Nguyễn Nhật Minh, 23 tuổi, Hà Nội, từng giành học bổng Đại học Vanderbilt (trường top 14 của Mỹ, theo US News & World Report) năm 2016 và đã tốt nghiệp loại giỏi ngành Toán ứng dụng của trường này.

Tháng 3, Minh nhận được thông báo trúng tuyển chương trình thạc sĩ ngành Computational Science and Engineering của Đại học Harvard (Mỹ) và nhận được học bổng toàn phần trị giá 6,5 tỷ đồng chương trình tiến sĩ ngành Data Science (Khoa học dữ liệu) từ Hội đồng nghiên cứu quốc gia Australia. Ngay sau đó, Đại học Macquarie (Australia) cũng quyết định trao cho em học bổng trị giá 6 tỷ đồng nếu theo học tiến sĩ ngành Toán thống kê.

Nhật Minh chia sẻ bí quyết xây dựng hồ sơ du học:


Việc nộp hồ sơ (apply) du học ở các bậc học khác nhau sẽ đòi hỏi những yếu tố khác nhau. Chẳng hạn, với bậc đại học, bạn cần quan tâm đến thành tích học tập, hoạt động ngoại khóa, bài luận. Với bậc thạc sĩ, bạn cần điểm GPA, bài luận, kinh nghiệm làm việc, nghiên cứu và thư giới thiệu. Còn với bậc tiến sĩ, nhất thiết bạn phải xin được một giáo sư nhận mình làm nghiên cứu sinh.

Các yếu tố và mức độ quan trọng của từng yếu tố khi apply vào các bậc học là khác nhau, bạn cần chuẩn bị riêng. Tuy nhiên, vẫn có những bí quyết có thể sử dụng chung cho bất cứ chương trình du học nào.

Mình đã tự xây dựng bốn bí quyết, lấy cảm hứng từ tên mình - "MINH".

M - Mentor (người hướng dẫn, sự hướng dẫn)

Bạn hãy tìm một người bạn đồng hành, đặc biệt là những người đi trước, người có kinh nghiệm bởi họ có thể trải qua những gì thực tế nhất, những gì các bạn muốn học hỏi nhất. Với mình, mình đã tìm được rất nhiều mentor. Họ đã cho mình kiến thức, kinh nghiệm sống mà chắc có lẽ không học được từ bất kỳ cuốn sách nào.

Các bạn lưu ý người đi trước không cần thiết phải là người quen. Đôi khi, một mối quan hệ "mentorship" có thể được hình thành qua những cuộc nói chuyện ngẫu nhiên tại hội thảo, hay khi bạn ấn tượng với hồ sơ của họ trên Linkedin và quyết định nhắn tin làm quen. Hãy vào Linkedin, tìm trên thanh công cụ "Search" (tìm kiếm) những tiêu chí mà bạn cần tìm ở một mentor (nơi công tác, trường đã theo học, tổ chức tình nguyện...) và kết nối với họ để xin kinh nghiệm.

Và một trong những mentor lớn nhất chính là bản thân. Mỗi khi thêm một tuổi, mình lại thấy những trải nghiệm sống của mình nhiều hơn, phong phú thêm và học được rất nhiều từ quá khứ.

Chẳng hạn, mình từng khao khát tột độ việc sẽ làm việc toàn thời gian ở một ngân hàng đầu tư tại Mỹ. Nhưng những ngày làm việc tới 4-5h sáng mà không nhìn thấy được nhiều tác động tới xã hội đã khiến mình suy nghĩ lại, quyết định về nước và nộp hồ sơ du học bậc cao học. Những trải nghiệm, cả tích cực và tiêu cực khi ở Mỹ đã được mình viết trong bài luận gửi đến nhà tuyển sinh.

I - Intern (thực tập)

Các bạn nên chú trọng việc học trên lớp, cố gắng đạt điểm số tốt vì đó cũng là yếu tố gây ấn tượng với nhà tuyển sinh. Và đừng bao giờ dánh giá thấp những trải nghiệm thực tế. Hãy cố gắng "Get yourself out there" (thử thách bản thân) và tìm một công việc thực tập phù hợp.

