Nguyễn Thị Nhàn đang trao đổi công việc tại văn phòng của Oopsy tại Hà Nội - Ảnh: N.T.N

“Oopsy đã thay đổi cuộc sống của tôi rất nhiều. Nếu trước đây mỗi ngày của tôi chỉ là đều đặn đi làm, về nhà, thi thoảng gặp vài người bạn, thì nay tôi đã có thêm những công việc vì cộng đồng thật ý nghĩa. Tôi cũng học được cách đối diện với những vấn đề tâm lý của mình, biết cách ứng xử với nó mà không cần phải trốn chạy hay sợ hãi.

BS Lê Thành Chung (Bệnh viện Ung bướu Hà Nội)


28 tuổi, cựu du học sinh Mỹ, con gái thứ hai trong một gia đình có điều kiện kinh tế khá giả ở thành phố Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh), Nguyễn Thị Nhàn có nhiều lựa chọn thoải mái và dễ dàng hơn rất nhiều so với con đường cô đã quyết chọn cho mình hiện nay.

Quên "cái tôi" để cho đi vô tư

Bắt đầu từ khủng hoảng tình cảm riêng tư sau cú "va chạm" đầu tiên với cuộc đời, Nhàn tìm đến tâm lý học trước hết như một giải pháp "tự cứu mình" lúc đang là sinh viên Trường đại học Kinh tế quốc dân từ hơn tám năm trước.

Trong rủi có may, và hẳn là có chút gì đó cơ duyên vào lúc ấy, khi cô nhận được sự đồng cảm, chia sẻ, dẫn lối của một chị bạn, một người rất đam mê tâm lý học. Khi nhận ra tâm lý học đã giúp mình "sống sót" tuyệt vời thế nào, cũng là lúc Nhàn và một số thành viên sáng lập khác quyết định cùng nhau xây dựng Oopsy. 

Sau bốn năm ra đời, nơi đây bắt đầu trở thành cái tên được nhiều bạn đọc biết tới, nhất là các bạn trẻ, với những đầu sách tâm lý học kinh điển (biên dịch) và sách tâm lý học trị liệu, các sách kỹ năng sống do các thành viên trong nhóm viết.

Tất cả đầu sách do các bạn Oopsy viết và ấn bản đều không ghi tên từng tác giả, cuốn nào cũng chỉ ghi giản dị tác giả là "Oopsy". Điều giản dị này là một nguyên tắc đặc biệt được thiết lập ngay từ đầu của nhóm, nhấn mạnh quan điểm của các thành viên: viết sách vì mọi người chứ không phải vì mỗi cá nhân, và họ đã duy trì nghiêm ngặt điều đó ngay cả khi đối mặt với không ít thách thức tế nhị. 

"Chỉ khi quên cái tôi của mình một cách vô tư, chúng ta mới có thể cho đi chân thành và lâu dài được", Nhàn chia sẻ lý do của nhóm. 

"Tụi mình đã phải chia tay thật sự tiếc nuối với một số thành viên chính vì không thể gặp gỡ nhau ở quan điểm đó, nhưng biết sao được. Mặc dù nhóm vẫn luôn chào đón những thành viên mới có niềm đam mê với tâm lý học, nhưng những ai muốn giàu và nổi tiếng sẽ không thấy Oopsy hấp dẫn", Nhàn cũng tin rằng ở Việt Nam chưa từng có nhóm nào đang hoạt động theo cách của Oopsy.

Lặng lẽ làm việc, âm thầm cống hiến, chỉ sau 4 năm nhóm đã làm được hơn 50 đầu sách, trong đó hơn 10 cuốn là sách dịch tâm lý học kinh điển, số còn lại là sách do các thành viên viết. Các thành viên không chỉ ở Việt Nam, nhiều bạn đang sống và làm việc, học tập tại các nước khác. Họ cũng như Nhàn, lặng lẽ và khiêm nhường giấu mình sau một cái tên chung Oopsy, chỉ dồn tâm sức vào những trang viết với mong muốn giúp ích chút gì cho ai đó đang cần. 

Giống như sợi dây kết nối các thành viên trong từng dự án công việc và viết sách, Nhàn xoay trở như con thoi mỗi ngày với một kỷ luật sinh hoạt khoa học và nghiêm ngặt để giúp mọi việc thông suốt. Nguồn thu từ sách chính là tiền để duy trì các hoạt động của nhóm và một thư viện đọc sách miễn phí cho mọi người tại Hà Nội ra đời cùng lúc với tổ chức này từ năm 2016.

Xóm "Cai nghiện 4.0"

Ai trong đời cũng sẽ có lúc đối mặt với một khủng hoảng nào đó. Với những người trẻ, tần suất va chạm những khủng hoảng này sẽ lớn hơn. Cuộc sống hiện đại cũng bủa vây thêm nhiều áp lực với họ, những thói quen xấu tới mức nghiện như hút thuốc, lướt web, chơi game, vào mạng xã hội, mua sắm đã khiến nhiều người trẻ thành những nô lệ tới mức đánh rơi tuổi trẻ lúc nào không hay.

