh thoảng, để các món ăn thêm ý nghĩa, tôi cố gắng gửi những câu chuyện vào các món ăn như sự tích bánh chưng, bánh giầy, bánh tét, bánh phu thê, trái dưa hấu, trái thơm… Không chỉ sinh viên Mỹ, ngay cả con trai tôi cũng hết sức ngạc nhiên về những câu chuyện đẹp đẽ này; nhất là khi tôi kể sự tích trái thơm, cháu cứ há hốc mồm vì lần đầu được nghe.
Chính những câu chuyện lung linh huyền thoại này đã làm các sinh viên Mỹ thêm yêu ẩm thực Việt Nam. Cuối tuần, tôi hay hỏi các bạn Mỹ thích ăn món gì để cùng làm. Khi đã chọn món chả giò, chúng tôi cùng đi siêu thị chọn nguyên liệu rồi đưa 2 bạn vào bếp, tôi tập cho các bạn cuốn chả giò, chỉ cách chiên sao cho giòn, cho ngon với những kỹ thuật tôi sưu tầm trên mạng.
Những bữa ăn của chúng tôi luôn đầy ắp tiếng cười. Các bạn cũng khoe biết làm bánh táo - món ăn phổ biến dịp lễ Tạ ơn ở Mỹ và cả 2 đã xuống bếp trổ tài để đãi mẹ con tôi.
Mở lòng đón nhận nhau
Khi về ở cùng nhau, ngay từ những giây phút đầu đưa 2 bạn nhận phòng, tôi đã cố gắng gửi thông điệp: hãy xem đây là nhà của bạn. 2 bạn rất thích thú khi biết nhà tôi có sân thượng rất rộng và đẹp ở tầng 4 - nơi trông giống một khu vườn vì đầy cây xanh, có chim hót véo von, có vài hồ cá tung tăng bơi lội, có chiếc xích đu duyên dáng, có bộ ghế sofa hàng trăm tuổi. 2 bạn cũng kể rằng nhà các bạn ở Mỹ thường chỉ có 2 tầng, có sân trước và sân sau, chứ không có sân thượng.
|
|
Cuốn album do 2 người bạn Mỹ làm khiến tác giả rơi nước mắt |
Thế là sân thượng biến thành chỗ thư giãn sau buổi chiều tan học, có thể nhảy dây, đá cầu, tập thể dục, ngồi đọc sách, vẽ tranh, viết thư pháp… Ở đó, những ngày cuối tuần, chúng tôi thường ăn sáng, uống trà, tâm sự cùng nhau đủ chuyện. Để thay đổi không khí, thỉnh thoảng tôi đưa 2 bạn sang quận 2 thả diều, ra công viên gần nhà đánh cầu lông, chạy bộ… Cả 2 cũng hay cùng con trai tôi đi đánh bida, xem phim…
Điều tôi bất ngờ là sinh viên Mỹ được trang bị nhiều kỹ năng mềm, ngoài việc học chính quy ở trường. Bạn nào cũng tham gia vài câu lạc bộ như cầu lông, bóng chuyền, bóng ném, họa, nhạc… Unni học đàn piano từ bé, nhưng lúc đầu ngại không dám đánh vì quên nốt.
Thấy tôi hay tập đàn buổi tối ở phòng khách, bạn xuống ngồi nghe và nhận ra những bài rất quen như Yesterday, Love story, Silent night… Rồi bạn tự tin ngồi vào đánh và tối nào cây đàn cũng làm bạn với Unni, giống như lúc bạn ở Mỹ. Gao Sheng là một cây guitar thứ dữ của trường, còn thuộc đội tuyển tennis. Nhìn chung, bạn nào cũng đầy năng khiếu, ngoài học chữ đều chọn cho mình những trò tiêu khiển bổ ích, lành mạnh.
Tối đến, tôi luôn dành thời gian cùng con trai chở 2 bạn đi chợ đêm, khu phố người Hoa, thưởng thức món ăn đường phố, sang Phú Mỹ Hưng… và giải thích cặn kẽ về sự hình thành, phát triển của thành phố. 2 bạn rất thú vị khi thấy nhiều sự khác biệt lớn giữa 2 nền văn hóa.
Bạn nói ở Việt Nam vui quá, có thể ăn đêm thoải mái, giờ nào ra đường cũng có chỗ bán thức ăn; trong khi ở Mỹ không như vậy, muốn ăn gì đó phải chạy xe cả tiếng đồng hồ mới đến chỗ ăn, nhưng cũng phục vụ theo khung giờ nhất định.
Thật may mắn cho các bạn Mỹ là thời điểm đó ngành du lịch thành phố tổ chức Tuần lễ Du lịch TPHCM nên tôi đã đưa các bạn tham dự nhiều sinh hoạt rất ý nghĩa. Với Gao Sheng, lễ hội Văn hóa Tây Bắc là điểm nhấn quan trọng vì khi đến đó, bạn tìm thấy những sinh hoạt của dân tộc bạn; bạn được giao lưu bằng ngôn ngữ “mẹ đẻ” của mình; được truyền hình phỏng vấn… Những bức hình bạn gửi về Mỹ cho cha mẹ, người thân khi gặp những người H’mông làm đầu bên kia rưng rưng nước mắt.
Khi đi vẽ tranh doodle ở sự kiện Tuần lễ Du lịch, cả 2 chăm chút trong từng nét vẽ và gửi gắm cả tình cảm vào bức tranh hoành tráng tại Việt Nam. Unni chú tâm đến môi trường nên gửi thông điệp về việc bảo vệ thiên nhiên; Gao Sheng vẽ ngôi chùa bạn thích.
Khi đưa các bạn ra phố, tôi luôn ý thức chọn những điểm độc, lạ. Đi mua sắm, tôi hay tìm những cửa hàng thủ công mỹ nghệ, những nơi bán đồ handmade đặc trưng của Việt Nam; thậm chí đưa các bạn đến những chỗ chuyên làm vật lý trị liệu để khám phá những đôi tay vàng Việt Nam, vì các bạn thích tìm hiểu về đông y. Đến đâu tôi cũng tìm hiểu thật kỹ thông tin để chia sẻ đầy đủ cùng các bạn nên cả 2 rất thích.
Chỉ sau 1 tuần, chúng tôi đã sống với nhau như người thân. 2 bạn hay gọi điện cho gia đình và kể mọi hoạt động của chúng tôi ở Việt Nam với câu cửa miệng: “I love Vietnam so much. We are family”. (Tôi yêu Việt Nam rất nhiều. Chúng tôi là một gia đình).
Những gì chúng tôi dành cho nhau đã được 2 bạn trẻ thức suốt đêm làm thành quyển album gửi lại cho tôi trước lúc chia tay. Nước mắt tôi lăn dài trên má, ngậm ngùi không nói nên lời. Tôi không muốn chia tay. Các bạn cũng thế. Tôi không có con gái nên đêm nào tôi cũng nhớ nụ cười giòn tan của Unni, của Gao Sheng; nhớ hoài câu 2 bạn nói với tôi: "I’m very happy; I’m proud of you; I miss you…"
Lên máy bay, đến chặng dừng nào, các bạn cũng nhắn tin cho tôi. Gao Sheng về Lào thăm họ hàng cũng chụp hình gửi cho tôi. Lời hội ngộ, trùng phùng luôn là ước hẹn với tôi từ 2 bạn.
Khi gặp nhau, chúng tôi là người lạ, nhưng khi chia tay, chúng tôi đã trở thành người thân.
Theo phụ nữ TPHCM