|
|
Các sinh viên ở Nam Phi xuống đường yêu cầu được miễn học phí năm 2018. Ảnh: mg.co.za |
Giáo dục miễn phí là gì?
Giáo dục miễn phí là giáo dục được tài trợ thông qua ngân sách của chính phủ hoặc các tổ chức từ thiện. Nhiều mô hình giáo dục miễn phí đã được đề xuất trên thế giới. Bậc tiểu học hoặc các chương trình giáo dục bắt buộc được miễn phí học tập ở nhiều quốc gia (thường không bao gồm tiền sách giáo khoa). Giáo dục đại học cũng được miễn phí ở một số quốc gia. Các quốc gia Bắc Âu giàu có thậm chí còn hỗ trợ cả chương trình học sau đại học.
Giáo dục miễn phí giúp trao cơ hội giáo dục bình đẳng cho tất cả mọi người khi làm giảm bớt đi những rào cản tài chính cho học sinh, sinh viên và gia đình của họ. Hệ thống này cho phép các nhóm có hoàn cảnh khó khăn tiếp cận giáo dục và tạo ra một cộng đồng học tập đa dạng hơn - điều cuối cùng mang lại lợi ích cho toàn xã hội.
Điều 13 của Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa đã nhấn mạnh quyền được giáo dục miễn phí ở bậc tiểu học và dần dần áp dụng quyền này ở bậc trung học và đại học.
Trong Thời đại hoàng kim của Hồi giáo (từ thế kỷ thứ 8 – 14), hình thức giáo dục miễn phí tại các trường Hồi giáo đã hình thành. Trong thời kỳ Phục hưng, các quan chức giàu có thường tài trợ cho việc giáo dục thanh niên với tư cách là người bảo trợ.
Nhà lập quốc người Mỹ Thomas Jefferson đã sớm đề xuất việc thành lập các trường học miễn phí để dạy đọc, viết và số học. Theo ông, từ những ngôi trường này, những người có khả năng trí tuệ, bất kể xuất thân hay tình trạng kinh tế, sẽ được tiếp cận giáo dục đại học do nhà nước tài trợ.
Tại Mỹ, năm 1847, chính trị gia Townsend Harris là người lập nên tổ chức giáo dục đại học công lập miễn phí đầu tiên - Học viện Miễn phí của Thành phố New York (ngày nay là Cao đẳng Thành phố New York - nhằm mục đích cung cấp giáo dục miễn phí cho người nghèo, người nhập cư và con cái của họ. Sinh viên tốt nghiệp từ trường này đã nhận được 10 giải Nobel, nhiều hơn bất kỳ trường đại học công lập nào khác.
Vào cuối thế kỷ 19, chính phủ Mỹ quy định chương trình giáo dục bắt buộc là phổ cập hoặc miễn phí, được mở rộng khắp đất nước vào những năm 1920.
Những quốc gia nào đang miễn học phí?
Các bước hướng tới nền giáo dục miễn phí đang được thực hiện trên khắp thế giới, đặc biệt ở những quốc gia đang phát triển nhanh chóng, chẳng hạn như Trung Quốc.
Kể từ khi ban hành "Luật giáo dục bắt buộc" năm 1986, chương trình giáo dục bắt buộc 9 năm đã được chính quyền các cấp ở Trung Quốc thực hiện và đạt được tiến bộ đáng kể. Chính sách giáo dục bắt buộc 9 năm cho phép học sinh trên 6 tuổi trên toàn quốc được học miễn phí ở cả trường tiểu học (lớp 1 đến lớp 6) và trung học cơ sở (lớp 7 đến lớp 9). Chính sách này được chính phủ tài trợ. Học trung học phổ thông (lớp 10 đến 12) và đại học là không bắt buộc hay miễn phí ở Trung Quốc.
|
|
Ảnh minh họa: Shutterstock |
Argentina, Brazil, Cuba, Ba Lan, Cộng hòa Séc, Hy Lạp, Hungary, Liban, Saudi Arabia, Thổ Nhĩ Kỳ, Sri Lanka và Uruguay đều miễn học phí ở tất cả các cấp.
