Vở nhạc kịch đờn ca tài tử từng ra mắt công chúng Pháp tại Paris năm 2019 - Ảnh: NVCC
Tôi nhận thấy những lời thơ trong Truyện Kiều mỗi lần đọc lại mỗi thấm thía. Khi đang hoang mang với việc không biết dịch bệnh có ảnh hưởng tới những kế hoạch của vở diễn không, tôi lại nhớ tới câu chàng Kim nói với Thúy Kiều khi họ gặp lại sau bao khổ nạn, để rồi lại thấy mình nhẹ lòng đi: "Trời còn để có hôm nay - Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời Nghệ sĩ TRÚC TIÊN |
Là người miền Tây, ngay cả khi đã qua Pháp định cư từ năm lên 10, không ai ngạc nhiên khi chị Trần Thị Trúc Tiên mê đờn ca tài tử, thích Lục Vân Tiên. Nhưng việc yêu Truyện Kiều tới mức làm hẳn một vở nhạc kịch đờn ca tài tử thì lại là chuyện khác. Tới lúc này, một nửa số vé trong 500 ghế của khán phòng biểu diễn đã bán hết.
Cuốn tập của ông nội
Từ lúc còn "bé xíu xiu" ở Mỹ Tho (Tiền Giang), cô bé Trúc Tiên đã được nghe ông nội ngâm Kiều trong tiếng đờn kìm luyến láy, nỉ non. Ông nội chị thuộc Kiều ghê lắm, ông cũng thuộc Lục Vân Tiên nữa, và dĩ nhiên là ông cụ nằm lòng các bài bản lớn, nhỏ của đờn ca tài tử.
Nội thương Tiên lắm và luôn khuyên cháu gái phải học những bài bản này. Chính những khoảng thời gian ngắn ngủi ông nội từ Bến Tre đến ở với gia đình Trúc Tiên là lúc cô bé được "thấm" nhiều nhất tình yêu với đờn ca tài tử, với văn hóa dân tộc.
Những ngày đó, không chỉ ngón đờn kìm của ông nội và những câu Kiều, các buổi tụ tập đờn ca tại nhà của cha Trúc Tiên và bạn bè trong gánh hát cải lương của ông cũng đã là bầu không khí nghệ thuật tự nhiên nuôi dưỡng tâm hồn cô gái nhỏ.
Sinh năm 1974, lên 10 tuổi, Trúc Tiên cùng cha mẹ sang Pháp định cư với ông ngoại là người Pháp. Phải 10 năm sau đó, năm 1993, cô mới trở lại Việt Nam lần đầu tiên để tảo mộ cho ông nội.
Lần trở về đó cô nhận được một món quà đặc biệt của ông nội: cuốn tập học trò chép tay những bài bản đờn ca tài tử ký âm theo kiểu "hò, xừ, xang, cống", chấm nhịp nội, nhịp ngoại tỉ mỉ từng câu. Người thân trong nhà nói trước khi mất, ông cụ đã dặn gửi lại cho cháu gái cuốn tập này khi cô trở về.
Có một điều Trúc Tiên biết rõ là ông nội chỉ biết chữ Nôm, không biết chữ quốc ngữ, nên chắc chắn ông đã phải nhờ ai đó chép hộ cho cô. Cuốn tập đặc biệt này cho tới nay, hơn 30 năm, cô vẫn giữ như kỷ vật quý báu nhất.
Trở về Pháp với cuốn tập của ông, Trúc Tiên bắt đầu mày mò tự học các bài bản đờn ca tài tử trong suốt 10 năm trời. Vướng ở đâu cô lại liên hệ với các bậc đàn anh, bậc thầy của bộ môn nghệ thuật này ở Việt Nam để nhờ họ chỉ bảo thêm.
Từ Lục Vân Tiên tới Truyện Kiều
Mê đờn ca tài tử nên ngoài công việc chính là một chuyên viên cố vấn truyền thông và trách nhiệm cáng đáng của một bà mẹ hai con, Trúc Tiên phải tranh thủ mọi thời gian rảnh rỗi, đặc biệt những lúc lái xe trên đường đi làm để học ca. Gặp những hôm tắc đường, chị tranh thủ "luyện thanh" luôn trên xe.
Sau 10 năm tự rèn luyện, học hỏi, tới năm 2017 Trúc Tiên ra mắt CD âm nhạc đầu tiên với tên Dạ tập hợp 10 bài bản đờn ca tài tử tâm đắc nhất. Năm 2018, chị ra mắt CD thứ hai với tên gọi Thương, tập hợp những bài ca kể chuyện tích xưa, những chuyện tình đẹp mà buồn như Sự tích trầu cau, Hòn vọng phu, Trương Chi - Mỵ Nương…
Năm ngoái chị biên soạn và dàn dựng vở nhạc kịch đờn ca tài tử truyện thơ Lục Vân Tiên của cụ đồ Nguyễn Đình Chiểu. Lần đó có tới 1/4 khán giả tới xem là người Pháp. Sự hào hứng của khán giả đã là động lực để chị mạnh dạn thực hiện dự án nhạc kịch đờn ca tài tử Truyện Kiều năm nay.
"Nhiều bác lớn tuổi nói "con phải làm Truyện Kiều" Tiên ạ. Có bác còn nói trước khi chết, bác muốn được xem một vở Truyện Kiều làm theo cách tôi đã làm với truyện Lục Vân Tiên, bởi vậy dù biết là khó nhưng tôi vẫn cố gắng làm" - chị Trúc Tiên chia sẻ.
