Chiếc áo dài ngũ thân xưa. Ảnh tư liệu
Áo dài - trang phục truyền thống lâu đời mang trong mình tâm hồn và nét thẩm mỹ của người Việt; trang phục tôn nên vẻ đẹp, nét duyên dáng, dịu dàng của phụ nữ Việt - từ lâu đã được xem là quốc phục và là niềm hãnh diện của người Việt Nam với bạn bè quốc tế.
Áo dài phụ nữ Việt Nam có từ bao giờ?
Hiện nay vẫn còn những ý kiến khác nhau về nguồn gốc của áo dài. Có ý kiến cho rằng chiếc áo này bắt nguồn từ Trung Quốc, ý kiến khác lại cho rằng chiếc áo này là một nhánh trang phục riêng biệt với dấu tích xuất hiện trong các ghi chép và di vật cổ… Tuy nhiên, qua các sử liệu, các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng, Võ vương Nguyễn Phúc Khoát (1738-1765), vị chúa Nguyễn thứ 8 chính là người là người có công lớn trong việc định hình và nâng vị thế của chiếc áo này.
Trong cuốn Theo dòng triều Nguyễn (NXB Tổng hợp TP.HCM, năm 2018), tác giả Tôn Thất Thọ cho biết Đàng Trong trước thời Võ vương Nguyễn Phúc Khoát, y phục của dân gian cũng đồng nhất với Đàng Ngoài. Sau khi lên ngôi vương, năm Giáp Tý (1744), với chủ trương cải cách trang phục dân gian cho khác với Đàng Ngoài, đồng thời gìn giữ bản sắc văn hóa riêng biệt với văn hóa Trung Hoa (thời điểm này có hàng vạn người Minh Hương (còn gọi là khách trú) bất mãn với nhà Thanh sang định cư lập nghiệp ở Đàng Trong), Võ vương đã ban sắc dụ thay đổi y phục cho toàn thể dân chúng Đàng Trong và đưa áo dài trở thành trang phục chính thức. Cũng trong sắc dụ này, lần đầu tiên chiếc áo dài của người phụ nữ được định hình một cách cơ bản.
Cũng đề cập đến sự ra đời của áo dài, trong cuốn Huế - triều Nguyễn Một cái nhìn (NXB Thế giới, 2018), nhà nghiên cứu Trần Đức Anh Sơn cũng cho rằng do muốn thể hiện độc lập tuyệt đối với chính quyền Đàng Ngoài sau gần 200 năm ly khai, nên Võ Vương muốn cải biên phong hóa, phong tục của Đàng Trong cho khác với Đàng Ngoài.
Bấy giờ, phụ nữ Đại Việt từ Bắc chí Nam đều mặc váy với áo tứ thân, đầu vấn khăn bọc tóc. Để phân biệt với Đàng Ngoài, Võ vương bắt buộc phụ nữ Đàng Trong phải mặc quần hai ống. Về sau, thấy không được kín đáo cho lắm, Võ vương giao triều thần tham khảo áo dài của phụ nữ Trung Hoa, kết hợp với chiếc áo dài bít tà của phụ nữ Champa để chế ra chiếc áo dài dùng cho phụ nữ Đàng Trong. Chiếc áo dài phụ nữ Việt Nam ra đời từ đó.
Chiếc áo dài Lemur do họa sĩ Nguyễn Cát Tường tạo ra năm 1936. Ảnh tư liệu
Tuy nhiên, theo ông Sơn thì sử liệu ghi vậy, còn trên thực tế thì vào năm 1956, khi khai quật ba ngôi mộ ở cánh đồng Bà Chúa (Thanh Hóa), các nhà khảo cổ đã phát hiện thi hài 2 phụ nữ thời Lê - Trịnh còn nguyên vẹn, đều mặc áo dài 5 thân, may bằng gấm màu cổ đồng, khá gần gũi với áo dài tân thời sau này.
Như vậy trước thời Võ vương, ở Đàng Ngoài cũng có áo dài nhưng đó không phải là chiếc áo dài như vẫn thấy sau này. Phải chăng đã có một sự lan tỏa ngược ra Bắc, rồi kết hợp với chiếc áo năm thân của Đàng Ngoài để khai sinh nên chiếc áo dài Việt Nam sau này.
Áo dài Việt Nam qua các thời kỳ
Cũng trong cuốn Huế - triều Nguyễn Một cái nhìn, nhà nghiên cứu Trần Đức Anh Sơn cho biết vào năm Minh Mạng thứ 7 (1826), nhà vua đã ra dụ bắt phụ nữ Đàng Ngoài phải thay đổi cách ăn mặc theo Đàng Trong. Việc này đã khiến dân gian xôn xao, phản ứng bằng bốn câu ca “Tháng Tám có chiếu vua ra. Cấm quần không đáy người ta hãi hùng. Không đi thì chợ không đông. Đi thì bóc lột quần chồng sao đang”. Dẫu vậy, việc cấm váy này của vua Minh Mạng cũng đã tạo cơ hội cho phụ nữ cả nước được mặc áo dài.
