Dương Thanh Hoài coi dịch sách là một cách giúp kết nối văn học Hàn Quốc đến độc giả Việt Nam, với 7 tác phẩm văn học đề tài tâm lý xã hội của Hàn Quốc. Hầu hết các tác phẩm được dịch, Hoài đều chọn chủ đề “nữ quyền”, và những câu chuyện thuộc lứa tuổi thanh thiếu niên mang tính giáo dục sâu sắc. Một số tác phẩm văn học Hàn Quốc mà Hoài chọn dịch trước đó đã được chuyển thể sang điện ảnh, với những bộ phim truyện ăn khách, thu hút hàng triệu người Hàn trong và ngoài nước.
|
Các tác phẩm chuyển ngữ của Dương Thanh Hoài |
Năm 2017, tiểu thuyết Lời nói dối hoa mỹ của nhà văn Kim Ryeo Ryeong do Dương Thanh Hoài chuyển ngữ chính thức ra mắt tại Việt Nam. Hơn 6 tháng sau, cô dịch tiểu thuyết Ông chúa Đức Huệ của nhà văn Kwon Bee Young. Năm 2018, Hoài tiếp tục chuyển ngữ thành công tiểu thuyết Cảm ơn tất cả gần 400 trang in của nhà văn Kim Jung Mi, và năm 2019 là tiểu thuyết nữ quyền Kim Ji Young, sinh năm 1982 của nhà văn Cho Nam Joo. Tiểu thuyết Chuyện đời Sương của nhà văn Suh Song Nan viết về cuộc sống của nàng dâu Việt ở xứ Hàn không chỉ lan tỏa mạnh mẽ tại Hàn Quốc, Việt Nam mà còn ở các quốc gia châu Á, được Dương Thanh Hoài và Ngô Thị Quỳnh Trang (đang sống ở Pháp) chuyển ngữ sang tiếng Việt năm 2020.
Trước đó, Dương Thanh Hoài là đồng dịch giả tiểu thuyết Mây họa ánh trăng (tập 1), Hợp tuyển văn học Hàn Quốc (tập 1) bao gồm 17 truyện ngắn và truyện vừa của các nhà văn tên tuổi xứ kim chi. Đa dạng cả về đề tài và phong cách thể hiện, Hợp tuyển văn học Hàn Quốc (tập 1) phản ánh chân thực 1 giai đoạn lịch sử đầy biến động trên bán đảo Triều Tiên đầu thế kỷ XX. Bản dịch của Dương Thanh Hoài được nhiều chuyên gia ngôn ngữ, những người bạn Hàn Quốc hoan nghênh, đánh giá cao.
Cuốn tiểu thuyết Cảm ơn tất cả của nhà văn Kim Jung Mi dành cho lứa tuổi thanh thiếu niên kể về cuộc sống gia đình và tình bạn của cô bé Hàn Quốc tên là Yoon Yu Jung ở vùng nông thôn Ganghwa. Cô bé bị sứt môi hở hàm ếch, nhưng luôn được sự đùm bọc che chở của bà nội và người chú độc thân nhân hậu. Chú đã lao động cật lực để kiếm tiền phẫu thuật cho cháu gái có được khuôn mặt bình thường. Khi cô bé khôn lớn, người chú đã yêu và lấy một người phụ nữ Việt Nam tên Thủy. Khác quốc tịch và văn hóa, nhưng Thủy đã vượt qua mọi định kiến để nhanh chóng hòa nhập với cuộc sống ở xứ Hàn. Bằng sự đôn hậu, Thủy đã khiến cô bé Yu Jung từ đề phòng, xa lánh trở thành người bạn yêu thương và luôn chia sẻ cùng cô mọi vui buồn.
|
Từ phải qua trái: dịch giả Dương Thanh Hoài, ông Lý Xương Căn - đại sứ du lịch Việt Nam tại Hàn Quốc, tác giả bài viết - nhà báo Phạm Quốc Toàn tại sự kiện kỷ niệm 97 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam |
Lời nói dối hoa mỹ là tiểu thuyết của nhà văn Kim Ryeo Ryeong, viết cho lứa tuổi thanh thiếu niên, đã được chuyển thể sang điện ảnh thu hút hàng triệu khán giả. Dương Thanh Hoài tâm sự: “Cốt truyện lôi cuốn, mới lạ, đề cập tới vấn nạn bắt nạt, cô lập, thậm chí học trò đánh hội đồng trong trường học - đề tài rất nóng cả ở Hàn Quốc và Việt Nam. Sách in bán chạy, bộ phim như một hiện tượng bom tấn năm 2014 của điện ảnh Hàn Quốc”. Với tiểu thuyết Chuyện đời Sương viết về nàng dâu Việt ở xứ Hàn của nhà văn Suh Song Nan, Dương Thanh Hoài không chỉ chọn đúng đề tài được xã hội Hàn cũng như Việt Nam quan tâm, mà còn thể hiện được sự am hiểu tâm lý người phụ nữ - các nàng dâu Việt ở xứ người.
Trong khoảng 10 năm trở lại đây, Dương Thanh Hoài còn là dịch giả của nhiều truyện dành cho thiếu nhi như: Con chính là điều kì diệu; Mẹ nổi giận; Nàng công chúa giả vờ không biết mọi chuyện; Con là hạt giống nào vậy nhỉ?; bộ truyện tranh Cô bé xinh đẹp; bộ sách Pretty Girl là con gái, cẩm nang cuộc sống cho những cô nàng tuổi teen; bộ sách Phát triển tư duy - tính cách cho bé, bộ sách Kiến thức kĩ năng dành cho bé: Mùi gì thế nhỉ; bộ sách Hướng dẫn kĩ năng an toàn; bộ sách Truyện cổ tích Hàn Quốc… Tác phẩm Một tuần của nhà văn Hàn Quốc Kim Ryeo Ryeong viết về chuyện tình lãng mạn của 1 nghị sĩ quốc hội với 1 nhà văn nổi tiếng cũng được Dương Thanh Hoài chuyển ngữ và sẽ ra mắt độc giả trong năm 2023.
Dương Thanh Hoài tốt nghiệp Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Hàn Quốc, Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội). Cô tốt nghiệp thạc sĩ kinh tế, Viện Nghiên cứu Hàn Quốc học Trung ương Hàn Quốc. Hiện cô đang làm việc ở văn phòng đại diện của Viện Công nghệ Công nghiệp Môi trường Hàn Quốc tại Hà Nội. Cô tâm sự: “Tôi mới chỉ bắt đầu, chưa cống hiến được bao nhiêu. Với tôi, công việc dịch thuật chỉ bắt nguồn từ đam mê văn chương, là tình yêu và sự đồng cảm dành cho phái đẹp, cho lứa tuổi trăng tròn. Tôi cũng muốn đóng góp chút gì đó cho sự kết nối 2 nền văn hóa tương đồng Việt - Hàn”.
Theo phụ nữ TPHCM