Chuyện ở “buôn giàu có” Akô Dhông
Cập nhật lúc 11:16, Thứ sáu, 25/06/2021 (GMT+7)
Buôn Akô Dhông (phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) nằm cách trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột khoảng 2km về phía Bắc. Buôn được thành lập từ năm 1956 do ông Ama H’rin từ vùng M’Drăk đến đây khai phá, vì thế người ta còn gọi buôn Akô-Dhông là buôn Ama H’rin hay "buôn nhà ngói", "buôn giàu có" bởi đa số là nhà ngói.
Du lịch, dịch vụ gắn với bản sắc là thế mạnh của người dân buôn Akô Dhông
Theo các bậc cao niên người Ê Đê, "Akô" tiếng Ê Đê có nghĩa là "đầu nguồn", "Dhông" là "lũng". Buôn "lũng đầu nguồn" ăn nước con suối Ea Nhôn, có tiếng là buôn giàu có. Người dân trong buôn biết cách làm ăn nên đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào khá cao. Ngoài ra, buôn còn thu hút được nhiều lượt khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan nên bà con cũng có điều kiện phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập.
Cổng chào của buôn Akô Dhông
Ấn tượng đầu tiên khi bước vào buôn là vẻ yên bình, sạch sẽ. Người dân trong buôn vẫn duy trì việc làm rượu cần, dệt thổ cẩm, đặc biệt là giữ được mái nhà dài truyền thống. Khách đến buôn có thể trực tiếp xem công việc dệt thủ công các mặt hàng thổ cẩm, nghe cồng chiêng, uống rượu cần và hòa mình vào cuộc sống của người dân Akô Dhông mến khách.
Người dân ở buôn ý thức về trách nhiệm giữ gìn vệ sinh chung cho cộng đồng. Các đường trong buôn, sân, vườn, nhà… đều sạch sẽ, ngăn nắp. Qua khỏi khu vực dân cư, chúng ta sẽ bước vào khu canh tác của người dân trong buôn. Thu nhập của người dân ở đây chủ yếu từ trồng cây cà phê. Nhờ áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng trọt nên vườn cà phê của bà con rất sai quả. Toàn buôn trồng khoảng 26ha cà phê nên thu nhập của người dân trong buôn khá cao. Ngoài ra, người dân trong thôn còn nuôi cá, trồng các loại cây ăn quả để phục vụ sinh hoạt hằng ngày và bán tăng thêm thu nhập. Từ năm 2009, buôn đã không còn hộ nghèo.
Nhà dài của người dân tại buôn Akô Dhông
Mời đây, Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Du lịch TP. Buôn Ma Thuột cho biết, buôn Akô Dhông đã được chọn làm điểm du lịch cộng đồng có quy mô nhất trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Theo quy hoạch, điểm du lịch cộng đồng này rộng hơn 55ha, quy mô dân số khoảng 2.200 – 3.000 nhân khẩu, trong đó có hơn 1/3 số người sinh sống bằng nghề dệt thổ cẩm, làm rượu cần, chế tác đồ thủ công mỹ nghệ và mở dịch vụ giải trí văn hóa - văn nghệ truyền thống, phục vụ du khách trong nước và quốc tế.
Tiên Sa