Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng phát biểu khai mạc Chương trình. (Ảnh: Trần Quang Thành)

Tham dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến; các lãnh đạo Bộ, ngành, địa phương cùng các nghệ sĩ, nghệ nhân và đại diện đồng bào các dân tộc trên cả nước.

Phát biểu tại Chương trình, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng khẳng định: “Văn hóa chính là cội nguồn dân tộc, là tinh hoa của một cộng đồng hun đúc qua hàng ngàn năm lịch sử. Văn hóa vừa là mục tiêu, vừa là động lực cho sự phát triển bền vững của đất nước. Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành rất nhiều quyết sách về văn hóa, trong đó có việc bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống, bản sắc văn hóa của dân tộc".

Toàn cảnh sân khấu Chương trình. (Ảnh: MH)

Theo Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, một trong 6 nhiệm vụ trọng tâm, đó là khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc...

Việc tổ chức Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam (từ 16-19/4) là một trong những minh chứng sống động trong thực hiện nhiệm vụ phát triển văn hóa, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước.

Các đại biểu tham dự Chương trình tối ngày 16/4. (Ảnh: MH)

Ngày 17/11/2008, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định lấy ngày 19/4 hằng năm là Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Sau hơn 13 năm triển khai, trên khắp mọi miền Tổ quốc, bằng các hoạt động thiết thực, Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam đã lan tỏa và thấm sâu trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam, thực sự là một ngày hội lớn để đồng bào các dân tộc được gặp gỡ, giao lưu, cùng nhau hòa mình trong các không gian văn hóa đặc sắc. Qua đó, góp phần tôn vinh, quảng bá các giá trị văn hóa tốt đẹp, làm phong phú thêm đời sống tinh thần của nhân dân.

Chương trình nghệ thuật gồm 4 chương, với các chủ đề dõi theo dòng chảy văn hóa truyền thống - sợi dây gắn chặt sự đoàn kết của cộng đồng các dân tộc, tạo nên không gian rực rỡ sắc màu.

Một tiết mục văn nghệ đặc sắc tại Chương trình. (Ảnh: MH)

Chương 1 – Tìm về nguồn cội với câu ca “Dù ai đi ngược về xuôi, nhớ ngày Giỗ Tổ mùng Mười tháng Ba”; Chương 2 – Vầng dương chiếu rọi khẳng định chân lý “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”; Chương 3 – Khát vọng thể hiện nỗ lực của bao thế hệ người Việt nhằm gìn giữ, phát huy bản sắc dân tộc, những giá trị truyền thống tốt đẹp được vun đắp qua hàng ngàn năm; Chương 4 – phần kết mang chủ đề Chung một mái nhà là khúc hoan ca kết nối 3 miền Bắc, Trung, Nam đất nước, tôn vinh khối đại đoàn kết toàn dân, đồng thời khích lệ mọi tầng lớp nhân dân chung tay gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Chương trình có sự tham gia hàng trăm nghệ sĩ, diễn viên từ các đơn vị nghệ thuật: Nhà hát ca múa nhạc Việt Nam; Học viện Âm nhạc quốc gia; Học viện múa Việt Nam; Đoàn ca nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam; Nhà hát Quân đội...

Các đại biểu và các nghệ sĩ múa xòe mừng Ngày hội Văn hóa các dân tộc Việt Nam. (Ảnh: Như Ý)

Xúc động khi được tham gia Chương trình, nghệ sĩ Lò Thị Kim thuộc Đoàn Dân tộc Lào, bản Mường Và huyện Sốp Cộp, tình Sơn La chia sẻ: “Đoàn của tôi tham gia biểu diễn 2 tiết mục là hát bài Bun Py May và múa điệu Lăn tơi trên cánh đồng. Dù chặng đường xa nhưng đoàn chúng tôi rất vui khi được tham dự Chương trình, được hát múa, gửi tới các dân tộc anh em vẻ đẹp của dân tộc tôi và học hỏi được nhiều điều từ các dân tộc khác”.

Theo baoquocte