Cô gái trẻ tạo ứng dụng chống bắt nạt
Cập nhật lúc 10:17, Thứ ba, 23/02/2021 (GMT+7)
Khi đọc thông tin về cái chết của Rebecca, Prabhu nói cô nhận ra Internet có gì đó không ổn, và rất nhiều người lớn đang nỗ lực chống lại nạn bắt nạt qua mạng chưa thực sự chạm đến cốt lõi của vấn đề.
Trisha Prabhu, cô gái trẻ 20 tuổi tạo ra ứng dụng ReThink - Ảnh: ReThink
Trisha Prabhu là một học sinh 13 tuổi, còn Rebecca Sedwick, 12 tuổi, là nạn nhân của nạn bắt nạt qua mạng. Rebecca nhận nhiều tin nhắn đả kích tinh thần đến mức đã leo lên tầng thượng của một nhà máy xi măng bỏ hoang và tự kết thúc cuộc đời mình.
Trong khi đó, bản thân Prabhu cũng là nạn nhân của các tin nhắn "xấu xí" bởi cô là người nhập cư đến từ Ấn Độ và thường cảm thấy mình như kẻ lạc loài tại Mỹ.
Khi đọc thông tin về cái chết của Rebecca, Prabhu nói cô nhận ra Internet có gì đó không ổn, và rất nhiều người lớn đang nỗ lực chống lại nạn bắt nạt qua mạng chưa thực sự chạm đến cốt lõi của vấn đề.
"Họ khuyến khích người trẻ báo cáo các hành vi bắt nạt qua mạng và đưa ra các giải pháp phản ứng. Tuy nhiên, là một người trẻ thuộc thế hệ Z với thói quen dành rất nhiều thời gian trên điện thoại và cũng từng bị bắt nạt, tôi biết rằng cách làm này không hiệu quả và thiếu sót", Prabhu nói.
Vì vậy, cô gái trẻ đã đưa ra một giải pháp hoàn toàn ngược lại. Thay vì đặt trách nhiệm lên vai những nạn nhân bị bắt nạt, Prabhu nghĩ đến cách thức để nuôi dưỡng một thế hệ những người trẻ sử dụng kỹ thuật số một cách có trách nhiệm, từ đó ngăn chặn hoàn toàn nạn bắt nạt qua mạng.
Trong một dự án triển lãm khoa học vào năm lớp 8, Prabhu đã nhân cơ hội để thực hiện một nghiên cứu trên 1.500 người.
"Tôi tiếp cận những người nói ra những lời gây tổn thương, trong đó có những người thậm chí không nhận ra mức sát thương trong lời nói của họ, hoặc đơn giản chỉ muốn tạo ấn tượng trên mạng xã hội, và yêu cầu họ dừng lại để nghĩ về điều họ sắp nói", cô chia sẻ.
Kết quả thu về khá bất ngờ khi 93% người trẻ đã dừng lại thay vì tiếp tục buông ra những lời nói gây tổn thương.
Từ đó, Prabhu kết hợp với những người mà cô quen biết, bao gồm giáo viên, các nhà khởi nghiệp trẻ, bạn bè và gia đình để tạo thành một nhóm, sau đó vận dụng kinh nghiệm lập trình mà mình từng học được, để tạo nên ứng dụng ReThink.
Ngày nay, ReThink là nền tảng kỹ thuật số với công nghệ đã được đăng ký bản quyền, tích hợp 6 ngôn ngữ và có hơn 500.000 lượt tải trên hai kho ứng dụng App Store và Google Play. Cách ReThink hoạt động khá thú vị.
Khi người dùng tải ứng dụng về điện thoại, ReThink sẽ thay thế bàn phím mặc định bằng bàn phím được tùy chỉnh, hoạt động trên tất cả các nền tảng như gửi email, tin nhắn, mạng xã hội.
ReThink có khả năng phát hiện ra các nội dung nhạy cảm trước khi chúng được gửi đi. Khi tin nhắn sắp được gửi đi, ứng dụng này yêu cầu người dùng suy nghĩ lại xem liệu họ có thực sự muốn gửi không.
Prabhu, người tạo ra ReThink, hiện đang là sinh viên tại Trường đại học Harvard danh tiếng. Cô cũng vừa được tạp chí Forbes đề cử trong danh sách 30 Under 30 Social Impact dành cho những người trẻ tạo nên tác động tích cực trong xã hội.
Cô gái trẻ cho biết ReThink hiện đang là ứng dụng miễn phí. Tuy nhiên, để thu về lợi nhuận, cô đang nghĩ đến việc tạo ra các hỗ trợ dành riêng cho phụ huynh để quản lý và giáo dục cách con cái họ giao tiếp.
"Tôi cũng mong được kết hợp với một hãng điện thoại để mang công nghệ này đến với nhiều người dùng hơn", Prabhu tiết lộ tham vọng.
Theo tuoitre