leftcenterrightdel
 Không ít phụ huynh đã áp dụng những cách khiến con cái họ thêm áp lực và tự ti nhiều hơn. Ảnh: Pexels.

Bất kỳ cha mẹ nào cũng mong muốn làm mọi thứ trong khả năng của mình để giúp con họ thành công trong học tập. Họ có thể thuê gia sư riêng, cho con tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa, hay thậm chí đăng ký các chương trình hè đắt đỏ.

Tuy nhiên, nhà nghiên cứu về nuôi dạy con Jennifer Breheny Wallace lại cảnh báo rằng những khoản đầu tư này có thể đang kìm hãm động lực học tập của trẻ, chứ không phải thúc đẩy nó. Bà gọi hiện tượng này là "hiệu ứng encore".

"Trẻ em, đặc biệt là ở các cộng đồng giàu có, có thể chịu một gánh nặng đặc biệt, đó là tái tạo sự giàu có của cha mẹ chúng. Trong bối cảnh bất bình đẳng ngày càng lớn, cha mẹ và con cái đều hiểu rằng thành công không còn là điều dễ dàng. Khác với trước đây, chúng ta không còn đảm bảo rằng mỗi thế hệ sẽ đạt được thành tích ngang bằng hoặc vượt qua thế hệ trước", bà Wallace nói với CNBC.

Jennifer Breheny Wallace là nhà nghiên cứu về nuôi dạy con, tốt nghiệp tại Đại học Harvard. Bà cũng là tác giả của cuốn sách Never Enough: When Achievement Pressure Becomes Toxic - and What We Can Do About It? (Không bao giờ đủ: Khi áp lực thành tích trở nên độc hại - và Chúng ta có thể làm gì? - PV).

Áp lực "phải thành công như cha mẹ"

Việc cha mẹ gây áp lực lên con cái để đạt được thành công về mặt tài chính như họ không phải là điều mới mẻ, nhưng bối cảnh kinh tế mà trẻ em ngày nay phải đối mặt thì hoàn toàn khác biệt.

Theo College Board, học phí và các chi phí liên quan đến giáo dục đã tăng hơn gấp đôi trong 20 năm qua. Giá nhà cũng cao hơn đáng kể so với thời điểm nhiều bậc cha mẹ mua căn hộ đầu tiên.

Theo số liệu của Cục Dự trữ Liên bang St. Louis, năm 1990, giá bán trung bình của một ngôi nhà tại Mỹ là 149.075 USD. Hiện tại, giá trị tương đương của con số này vào khoảng 360.000 USD, vẫn thấp hơn đáng kể so với giá bán trung bình của một ngôi nhà năm 2022 là 535.500 USD.

Trong nghiên cứu của mình, bà Wallace đã phỏng vấn một học sinh lớp 8. Cậu bé nói rằng cậu muốn trở thành kiến trúc sư khi lớn lên.

Thế nhưng, khi nhìn thấy mức lương trung bình của một kiến trúc sư và giá của chính ngôi nhà mình, cậu bé đã chán nản vì không thể mua nổi chính ngôi nhà mình đang ở.

"Đối với trẻ em, nếu không lặp lại điều cha mẹ đã làm, chúng sẽ cảm thấy không xứng tầm với cha mẹ và việc không thể đạt được thành công như cha mẹ là một thất bại", bà Wallace nói.

leftcenterrightdel
 Việc vào đại học nói chung đã khó khăn hơn nhiều so với 30-40 năm trước. Ảnh:Pexels.

Trẻ em đang nhầm lẫn giá trị bản thân với thành tích

Nhiều cha mẹ đang ám ảnh về việc con cái phải theo học những trường đại học danh tiếng như chính mình ngày trước. Thế nhưng, phụ huynh lại không hiểu rằng thực tế, việc vào đại học nói chung đã khó khăn hơn nhiều so với 30-40 năm trước.

Năm 1980, gần 21% số người nộp đơn vào Đại học Yale được chấp nhận. Năm 2023, con số đó chỉ còn 4,4%. Tại Đại học California, Los Angeles, 42% số người nộp đơn vào năm 1989 được chấp nhận. Năm 2023, chỉ dưới 9% được chấp nhận.

"Nhiều bậc cha mẹ đã vào các trường đại học danh tiếng khi tỷ lệ chấp nhận là 20%. Tương tự, khi vợ chồng tôi đều vào Harvard, tỷ lệ chấp nhận là 18%. Bây giờ, nó chỉ còn 3%. Cha mẹ nên nhớ rằng con cái đang bị đặt ra những tiêu chuẩn mà chính họ không thể đáp ứng được", bà Wallace nói nói.

Mặc dù mục đích của cha mẹ có thể là khuyến khích con cái cố gắng, tuy nhiên, nhiều cha mẹ lại đang ngầm truyền đạt thông điệp rằng nếu con không vào được một trường cụ thể hoặc kiếm được lương cao thì giá trị của con sẽ kém hơn.

"Trẻ em ngày nay đang nhầm lẫn giữa giá trị bản thân và thành tích của chúng", bà Wallace nói.

Để giúp trẻ tách biệt thành tích khỏi giá trị bản thân, bà Wallace khuyên cha mẹ nên "phủ nhận tiền đề" rằng chỉ có một con đường dẫn đến thành công.

Phụ huynh hãy để con tham gia các hoạt động mà chúng yêu thích, bất kể nó có tốt trong hồ sơ đăng ký đại học hay không. Bên cạnh đó, cha mẹ hãy giảm bớt tầm quan trọng của việc trúng tuyển vào các đại học tốp đâu.

"Bạn hãy nhắc nhở trẻ rằng điều quan trọng nhất là chúng làm gì với thời gian của mình, chứ không phải nơi sử dụng thời gian đó (ví dụ trường học)", vị chuyên gia khuyên.

Theo znews