Ở thời kỳ đầu, áo dài của phụ nữ Việt Nam là chiếc áo “tứ thân”, phía trước, phía sau đều có hai vạt như nhau, “đấu sống” ở chính giữa. Sở dĩ như thế là do vải thời ấy chỉ hẹp khoảng 40 - 50 cm. Thân áo nối với tay áo ở đoạn giữa vai và khuỷu tay; ống tay rất dài và hẹp; cổ áo độn cứng cao khoảng 2 - 3 cm. Thân áo dài vừa phải, quá gối chừng 20-30 cm. Áo dài hoàng hậu, công chúa, mệnh phụ, thiếu nữ quý tộc thường may bằng sa, lĩnh, gấm, vóc, thêu hình chim phượng, chim loan, vạn vật thêu hoa lá, tản vân bằng chỉ kim tuyến.
Áo dài Lê Phổ cổ cao được xem là mẫu nguyên gốc của thiết kế áo dài Việt hiện nay. Ảnh tư liệu
Thời này, phụ nữ kinh kỳ mặc áo dài cùng quần 2 ống may bằng sa trắng, cổ đeo kiềng vàng, chân đi hài nhung hoặc guốc Kinh. Phụ nữ thị thành miền Bắc mặc áo dài 5 thân, tóc quấn cao vấn quanh đầy, cổ đeo chuỗi hạt, chân đi hài cỏ. Còn phụ nữ nông thôn vẫn gắn bó với áo yếm, áo tứ thân...
Những năm đầu thập niên 1920, cuộc cách tân áo dài đầu tiên diễn ra, bắt đầu từ các trường học. Chiếc áo tân thời với 2 vạt áo liền mảnh do khổ vải dệt rộng hơn ra đời, thay thế cho vạt “đấu sống” thưở trước. Song phải đến thập niên 1930 thì chiếc áo dài của phụ nữ Việt mới có những cuộc cách tân sâu sắc.
Khi ấy, ở Hà Nội và Hải Phòng, 2 họa sĩ Lê Phổ và Nguyễn Cát Tường (tốt nghiệp Trường Mỹ thuật Đông Dương) là những người tiên phong trong việc cách tân áo dài. Trong xu thế Âu hóa, 2 họa sĩ đã chọn chiếc áo dài 5 thân xưa để cải biến theo hướng gọn gàng, giản dị, mạnh mẽ, có mỹ thuật, lịch sự và có tính cách riêng của nước nhà.
Họa sĩ Lê Phổ đã khắc phục những hạn chế của chiếc áo cũ như rộng thùng thình, làm khuất những đường cong gợi cảm của người phụ nữ, chiếc cổ áo to che kín cổ cao ba ngấn kiều diễm, bằng cách thu nhỏ cổ áo và tà áo, thu hẹp thân áo để ôm kín thân người phụ nữ. Còn họa sĩ Nguyễn Cát Tường thì tạo ra kiểu áo Lemur vào năm 1936. Ông chủ ý tạo ra các đường pince để thu nhỏ phần eo, nâng cao tầm hông và phân ngực, nhằm làm nổi bật những đường khối tuyệt mỹ của người phụ nữ.
Hoa hậu quý bà Hằng Nguyễn trong chiếc áo dài cổ decolate. Ảnh: Nhân Phan. Nguồn: thanhnien
Sang thập niên 1960, Đệ nhất phu nhân Việt Nam Cộng hòa Trần Lệ Xuân không thích mặc áo cổ cao nên đã tạo ra chiếc áo dài cổ decolate, với cổ khoét sâu, lộ cả đường chân ngực, vai áo bồng, tà áo ngắn. Theo MC, nhà báo Trác Thúy Miêu, trong cuốn Vọng Sài Gòn (NXB Hội Nhà văn, 2019), tác giả của mẫu áo dài đó là Thái Thúc Nha, chú ruột của ca sỹ Thanh Lan. Mẫu áo này ra đời chỉ được nữ giới thượng lưu Sài Gòn và một thanh nữ thức thời tiếp nhận, còn phần đa phụ nữ miền Nam lúc đó vẫn thích kiểu áo kín đáo cổ cao, vạt áo dài chấm gót chân.
Khoảng những năm 1967-1968, Sài Gòn xuất hiện kiểu áo dài tay Raglan, kiểu áo ráp tay ở sát chân cổ, xuôi ra phía nách, khác với kiểu áo can tay, can vai như trước. Vào đầu thập niên 1970, với kiểu cổ áo truyền thống được may hẹp, áo không eo, vạt ngắn bằng vải in hình họa tiết hoa hoặc lập thể. Vạt áo ngắn trên đầu gối. Các cô gái Sài Gòn diện áo dài hippy, tóc suôn, cài băng đô, đeo kiếng gọng to…
Áo dài Raglan với đặc điểm nổi bật ôm khít phần eo. Nguồn: Life
Mãi đến thập niên 1990, áo dài mới tái xuất qua cuộc thi hoa hậu áo dài đầu tiên và việc nữ sinh Sài Gòn được mặc áo dài trắng đồng phục. Về sau, một số trào lưu cải biên áo dài cũng xuất hiện nhưng tồn tại không lâu, trong khi đó áo dài kiểu raglan và kiểu Lê Phổ vẫn được coi là chuẩn mực.
Ngày nay, mặc áo dài đã phổ biến trở lại, tuy nhiên nó vẫn được coi là lễ phục hơn thường phục. Những năm gần đây, có một số nhà thiết kế tìm tòi tái hiện lại phong cách áo Sài Gòn lừng danh một thưở. Đây là tín hiệu cho thấy áo dài đang đường phục dựng lại hình thái hoàn chỉnh nhất từng có trong quá khứ.
Theo news.zing