Ở Argentina, Bộ Giáo dục tài trợ cho học sinh, sinh viên học miễn phí kể từ năm 1949, áp dụng với cả các sinh viên quốc tế sẵn sàng học tập tại Argentina.
Ở Bangladesh, điều 17 của Hiến pháp Bangladesh quy định rằng tất cả trẻ em đều là đối tượng giáo dục và được giáo dục miễn phí. Chương trình học tiểu học và trung học được nhà nước tài trợ hoàn toàn ở các trường công lập. Chính phủ cũng cấp sách giáo khoa miễn phí cho tất cả học sinh cấp tiểu học và trung học. Năm 2022, đã cố 347.016.277 quyển sách giáo khoa miễn phí đã được phân phát cho 41.726.856 học sinh trên toàn quốc. Ngoài ra, chính phủ Ấn Độ còn hỗ trợ bữa ăn miễn phí tại trường cho 400.000 trẻ em ở 2.000 trường học thuộc 8 khu vực.
Ở Fiji, năm 2013, chính phủ tuyên bố sẽ trang trải chi phí giáo dục ở bậc tiểu học và trung học, tương đương 110 USD mỗi năm cho mỗi học sinh.
Ở Iran, hầu hết các trường đại học danh tiếng cung cấp chương trình học miễn phí cho những sinh viên vượt qua kỳ thi tuyển sinh cạnh tranh với điểm số cao. Sinh viên tốt nghiệp từ các trường đại học này có nghĩa vụ phục vụ đất nước bằng số năm họ học tập để lấy bằng tốt nghiệp.
Ở Mauritius, chính phủ miễn học phí cho công dân từ bậc mầm non đến đại học. Kể từ tháng 7/2005, chính phủ cũng áp dụng dịch vụ đưa đón miễn phí cho tất cả học sinh. Học tập là bắt buộc cho đến năm 16 tuổi. Trong số các quốc gia châu Phi cận Sahara, Mauritius là một trong những quốc gia có tỷ lệ biết chữ cao nhất.
Tại New Zealand, trẻ em được học miễn phí trong độ tuổi từ 5 đến 19 tại các trường công lập do chính phủ sở hữu và tài trợ, nếu các em là công dân New Zealand hoặc thường trú nhân. Việc đi học là bắt buộc từ 6 -16 tuổi. Sau đó, chính phủ sẽ hỗ trợ thêm ba năm học tập hoặc đào tạo sau phổ thông miễn phí. Từ ngày 1/1/2018, tân sinh viên được miễn phí một năm học tập hoặc đào tạo. Từ năm 2021, những người bắt đầu học đại học sẽ được miễn phí hai năm và từ năm 2024 là ba năm. Tổng kinh phí của gói hỗ trợ này là 6 tỷ USD. Đảng Lao động cầm quyền cũng đã cam kết tăng trợ cấp cho sinh viên thêm 50 USD một tuần và khôi phục khả năng đủ điều kiện nhận trợ cấp sinh viên của sinh viên sau đại học.
Ở Philippines, các trường tiểu học và trung học công lập đều miễn học phí. Hiến pháp năm 1935 quy định phổ cập giáo dục tiểu học. Giáo dục tiểu học được miễn phí theo Hiến pháp năm 1973, trong khi Hiến pháp năm 1987 mở rộng chính sách miễn học phí đến cấp trung học. Các trường đại học công lập bắt đầu miễn học phí từ năm 2017.
Ở Sri Lanka, giáo dục miễn phí được chính phủ cung cấp ở nhiều cấp độ khác nhau. Các trường được chính phủ tài trợ như trường quốc gia, trường tỉnh và trường tôn giáo cho phép học sinh tiểu học và trung học học tập miễn phí. Ở bậc đại học, các trường cấp học bổng miễn phí, nhưng chỉ đủ cho khoảng 10% sinh viên.
Giáo dục ở Thái Lan quy định 9 năm “giáo dục cơ bản” bắt buộc gồm 6 năm tiểu học và 3 năm trung học cơ sở. Năm 1995 – 1997, chính trị gia Sukavich Rangsit là người thúc đẩy bố kế hoạch cải cách giáo dục nhằm mục tiêu giúp người dân nâng cao nhận thức trong việc phát triển bản thân để có chất lượng cuộc sống tốt hơn, cũng như phát triển đất nước để cùng tồn tại hòa bình trong cộng đồng thế giới. Kết quả, mọi trẻ em Thái Lan đều được miễn phí học tập trong 12 năm theo quy định trong Hiến pháp năm 1997.
