Năm ngoái, khi lệnh phong tỏa kéo dài ở Sydney (Úc), cậu bé David Zhang bắt đầu nhận thấy những sự thay đổi về tinh thần trong mình.

“Lần đầu tiên trong đời tôi trải qua những cơn hoảng loạn thật khủng khiếp, và chúng ngày càng trở nên tệ hơn. Khi đó, tôi biết mình cần được giúp đỡ”, Zhang kể lại.

David Zhang bước vào lớp 12 khi đất nước một lần nữa thực hiện phong tỏa. Trải nghiệm ám ảnh về tâm lý của năm 2020 vừa rồi khiến những cảm giác tiêu cực mà cậu thường có ở trường học trở nên tồi tệ hơn bao giờ hết.

May mắn thay, sau khi nhận được trợ giúp từ bác sĩ tâm lý, Zhang cảm thấy khá hơn, dù áp lực của một học sinh cuối cấp vẫn làm cậu căng thẳng.

“Tôi nhận ra rằng mình không nên cố lờ đi cảm xúc thật của bản thân mà cần phải giãi bày với bác sĩ tâm lý hoặc bạn bè”, cậu nói. 

- Ảnh
cậu học sinh lớp 12 David Zhang đã phải đối mặt với các vấn đề tâm lý tiêu biểu của tuổi teen trong thời đại dịch - Ảnh: TheGuardian

Một khảo sát mới công bố của Mission Australia và Viện nghiên cứu Black Dog cho kết quả đáng chú ý: cứ mỗi bốn người trẻ ở Úc thì có một người gặp vấn đề với sức khỏe tinh thần.

Vào năm 2012, tỉ lệ này là một trên năm người, tương đương với 18,6%, và 24,4% vào năm 2018. Từ 2019 tới 2020, tỉ lệ này giảm xuống chút ít, khoảng 0,2% cho một khảo sát với 25.000 người trong độ tuổi từ 15 đến 19.

Giáo sư Jennie Hudson, Giám đốc nghiên cứu của Viện Black Dog cho biết, ngày càng nhiều người trẻ gặp phải các vấn đề về tâm lý. “Điều đáng nói là hiện tượng này đã diễn ra từ lâu, và sự xuất hiện của Covid chỉ khiến mọi chuyện trở nên tồi tệ hơn”, bà Hudson nhận định.

Bà Hudson cũng bày tỏ quan ngại về thực trạng này ở phía trẻ gái. Một báo cáo chỉ ra rằng, năm 2020 ghi nhận 34,1% nữ thanh thiếu niên độ từ 15-24  tuổi gặp vấn đề với sức khỏe tinh thần của mình. Trong khi đó, tỉ lệ này ở các em nam giới cùng độ tuổi chỉ khoảng 15.3%.

Không có lời giải thích thỏa đáng nào cho số liệu trên. Cũng có thể cho rằng, tỉ lệ ở nữ thanh thiếu niên cao vì họ thường là nạn nhân của các hiện tượng như: bạo lực, bất bình đẳng giới - vốn là những vấn đề nhức nhối hiện nay.

Xã hội cũng đang có những thay đổi: Con người không còn kết nối nhiều với cộng đồng và tập thể, lại hay lo lắng về tương lai. “Covid đã làm đảo lộn cuộc sống của người trẻ,” bà Hudson nhận định và giải thích thêm: “Nhưng không chỉ vậy mà còn là các vấn đề khác về môi trường hay biến đổi khí hậu. Thế hệ ngày nay cần phải biết rằng cuộc sống và tương lai của họ sẽ rất khác biệt so với trước đây.”

Một số chuyên gia khác nhấn mạnh rằng, trong “thời đại Covid”, nhưng các vấn đề như áp lực tài chính, nỗi lo nghèo đói và những quan ngại về chính sách phúc lợi nhà nước cũng gây tác động xấu đến sức khỏe tinh thần của người trẻ.

Đáng lo ngại là, thanh thiếu niên thường có xu hướng trốn tránh vấn đề của mình và không tìm kiếm sự giúp đỡ. Họ cảm thấy sợ hãi, lo lắng, xấu hổ hoặc cho rằng bản thân có thể tự xử lý được.

Kết quả khảo sát của Mission Australia và Black Dog
Kết quả khảo sát của Mission Australia và Black Dog

Giải đáp điều này, giáo sư Hudson đã đưa ra một số lời khuyên cho thanh thiếu niên. Bằng cách tích cực trò chuyện cùng bạn bè, người thân; ăn uống điều độ, ngủ đủ giấc và luyện tập thể thao; người trẻ hoàn toàn có thể kiểm soát được sức khỏe tinh thần của mình. 

“Đó là những việc đơn giản mà quan trọng. Nếu đang gặp khó khăn, đừng ngại tìm kiếm sự giúp đỡ. Không ai phải cô đơn trong hành trình này”, bà Hudson khẳng định. Tuy nhiên, các dịch vụ y tế về sức khỏe tinh thần vẫn chưa nhận được sự đầu tư xứng đáng. Đây vẫn luôn là một vấn đề chưa thể giải quyết ở bất cứ đâu. 

Zhang - cậu học sinh lớp 12 ở Sydney - hiện đã thích nghi hơn với cuộc sống "bình thường mới" và có dự định theo đuổi ngành luật khí hậu.

Cậu bé tìm được sự bình yên trong việc thiền định, âm nhạc, thậm chí còn duy trì thói quen chạy bộ và cử tạ hàng ngày. “Làm được những điều như hiện tại, tôi cảm giác không chỉ là hưng phấn mà còn như thể đạt được một thành tựu cá nhân”, Zhang hào hứng chia sẻ. 

Theo phunuonline.com.vn