leftcenterrightdel
 Tình trạng suy thoái đã kéo theo việc ngày càng nhiều người không đủ tiền chi trả cho thực phẩm. Ảnh:Upsplash.

 

Mất an ninh lương thực là khi mọi người hoặc các hộ gia đình phải vật lộn mỗi ngày để có đủ thức ăn lành mạnh trên bàn ăn gia đình vì thiếu tiền hoặc các tài nguyên khác, theo bài viết của các chuyên gia Katherine Kent (Đại học Tây Australia), Denis Visentin và Sandra Murray (Đại học Tasmania) trên The Conversation.

Người ta biết việc nhiều sinh viên tại Australia thường đến trường với bụng đói và không có các nhu yếu phẩm khác vì họ không đủ tiền để chi trả. Điều này ảnh hưởng xấu đến việc học, sức khỏe thể chất và tinh thần của sinh viên.

Vào tháng 4/2022, các chuyên gia thực hiện khảo sát 560 nhân viên và hơn 1.200 sinh viên về việc tiếp cận thực phẩm của họ. Cuộc khảo sát dành cho tất cả sinh viên (chưa tốt nghiệp, đã tốt nghiệp và cao học) và nhân viên trường.

Khảo sát được thực hiện trực tuyến và gồm 6 câu hỏi. Các câu hỏi tập trung quanh việc người được hỏi đã hết thức ăn hay chưa, ăn ít hơn hay chất lượng thực phẩm thấp hơn, họ có từng bị đói ở thời điểm nào trong năm 2021 hay không. 

Nhân viên trường có nguy cơ bị đói

Theo The Conversation, 16% nhân viên thực hiện khảo sát cho biết họ trải qua tình trạng mất an ninh lương thực tại một số thời điểm vào năm ngoái.

Trong khi đó, 4% nhân viên lo lắng về việc không có đủ thức ăn trong nhà. 5% nhân viên cho hay họ đã ăn thức ăn rẻ tiền hơn, ít lành mạnh hơn và 7% người phải thường xuyên bỏ bữa và chịu đói.

Cụ thể, một số nhân viên có nguy cơ bị đói cao hơn bao gồm:

- Nhân viên cung cấp dịch vụ hành chính và hỗ trợ cho trường đại học: 19% nhân viên gặp vấn đề thiếu thực phẩm. Điều này có thể vì thu nhập của họ thấp hơn so với những nhân viên khác.

- Nhân viên không cố định: Một phần ba nhân viên không cố định được khảo sát cho biết họ đã trải qua một vài mức độ mất an ninh lương thực. Nguy cơ thiếu thực phẩm tăng gấp 3 lần so với nhân viên được bổ nhiệm hoặc được ký hợp đồng chính thức.

Về thời gian làm việc, 31% nhân viên được thuê gần đây phải đối mặt với việc thiếu thực phẩm nhiều hơn so với những nhân viên đã làm việc từ 10 năm trở lên.

Gần một nửa sinh viên không đủ tiền mua thực phẩm

Khảo sát cho thấy mức độ mất an ninh thực phẩm cao và đáng lo ngại ở sinh viên.

Trong số 1.257 sinh viên được khảo sát, gần một phần hai (42%) sinh viên gặp tình trạng thiếu thức ăn vì không đủ tiền. Kết quả này phù hợp với nghiên cứu từ các trường đại học khác trên khắp Australia.

Một số nhóm sinh viên có nguy cơ thiếu thực phẩm cao hơn, gồm sinh viên năm nhất (46%), những người tham gia lớp học trong khuôn viên trường (48%), du học sinh (61%) và sinh viên phi nhị nguyên giới (69%).

leftcenterrightdel
 Sinh viên và nhân viên trường học không thể học tập hiệu quả hay hoàn thành công việc với chiếc bụng rỗng. Ảnh:Independent.ie.
 

Cần có sẵn thức ăn trong trường

Nghiên cứu chỉ được thực hiện tại Đại học Tasmania, nhưng vấn đề an ninh lương thực không chỉ diễn ra ở một trường. Các chuyên gia cho rằng mức độ mất an ninh lương thực đang diễn ra rộng rãi ở Australia. Nhân viên trường và sinh viên không thể hoàn thành tốt công việc hay học tập hiệu quả nếu bị đói.

Hiện tại, sinh viên và nhân viên trường không thể mua được thực phẩm lành mạnh với giá cả phải chăng. Đồng thời trường đại học cũng thiếu các quầy ăn uống tự phục vụ.

Các trường có xu hướng tập trung nỗ lực đảm bảo an ninh lương thực bằng cách hướng những sinh viên dễ bị tổn thương đến các tổ chức cứu trợ thực phẩm bên ngoài trường. Tuy nhiên, hành động này mang theo sự kỳ thị và không phải giải pháp lâu dài, bài viết trên The Conversation nhận định. Ngoài ra, nhân viên trường học cũng bị bỏ qua.

Hầu hết trường đại học ở Australia không có chính sách để giải quyết tình trạng mất an ninh lương thực hoặc tạo ra môi trường cung cấp thực phẩm bền vững trong trường. Nếu thực hiện chính sách này, tất cả sinh viên và nhân viên đều có quyền tiếp cận nguồn thức ăn đã làm sẵn như món sandwich cho bữa trưa hoặc món cà ri cho bữa tối. Ngoài ra, họ cũng có thể nhận được các sản phẩm tươi, lành mạnh và bền vững.

Tạo ra một cách tiếp cận mới với thực phẩm trong khuôn viên trường sẽ cần đến nỗ lực, tiền bạc và sự lãnh đạo. Mặc dù vậy, tình hình sẽ không cải thiện nếu các trường đại học không có chiến lược tăng khả năng tiếp cận đáng tin cậy vào thực phẩm bổ dưỡng và giá cả phải chăng, theo ba chuyên gia.

Bất kỳ chương trình thực phẩm nào trong khuôn viên trường và các trường đại học cần tham khảo ý kiến nhân viên và sinh viên về cách làm việc. Một cửa hàng phi lợi nhuận có thể tăng khả năng tiếp cận thực phẩm bằng cách để sinh viên, nhân viên tham gia việc trồng trọt, nấu ăn và chia sẻ thực phẩm giá cả phải chăng và bền vững.

Bên cạnh đó, các trường đại học nên quản lý thường xuyên thực phẩm có sẵn. Nhà trường cần xem xét liệu thực phẩm có sẵn có giải quyết các nhu cầu về chế độ ăn uống và văn hóa của mọi người, và mọi người có thể tiếp cận nguồn thực phẩm này hay không.

Nhìn vào bức tranh lớn hơn, khi các nhân viên đại học trên khắp Australia tiếp tục đình công để yêu cầu trả lương và điều kiện, các trường đại học cũng nên ưu tiên những công việc an toàn để giảm tình trạng mất an ninh lương thực của nhân viên, bài viết khuyến nghị.

Theo zingnews