Bà Koga Masako hướng dẫn học sinh và phụ huynh trường Tiểu học M.E đọc sách
Phương pháp mà bà đưa ra đó là khơi dậy trí tưởng tượng, khả năng đồng cảm khi người đọc sách hóa thân vào nhân vật để cảm nhận nội dung cuốn sách với nhiều cung bậc cảm xúc.
Để hiểu rõ hơn về phương pháp đọc sách này, bà Koga Masako đã hướng dẫn một số học sinh và phụ huynh trường Tiểu học M.E (Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) đọc cuốn truyện tranh nổi tiếng của Nhật Bản “Cầu trượt thật dài” đã được dịch ra tiếng Việt.
Qua việc phân biệt, nhấn nhá khi phát âm từ “cầu tr…ư…ợ…t”, hoặc biểu cảm qua nhiều cung bậc và mức độ, trẻ như hình dung đang trượt trên những chiếc cầu trượt có độ dài khác nhau, có lúc uốn lượn, có lúc lại gần như dựng đứng…
“Với hình ảnh minh họa là cái cầu trượt ngắn thì phụ huynh phát âm từ “trượt” nhanh. Nhưng với hình ảnh cái cầu trượt khác dài hơn gấp đôi thì từ “trượt” khi kể được luyến dài hơn. Và khi cầu trượt thứ ba dài hơn cả 2 cái trước cộng lại thì sẽ đọc kéo dài hơn. Như vậy không đơn thuần đọc để trẻ hiểu mà để trẻ hình dung, phát triển tư duy nhận thức”, bà Koga Masako dẫn chứng.
Theo chuyên gia người Nhật, việc này cũng giúp trẻ tập trung hơn vào câu chuyện.
Ngoài ra, trước khi lật sang trang mới phía sau, cần luyện cho trẻ khả năng phán đoán, tưởng tượng trang tiếp theo sẽ là gì để kích thích sự tò mò và tư duy của trẻ.
“Ví dụ khi đang đi trên con đường gặp một chướng ngại vật chắn ngang, hãy hỏi trẻ để chúng đoán xem hướng giải quyết sẽ là chui qua, đi vòng hay leo qua…”, bà Koga Masako chia sẻ.
Theo bà, việc truyền cảm giữa người đọc và người nghe, thông qua biểu cảm, ngôn từ, làm cho con trẻ yêu thích đọc sách, tò mò, muốn khám phá.
“Cần tạo cho trẻ một cảm giác không bằng lòng, luôn luôn có câu hỏi vì sao, tại sao? Đọc và tư duy tại sao lại vậy”.
Ngoài ra, ở lứa tuổi mầm non và tiểu học, sự tập trung của trẻ chỉ kéo dài khoảng 15 phút. Bởi vậy, sau mỗi quãng thời gian đó, phụ huynh có thể cho các con vận động.
“Các bài tập có thể đơn giản như khởi động các khớp tay, hoạt động này ảnh hưởng rất lớn đến não bộ”.
Bên cạnh đó, sự gắn kết giữa giáo viên, bố mẹ và con khi đọc sách rất quan trọng. Thay vì đơn thuần đọc nội dung câu chuyện, bố mẹ sẽ tương tác cùng con, biểu cảm theo tâm lý nhân vật qua nét mặt, cử chỉ… .
“Ví dụ đến đoạn cầu trượt gấp khúc, uốn lượn, cầu trượt đứt quãng thì phải thể hiện sự lo sợ hoặc háo hức cùng với trẻ trước tình huống truyện. Khi trẻ tập trung và biểu lộ cảm xúc tức là chúng đang hòa nhập được với cuốn sách đó”, bà Koga Masako nói.
|
Phụ huynh cần tương tác, đóng vai trò kết nối giữa con và sách. |
Không chỉ đọc sách, phụ huynh cũng có thể làm những chiếc cầu trượt đồ chơi bằng những vật dụng đã qua sử dụng như chai nhựa, ống nước… để khơi dậy sự sáng tạo của trẻ.
Với cách đọc sách này, theo bà Koga Masako, sẽ giúp trẻ tư duy, suy ngẫm, tìm ra cốt truyện, thực hành theo hướng sáng tạo. Qua đó hướng đến năng lực tự học và hiểu, phát triển ngôn ngữ, biểu cảm qua nhiều cung bậc và mức độ thẩm thấu ngôn ngữ.
|
Anh Bùi Thúc Đồng, một phụ huynh ở quận Hoàng Mai, Hà Nội. |
Anh Bùi Thúc Đồng (quận Hoàng Mai), một phụ huynh tham dự buổi đọc sách cho biết, trước đây anh cứ nghĩ chỉ cần đọc sách cho con nghe là đủ.
“Giờ đây tôi nghĩ sẽ cần tương tác, kết nối và để ý đến cảm xúc, cảm giác của con hơn khi đọc sách và theo sát từng tình huống trong sách. Tôi nghĩ rằng phụ huynh phải là người kết nối con với sách, chứ không phải mình chỉ ngồi một góc đọc sách làm mẫu để con bắt chước làm theo. Thậm chí có thể mình sẽ phải dành thêm thời gian để làm các món đồ chơi, cho con xem thêm các hình ảnh minh họa để con tăng khả năng tưởng tượng và hiểu câu chuyện mà sách nói đến”, ạm Đồng chia sẻ.