Những ngày này, các bác vẫn liên tục sốt ruột hỏi chị "Kiều ơi, liệu vở diễn có bị hoãn không?". Cách gọi chị thân thương là "Kiều" của các bác giữa lúc khó khăn khiến chị thấy mình được chia sẻ thật nhiều.
Nghệ sĩ Trúc Tiên sẽ đảm nhận vai Thúy Kiều trong vở nhạc kịch - đờn ca tài tử Truyện Kiều do chị dàn dựng - Ảnh: NVCC
Nguyễn Du sẽ "thức dậy" ở Paris
Để có được dự án thành hình hài và sắp tới ngày "hái quả" như hôm nay, chị và nhóm Cội Nguồn đã phải tranh thủ tối đa mọi thời gian, dồn sức tập luyện suốt một năm qua. Riêng với chị là bốn năm chuẩn bị kịch bản, đi đi về về giữa Việt Nam và Pháp để gặp gỡ các bậc đàn anh trong nghề, thu âm các bài bản, lo toan công tác hậu cần, tổ chức...
Vì là nhạc kịch đờn ca tài tử nên ngoài dàn nhạc cổ với sự góp mặt của các nghệ sĩ đờn ca tài tử từ Việt Nam sang là Phạm Văn Môn (guitar phím lõm) và Quang Tuấn (đờn kìm), còn có các nghệ sĩ chơi nhạc cụ phương Tây khác.
Chị Trúc Tiên "bật mí" trong vở nhạc kịch đờn ca tài tử Truyện Kiều của chị, đại thi hào Nguyễn Du sẽ "thức dậy" trong năm 2020 tại Paris và gặp một cô gái người Việt sống tại Paris. Nguyễn Du và cô gái ấy sẽ trở thành những người dẫn chuyện bằng tiếng Việt và tiếng Pháp, giúp khán giả nắm được mạch truyện xuyên suốt của Truyện Kiều.
Với mục tiêu và chủ đích rất rõ ràng là đưa vào vở diễn nhiều nhất có thể những câu thơ tài hoa của cụ Nguyễn Du nên chị Trúc Tiên chọn thể hiện trên sân khấu những đoạn tâm đắc nhất như màn đính ước của Thúy Kiều - Kim Trọng, cảnh trao duyên của chị em Kiều, đoạn mô tả Tú Bà, Từ Hải, Mã Giám Sinh….
"Thơ cụ quá hay rồi, mình chỉ thêm vào "rằng, thì, là, mà" cho đúng nhịp đúng điệu kiểu như những lúc xuống xề lên cống thôi" - chị Tiên khiêm nhường chia sẻ.
Hết lòng với nhạc cổ Việt Nam * GS.TS Trần Quang Hải - nhà nghiên cứu dân tộc nhạc học (Pháp): "Trúc Tiên là một nữ nghệ sĩ không chuyên nghiệp nhưng rất cố gắng học hỏi ca cổ nhạc tài tử miền Nam. Tuy sang Pháp lúc còn nhỏ (10 tuổi), cô vẫn nói tiếng Việt trôi chảy với giọng miền Nam (90%) lai chút đỉnh giọng Bắc trong phát âm. Điều đáng ngợi khen là cô hết lòng bảo vệ nhạc cổ Việt Nam và văn hóa Việt Nam qua việc thực hiện hai vở tuồng Lục Vân Tiên (2019) và Truyện Kiều (2020) theo phương hướng mới, nghĩa là phối hợp nhạc cổ miền Nam và tân nhạc Việt và Tây phương. Ban Cội Nguồn do Trúc Tiên sáng lập vài năm gần đây đã tạo được chỗ đứng vững vàng và thu hút những người trẻ vào để lập nên một đoàn hát đầy nhiệt tình dù chỉ là "tài tử" thôi". * Nghệ sĩ Lê Tứ - người thủ vai Từ Hải trong vở diễn (Đoàn 2 Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang): "Đây là lần đầu tiên tôi tham gia dự án nghệ thuật của chị Trúc Tiên. Tôi thấy vui và phấn khởi khi có cơ hội được biểu diễn đờn ca tài tử ở nước ngoài, được truyền bá văn hóa dân tộc mình tại Pháp. Tôi rất nể trọng và thương chị Trúc Tiên vì cách chị làm nghệ thuật rất có tâm, một mình đảm đương rất nhiều việc. Chị Trúc Tiên cũng là người rất chịu học hỏi, luôn lắng nghe và tiếp thu những chỉ dẫn về nghề, nắm rất chắc về nhịp điệu. Chị ca hay không kém ca sĩ chuyên nghiệp. Một người sang Pháp từ năm 10 tuổi mà có thể nói và ca tiếng Việt như vậy thật đáng nể". D.K.T. ghi |
Hiểu và thương tiếng Việt Được nghe ông nội ngâm Kiều từ thơ bé, song với một cô bé gốc rặt miền Tây như Trúc Tiên, lại sống ở nước ngoài từ năm 10 tuổi, hiểu cho thấu đáo Truyện Kiều là một thách thức. Đọc Kiều với chị trước hết còn là để học tiếng Việt, để biết nói tiếng Việt sao cho đúng, cho đẹp, cho tinh tế. Sau này, khi bắt đầu đảm nhiệm lớp dạy tiếng Việt, văn hóa Việt vào cuối tuần cho các em nhỏ gốc Việt tại Pháp, chị đã soạn giáo án từ chính cuốn Truyện Kiều. Càng đọc chị càng thấm thía, càng hiểu và thương hơn tiếng Việt, văn hóa Việt. |
Theo tuoitre