Ở Tanzania, giáo dục miễn phí đã được áp dụng cho tất cả các trường công lập vào năm 2014. Chính phủ sẽ trả phí, tuy nhiên phụ huynh phải trả tiền đồng phục và các vật dụng khác.
Ở Mali, chính sách giáo dục miễn phí còn tương đối mới. Trước khi tiến hành, việc cho con đến trường thường quá đắt đỏ đối với nhiều gia đình, dẫn đến tỷ lệ mù chữ cao và bất bình đẳng về giáo dục. Những năm 1990 đã chứng kiến sự khởi đầu của làn sóng cải cách giáo dục. Một số tổ chức phi chính phủ và các tổ chức quốc tế đã vận động hành lang để hỗ trợ giáo dục miễn phí.
Tại khu vực Bắc Âu, năm 2013, Estonia cũng bắt đầu cung cấp giáo dục đại học miễn phí. Thụy Điển, cho đến đầu thế kỷ 21, đã hỗ trợ học miễn phí cho sinh viên nước ngoài nhưng đã thay đổi về thu học phí đối với sinh viên nước ngoài ngoài cộng đồng châu Âu. Đan Mạch cũng có nền giáo dục phổ cập miễn phí, đồng thời cấp một khoản trợ cấp hàng tháng mang tên "Statens Uddannelsesstøtte" cho học sinh, sinh viên.
Đức có hệ thống giáo dục vững mạnh và nổi tiếng về tiêu chuẩn học tập cao. Giáo dục toàn thời gian là bắt buộc ở cấp tiểu học và trung học đối với tất cả trẻ em từ 6 đến 15 tuổi. Nhà nước điều hành và trợ cấp học phí cho các trường học công lập. Các trường đại học ở Đức cung cấp giáo dục miễn phí cho cả sinh viên trong nước và quốc tế ở bậc đại học, chỉ cần đóng một khoản phí hành tượng trưng mỗi học kỳ. Mặc dù các chương trình cấp Thạc sĩ và Tiến sĩ có thể tính học phí cho sinh viên ngoài khu vực Liên minh châu Âu (EU), nhưng nhiều chương trình khác vẫn miễn phí. Một số khác cung cấp học bổng để trang trải chi phí.
Ở Cộng hòa Séc, hệ thống giáo dục bao gồm tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông. Đối với học sinh mầm non, những trường này thường không được nhà nước tài trợ. Sau mầm non, phụ huynh không phải đóng học phí nhưng phải cung cấp văn phòng phẩm, đồ ăn cho con. Giáo dục đại học ở Cộng hòa Séc miễn phí cho tất cả mọi người, kể cả người nước ngoài. Điều kiện duy nhất là bạn cần học bằng tiếng Séc. Chương trình học bằng tiếng Anh thường mất phí.
Ở Hy Lạp, học phí tại trường công lập và sách giáo khoa được chính phủ tài trợ. Hy Lạp cũng cung cấp giáo dục miễn phí cho tất cả sinh viên ở châu Âu, cũng như một số lượng học bổng đáng kể cho sinh viên quốc tế. Bất chấp những khó khăn kinh tế phải đối mặt, Hy Lạp này vẫn cam kết cung cấp giáo dục miễn phí.
Nhìn chung, mô hình giáo dục miễn phí thể hiện sự ưu tiên phát triển trí tuệ, bình đẳng xã hội và tăng trưởng kinh tế. Nó chứng tỏ rằng quan niệm giáo dục như một quyền lợi chứ không phải là một đặc quyền, hay là một lý tưởng không thể đạt được. Con đường hướng tới khả năng tiếp cận giáo dục toàn cầu là một con đường khó khăn, nhưng với những ví dụ như trên, chúng ta có thể hy vọng vào một thế giới nơi tất cả mọi người đều có thể tiếp cận nền giáo dục chất lượng, bất kể nền tảng tài chính của họ ra sao.
Theo baotintuc