Cô Phụng tận dụng bàn ăn tại KTX Trường ĐH Sư phạm TP.HCM để dạy trực tuyến cho học sinh ở Phan Thiết - NVCC
Cô Tsằn Thị Mỹ Phụng (22 tuổi) vừa tốt nghiệp ngành giáo dục đặc biệt của Trường ĐH Sư Phạm TP.HCM hồi tháng 5, khi đó dịch Covid-19 bùng phát và cô giáo trẻ “mắc kẹt” tại ký túc xá (KTX) của trường hơn 4 tháng qua.
Không thể chịu cảnh thất nghiệp, Phụng chủ động tìm việc làm qua hình thức trực tuyến. Ngày 18.8, cô nộp hồ sơ ứng tuyển giáo viên vào Trường TH-THCS-THPT Lê Quý Đôn, TP.Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận.
Chỉ sau 2 ngày nộp hồ sơ, cô nhận được yêu cầu phỏng vấn bằng hình thức trực tuyến và chính thức trở thành giáo viên dạy học sinh lớp 4 của trường.
Mỹ Phụng trong tà áo dài khi đi thực tập sư phạm hồi tháng 5 - NVCC
Lần đầu được chính thức trở thành giáo viên nên Mỹ Phụng có chút bỡ ngỡ nhưng vẫn rất tự tin, háo hức. “Ưu thế của lứa giáo viên trẻ mới ra trường như tôi là khá rành về công nghệ thông tin nên việc soạn bài cũng trở nên đơn giản hơn. Nắm bắt nhanh để tạo ra những bài trình chiếu sinh động, thu hút, giúp học sinh hứng thú hơn với bài học”, cô Phụng chia sẻ.
Tuy dạy trực tuyến nhưng cô vẫn phải dậy từ sớm để chuẩn bị quần áo, tác phong không khác gì khi dạy trực tiếp trên lớp học. Nữ giáo viên tận dụng bàn ăn chung dành cho tám người trong căn phòng của KTX Trường ĐH Sư phạm TP.HCM để làm phương tiện dạy học. Bàn ghế, tác phong sẵn sàng thì cô giáo trẻ lại quay ra kiểm tra kết nối mạng, đảm bảo đường truyền ổn định trong quá trình dạy học.
Cô Phụng chia sẻ, khi dạy học trực tuyến có cái lợi là được nghỉ ngơi tại chỗ, không phải di chuyển từ nhà đến trường nhưng đổi lại cô có những nỗi lo khác.
“Chẳng hạn, vừa dạy vừa lo sợ kết nối mạng bị ngắt giữa chừng, nếu như thế sẽ khiến học sinh phải mất thời gian chờ khởi động lại phòng học mới. Chưa kể, có một số học sinh trong lúc học thì bị mất kết nối, khi các em vào lớp lại thì không theo kịp bài. Lúc đó, tôi phải giảng lại, làm tiến độ học tập có phần chậm trễ hơn khi học trên lớp”, cô Phụng nói.
Được cầm phấn đứng trên bục giảng, gặp gỡ lứa học sinh đầu tiên trong cuộc đời đi dạy là mong muốn lớn nhất của cô Phụng hiện nay - NVCC
Ngoài lý do kết nối mạng, cô còn lo ngại bản thân chưa có nhiều kinh nghiệm nên đôi lúc không thể kiểm soát được hết học sinh, để đảm bảo tất cả đều tập trung và hiểu bài. Bên cạnh đó, việc phụ huynh ngồi cạnh giám sát quá trình học của con em cũng khiến cô giáo trẻ gặp áp lực về tâm lý.
“Vì dạy trực tuyến nên việc giảng bài phải thật chậm, nội dung bài học phải được nhắc đi, nhắc lại nhiều lần và yêu cầu học sinh đọc theo. Vì có nhiều hạn chế, nên việc tăng cường thêm bài tập về nhà để các em tự học là điều rất cần thiết. Ngoài ra, tất cả bài giảng của mỗi tiết học đều được ghi âm, ghi hình để các em có thể xem lại và phụ huynh cũng tiện hỗ trợ cho việc tự học”, cô Phụng chia sẻ.
Hiện tại, cô giáo trẻ dần thích nghi tốt với việc kết nối với học sinh qua hình thức trực tuyến. Tuy nhiên, cô lo lắng trong thời gian tới có thể học sinh của Trường TH-THCS-THPT Lê Quý Đôn sẽ trở lại học trực tiếp trên lớp trong khi cô vẫn ở TP.HCM.
Cô giáo trẻ bày tỏ hy vọng dịch Covid-19 sớm được đẩy lùi để cuộc sống yên bình trở lại và cô có thể mặc áo dài, cầm phấn đứng trên bục giảng, được gặp trực tiếp những học sinh đầu tiên trong cuộc đời dạy học.
Theo thanhnien