Trong 4 năm học tại Đại học Vanderbilt, mình đã được thực tập tại Văn phòng chính phủ bang Tennessee, nơi rất ít người nước ngoài được thực tập hay làm việc. Mình cũng đã có thời gian thực tập tại ngân hàng đầu tư thuộc một tập đoàn tài chính lớn ở phố Wall (New York). Mình đã nói với rất nhiều người rằng ba tháng thực tập ở phố Wall có lẽ bằng bốn năm học đại học vì những trải nghiệm mình học được rất nhiều và mình lớn lên từ những công việc thực tập.

Bạn không cần thực tập ở một vị trí "xịn", lương cao trong một tập đoàn lớn. Vị trí trợ lý cho quản lý của một nhà hàng cũng đã dạy cho các bạn rất nhiều kỹ năng "sinh tồn" (street smart).

N - Novice (người mới bắt đầu)

Novice là người mới bắt đầu. Mình khuyên các bạn đừng bao giờ nghĩ có một môn học không cần thiết. Môn học nào cũng cần thiết cả, có tác dụng của nó và dạy cho bạn nhiều điều bổ ích. Vì vậy, hãy học tất cả môn trong tâm thế của người mới bắt đầu, sẵn sàng và không ngừng học hỏi, tìm tòi, đón nhận kiến thức mới, mở rộng vùng hiểu biết của mình, từ đó đạt điểm số cao trong lớp.

Việc đạt điểm số cao sẽ giúp các bạn về sau bởi ở bất kỳ hồ sơ du học hay xin việc nào, điểm số cao cũng giúp bạn ghi điểm trong mắt nhà tuyển dụng và nhà tuyển sinh.

Tuy nhiên, nói học tất cả môn trong tâm thế người mới bắt đầu không có nghĩa là bạn phải chia đều công sức của mình cho từng môn. Với mỗi môn, hãy cố hoàn thành bài tập về nhà, nghe giảng trên lớp và tôn trọng thầy cô bộ môn để có đủ hiểu biết. Với những môn học bạn thấy hứng thú, hãy dành thời gian trò chuyện với thầy cô, đọc thêm sách để khơi gợi đam mê của mình.

                                                                            Nguyễn Nhật Minh vừa giành hai học bổng tiến sĩ toàn phần từ Australia và trúng tuyển chương trình thạc sĩ của Đại học Harvard. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

H- Hero (anh hùng)

Hãy luôn nghĩ rằng cuộc đời của bạn là một cuốn tự truyện, hãy viết và truyền cho thế hệ sau. Mỗi khi đưa ra quyết định gì, hãy nghĩ xem liệu quyết định đó có xứng đáng để đưa vào cuốn tự truyện không. Ví dụ khi mình quyết định từ bỏ việc toàn thời gian với mức lương khoảng hai tỷ đồng một năm, mình luôn tự hỏi liệu quyết định đó đã suy nghĩ thấu đáo chưa và sẽ hối hận sau này.

Đừng bao giờ để mình là nhân vật phụ trong câu chuyện của người khác mà hãy luôn trở thành anh hùng. Đó là trải nghiệm của mình từ rất nhiều thất bại trong cuộc sống.

Việc được nhận vào Đại học Harvard hay học bổng tiến sĩ toàn phần từ Hội đồng nghiên cứu quốc gia Australia là minh chứng cho sự dũng cảm của mình trong trận chiến của bản thân. Mình luôn tự hào khi trải qua những khó khăn, hoài nghi của bản thân để đạt được mục tiêu đề ra.

Mình hy vọng phương pháp "MINH" sẽ giúp các bạn vượt qua mặc cảm của bản thân để đưa ra những quyết định lớn trong cuộc sống, chọn hướng đi tốt nhất. Hãy trở thành chiến binh dũng cảm trong câu chuyện của bản thân bạn nhé!

Theo vnexpress