Nhàn là "người trong cuộc" theo nhiều phương diện khi nói về chuyện đó. Em trai Nhàn, Nguyễn Anh Thắng, từng có giai đoạn đắm chìm trong game online và mua sắm tới mức đổ nợ vài trăm triệu. Thực hiện dự án "Tự vệ cá nhân 4.0: Thay đổi thói quen để trưởng thành", mong muốn lớn nhất của Nhàn là làm gì đó giúp những người như em trai mình.

Không dễ để người trong nhà có thể bảo ban nhau trong những vấn đề như thế, nhưng sự quyết liệt trong kỷ luật và sự độ lượng, chia sẻ trong tình cảm của người chị gái đã khiến cậu em trai 24 tuổi của Nhàn thay đổi. 

Thắng là một trong sáu thành viên trong lớp đầu tiên (lớp nòng cốt) của dự án "Tự vệ cá nhân 4.0" tham gia từ năm 2017, sau khi gặp cú sốc tình cảm với bạn gái. Tự nhận bản thân trước đây là người lười biếng, ảo tưởng về bản thân, sau gần ba năm tham gia lớp tự vệ 4.0, Thắng đã bỏ được thuốc lào, bỏ game online, bắt đầu chuyên chú hơn với công việc tại một công ty thực phẩm sạch ở Hà Nội.

Cùng xây dựng dự án "Tự vệ 4.0: Thay đổi thói quen để trưởng thành" với Nhàn còn có anh Lê Thành Chung - bác sĩ Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, một người cũng đã biết và tìm đến Oopsy ở giai đoạn bắt đầu đi làm. Qua liên lạc, trao đổi với nhóm, anh Chung bắt đầu tìm hiểu nhiều hơn các kiến thức kinh điển về tâm lý và tham gia dịch, viết bài, giảng dạy các khóa về quản trị cảm xúc. 

Anh đồng cảm với khẩu hiệu "Cùng nhau trưởng thành, chữa lành trái tim" của nhóm, nhận ra cuộc đời mình ý nghĩa hơn khi được tham gia một cộng đồng như Oopsy. Sự đồng điệu trong quan điểm thôi là chưa đủ, Chung còn thấy ở Nhàn một người có thể sẵn lòng làm việc vì cộng đồng lâu dài chứ không phải chỉ nhất thời.

"Tôi biết Nhàn từ khi còn là sinh viên Trường đại học Kinh tế quốc dân. Bạn ấy là một phụ nữ thông minh, rất quyết liệt, có trái tim vì cộng đồng. Không dễ để giữ được lòng tốt lâu dài, bền bỉ, nhưng tôi tin Nhàn làm được việc đó. Chúng tôi sẽ còn làm việc với nhau rất nhiều nữa", Chung nói.

Là bác sĩ chuyên khoa ung thư, những tiếp xúc hằng ngày với người bệnh khiến Chung nhận ra một khoảng trống rất lớn ở sự chăm lo, hỗ trợ tâm lý cho người bệnh ung thư, trong khi đây lại là một trong những nhân tố quan trọng, nhiều khi mang tính quyết định, giúp người bệnh đương đầu tốt hơn với căn bệnh hiểm nghèo.

Trong những dự định ấp ủ lâu dài của Nhàn và Chung, sau dự án "Tự vệ cá nhân 4.0", họ sẽ xây dựng chương trình chữa lành tâm lý cho người bệnh ung thư và tiếp tục gây dựng một cộng đồng Oopsy vững mạnh, cho đi được nhiều hơn nữa tới cộng đồng.

Lớp học cai nghiện thuốc

Sau một thời gian dài chuẩn bị nội dung, kiến thức, tới đây Oopsy sẽ thêm các lớp cai nghiện thuốc lá, mua sắm và cai nghiện Internet. Mỗi lớp sẽ chỉ có tối đa 6 học viên để họ có được sự hỗ trợ hiệu quả nhất. Về cơ bản lớp học sẽ là miễn phí, việc đóng góp chỉ ở mức rất nhỏ, chủ yếu để phục vụ trực tiếp cho các hoạt động của lớp học.


Cô gái của kỷ luật

Năm 2015, Nguyễn Thị Nhàn tốt nghiệp Trường ĐH Kinh tế quốc dân và theo học chương trình thạc sĩ 2 năm khoa nghiên cứu chuyên sâu lĩnh vực giáo dục cấp cao tại ĐH Northeastern ở Boston, Mỹ vào năm 2017. Ngay trong thời gian du học, Nhàn đã giúp một số bạn bè người Việt và người nước ngoài tại Mỹ biết cách tự vượt qua khủng hoảng tâm lý để sống tích cực, nhẹ nhõm hơn.

Hiện Nhàn đang phụ trách nhóm dịch và điều phối các dự án viết sách tại Oopsy, tham gia giảng dạy cho lớp "Tự vệ cá nhân 4.0: Thay đổi thói quen để trưởng thành". Mỗi ngày cô gái này đều đặt ra mục tiêu phải viết được 1.000 chữ hoặc dịch 500 chữ bất kể bận rộn thế nào. Thói quen này đã duy trì nhiều năm kể từ khi tham gia cộng đồng này vì, như Nhàn nói, "phải như vậy mình mới có năng lượng làm việc".

Theo tuoitre