Trên đường đi bộ từ nhà ra phố Nguyễn Huệ, Emily trông thấy nhiều cảnh đời khó khăn, lam lũ, từ ông sửa xe mất một chân đến những người già cả, những cậu bé bán vé số ốm nhom ốm nhách. Những điều này khiến con suy nghĩ rất nhiều.

“Con có thể không giàu nhất nhưng con không thể nghèo”, Emily nói với mẹ.

Thấy tôi chưa hiểu ý, Emily lý giải: “Mẹ có thấy ai ăn xin hoặc người nghèo nhất nào nói được bốn thứ tiếng như con không? Con có thể nói được Tiếng Anh, tiếng Việt, tiếng Đức và tiếng Trung”.

“Ừ, con hiểu vì sao mẹ cho con học nhiều thứ tiếng rồi đấy”, tôi mỉm cười hài lòng. “Giàu hay không thì mẹ chưa chắc. Nhưng khi con biết và sử dụng thành thạo bốn thứ tiếng thì con không thể nghèo được”.

13

Bên cạnh các môn học chính Emily say sưa với vẽ và âm nhạc

Như bao đứa trẻ khác, Emily là cô bé ham chơi, lười học nhưng tôi vẫn kiên trì rèn con học hàng ngày. Mỗi khi các con ngồi học ngoại ngữ, học vẽ, học đàn hay học hát, tôi thường ngồi trên chiếc sofa quen thuộc để vừa làm việc vừa theo dõi, giám sát, đốc thúc chuyện học hành.

 
14

Bức ảnh ngộ nghĩnh nhưng thể hiện tâm hồn rất phong phú của trẻ

Có lần tôi tình cờ xem được clip nói rằng để hành nghề môi giới bất động sản ở Úc, bạn cần ba năm học hành nghiêm túc trước khi phải vượt qua kỳ thi lấy chứng chỉ. Chưa kể, bạn không được phép vi phạm đạo đức nghề nghiệp trong quá trình làm nghề.

Thiết nghĩ, nước Úc làm gì cũng chậm nhưng chắc chắn. Học đến ba năm, vượt qua 18 môn học nhưng chỉ cần khách hàng phàn nàn về đạo đức nghề nghiệp thì lập tức bị tước bằng. Có lẽ vì thế mà ở đó mọi người thực sự nghiêm túc với nghề môi giới bất động sản.

Không chỉ luật pháp mà nền giáo dục của Úc rất nghiêm minh. Một khi xác định ngành nghề muốn theo đuổi, họ học hành rất nghiêm túc và có lẽ vì thế mà đều trở thành chuyên gia trong lĩnh vực của mình. Không ai tùy tiện làm việc mà không bắt đầu từ cái nền tảng đầu tiên: Sự học!

Bởi chỉ có học mới giảm thiểu được phần nào nguy cơ thất bại. Một đất nước xem trọng sự học, học bài bản có thể phát triển chậm trong thời gian ngắn nhưng bền vững nếu chúng ta nhìn rộng và xa hơn. Như kiểu của ta, đường ngắn thì chạy nhanh đấy, nhưng chạy xa xíu thì dễ hụt hơi!

Thế nên, với Emily và những đứa trẻ trong nhà, tôi luôn đề cao và hướng các con đến việc học bền vững, học cho mình chứ không phải vì thành tích hay điểm số. Như Emily nói, khi con không ngừng học tập và nâng cao giá trị bản thân, con có thể không phải là người giàu nhất nhưng chắc chắn không thể nghèo!

Theo giadingonline.vn