Anh phuong.jpg

Tháng 5 vừa qua, đúng vào ngày tốt nghiệp THPT của mình, Trần Phương Anh vinh dự là học sinh duy nhất được Thị trưởng Cherkasy trao Cúp vàng kỷ niệm của thành phố. Trong niềm vui bất ngờ và hồi hộp, cô gái 17 tuổi được cùng Thị trưởng dẫn đầu cuộc diễu hành trong thành phố trước buổi lễ ra trường của các học sinh trung học toàn thành phố Cherkasy năm 2016.

Đối với rất nhiều người, cô gái Việt Nam này được xem như một huyền thoại, bởi thành phố này chưa từng có học sinh đạt kết quả học tập và nghiên cứu khoa học đáng nể như Phương Anh.

Đam mê với khoa học

Từ những năm bắt đầu vào tiểu học cho đến khi kết thúc bậc trung học tại trường chuyên toán Fimli, Trần Phương Anh luôn là học sinh xuất sắc toàn diện, đạt nhiều thành tích cao trong học tập và các cuộc thi do nhà trường, thành phố, tỉnh và Bộ Khoa học và Giáo dục Ukraine tổ chức.

Năm học 2014 - 2015, cô gái này đã đạt giải Ba toán toàn Ukraine và đạt giải Nhì toán toàn Ukraine vào năm 2015 - 2016. Đặc biệt, sau 7 vòng thi tuyển, cô đã được chọn là 1 trong 3 học sinh đại diện cho Ukraine tại Hội thi khoa học kỹ thuật quốc tế 2016 (Intel ISEF 2016).

Intel ISEF 2016 được tổ chức tại Phoenix (Arizona, Mỹ) từ ngày 8 -13/5 với 77 nước tham dự. Hội thi khoa học này có tổng số 1.374 dự án dự thi, 1.778 em học sinh tham dự và hơn 1.200 thành viên ban giám khảo. Tuy nhiên, chỉ có học sinh của 40 nước được trao giải Intel ISEF 2016. Đoàn học sinh Ukraine có 7 em tham gia thì có 2 dự án đạt giải Ba, trong đó có dự án của Trần Phương Anh.

Khi được hỏi động lực nào khiến cô luôn đạt được thành tích học tập xuất sắc như vậy, Phương Anh trả lời cô luôn thích thú với việc học. Hơn nữa, cha mẹ Phương Anh cũng luôn động viên khích lệ cô con gái: “Lúc còn trẻ, cha mẹ muốn học mà không được, bây giờ có cơ hội, con cần phải nắm bắt lấy”.

Trần Phương Anh bắt đầu nghiên cứu khoa học từ năm lớp 10. Theo cô, mọi người thường nghĩ khoa học luôn nhàm chán, đặc biệt là môn toán. Nhưng với cô, có rất nhiều điều thú vị để làm nên tình yêu của cô dành cho môn khoa học như: lĩnh vực nghiên cứu luôn mở, cảm giác háo hức với việc tìm kiếm chìa khóa cho những con số về đa giác, các giáo viên rất tuyệt vời...

Hiện Trần Phương Anh sắp trở thành tân sinh viên trường Đại học Bách khoa Kiev. Với bảng thành tích xuất sắc, cô là một trong ba học sinh, sinh viên được Đại sứ Việt Nam tại Ukraine trao bằng khen trong buổi gặp gỡ thanh niên và sinh viên Việt Nam trên toàn Ukraine tại Kiev ngày 26/3 vừa qua.

Thích nấu bún bò Huế

Cha mẹ Phương Anh là người gốc Huế. Tuy sinh ra và lớn lên ở Ukraine, cô bé luôn được nuôi dưỡng và dạy dỗ trong môi trường tiếng Việt và văn hóa truyền thống Việt. Thừa hưởng từ cha mẹ sự chăm chỉ, chịu thương chịu khó, Phương Anh nổi bật với tinh thần hiếu học, tính cần cù và sáng tạo.

Cô gái ham học cho biết em rất thích đi du lịch, mê làm các loại bánh kẹo và cũng thích chơi bóng chuyền. Cô còn có sở thích khá đặc biệt là sưu tầm những gói đường được sản xuất từ nhiều quốc gia vì muốn làm cuộc sống của mình ngọt ngào hơn.

Về chất giọng đặc biệt của mình, Phương Anh kể, lần đầu tiên cô trở về Việt Nam lúc 5 tuổi và sau đó trở lại Ukraine là bắt đầu nói giọng Huế. Cô cho biết, để con cái không quên tiếng Việt, cha mẹ cô thường xuyên nói tiếng Việt khi ở nhà. Ngay từ bé, cha cô đã mua sách giáo khoa từ lớp 1-4 để giúp cô đọc và viết.

Gia đình Phương Anh luôn giữ phong tục truyền thống vào các dịp lễ và Tết. Không chỉ nấu những món ăn Việt hàng ngày, mẹ cô còn dạy con gái cách chế biến những món ăn đặc sắc của Huế, đặc biệt là món bún bò.

Phương Anh chia sẻ, cô luôn ý thức với việc xây dựng hình ảnh đẹp về người Việt trẻ ở nước ngoài. Theo cô, thế hệ kiều bào thứ 2, thứ 3 nên làm mọi thứ để giữ gìn và không quên truyền thống và văn hóa của Việt Nam. Bản thân cô luôn cảm thấy tự hào là một cô gái Việt khi sống ở Ukraine.

Trước đây, Phương Anh thường trình bày lịch sử Việt Nam trong lớp học của mình để các bạn Ukraine hiểu thêm về Việt Nam cũng như cách cô đã hội nhập và tiếp thu văn hóa của họ. Cô hy vọng sẽ tiếp tục làm thêm nhiều điều dù nhỏ bé để giữ gìn, quảng bá cho hình ảnh quê hương, đất nước khi bước chân vào trường đại học.

                                                                                       Theo Thế giới và Việt Nam