Bài viết của tác giả Đại Vũ được đăng trên một diễn đàn làm cha mẹ tại Trung Quốc.

Gần đây mạng xã hội Trung Quốc "sôi sục" trước sự việc một cậu bé 13 tuổi, vì giận dỗi gì đó nên liên tục đánh vào mặt người mẹ, buộc chị phải cầu cứu cảnh sát.

Khi cảnh sát bước vào nhà, cậu bé này không tỏ ra sợ hãi còn liên tục chửi thề. Người cha đứng cạnh bênh con: "Cháu còn bé, mới 13 tuổi, không cần đến các anh".

Một độc giả bình luận: "Từ khi nào ‘còn bé’ là thứ để các bậc phụ huynh biện minh cho hành động bất hiếu của con cái?". Một số người khác lại nhận xét: "Sự che chở, bao bọc quá mức không phải là tình yêu thương chân chính mà đang dần đẩy con cái xuống vực thẳm".

Tình yêu không giới hạn thực sự có hại

Với những chiếc nệm chồng lên nhau, một nhóm trẻ từ 7-10 tuổi ở tỉnh Hồ Nam đã lấy đó làm dụng cụ để nhảy lên nhảy xuống nóc một chiếc xe ôtô bốn chỗ.

Chủ xe cho biết, chiếc xe anh mới mua nhưng sau khi bị bọn trẻ hành hạ hơn một tiếng đồng hồ, xe bị hư hỏng khá nặng. Tổng chi phí anh phải bỏ ra để sửa chữa lên tới 10.640 tệ (hơn 35 triệu đồng).

Chủ xe sau đó đã tìm tới bố mẹ của nhóm trẻ này yêu cầu bồi thường.

Tuy nhiên, không một ai thừa nhận lỗi lầm của con cái mình. Có người cho rằng, giày trẻ con giẫm lên xe không thể bị hư hỏng nặng như vậy. Người khác lại nói: "Chỉ là nhảy lên chút xíu thôi, làm gì phải làm lớn như thế". Một phụ huynh khác đề xuất, mỗi gia đình bồi thường cho chủ xe 1.000 tệ (3,3 triệu), còn lại chủ xe tự chi trả "Ai bảo anh để xe ở chỗ đó", họ lấy lý do.

Do hai bên không thể hòa giải, chủ xe đã khởi kiện lên tòa án.

Cha mẹ của những đứa trẻ trên bảo vệ và yêu thương con cái họ như vậy, có thực sự tốt cho bọn trẻ? Tôi có thể khẳng định là không, bởi tình yêu nào cũng cần phải có giới hạn.

Cha mẹ là người định hướng cho con cái, khi con cái mắc lỗi, cha mẹ phải kịp thời sửa lỗi cho con.

Những cây cao lớn không bao giờ mọc tùy tiện mà cần cắt tỉa kịp thời những cành cong queo. Giáo dục con cái cũng vậy, cần phải chỉnh sửa từ khi chệch hướng thì lớn lên chúng mới trở thành những người có ích cho bản thân và xã hội.


                                                                                       Vì cô bé 7 tuổi không hé răng nửa lời khi bị phát hiện ăn trộm đồ trong siêu thị, mẹ cô bé đã gọi cảnh sát đến giải quyết.

Vài ngày trước, câu chuyện "Bé gái 7 tuổi lấy trộm đồ chơi và mẹ đã gọi cảnh sát" xuất hiện trên Weibo khiến người dùng mạng bàn luận sôi nổi.

Cô bé này đã lấy những quả trứng đồ chơi trong siêu thị và bị nhân viên bắt quả tang. Qua camera, siêu thị cũng phát hiện đây không phải lần đầu cô bé làm điều này. Nhưng dù người mẹ và nhân viên có hỏi gì thì cô bé cũng im lặng, quyết không hé răng nửa lời.

Không có cách nào khác, người mẹ đành gọi cảnh sát với mong muốn giúp đỡ giáo dục con gái cô. Sau hơn một giờ thuyết phục, cô bé 7 tuổi thừa nhận mình đã lấy những quả trứng đồ chơi vì không có tiền mua.

"Xin lỗi, cháu đã sai.." Cuối cùng cô bé đã nhận ra sai lầm của mình. Cô lấy hết can đảm để xin lỗi nhân viên và mẹ, đồng thời hứa sẽ không bao giờ làm những chuyện như vậy nữa.

Người mẹ sau đó đã bồi thường đầy đủ cho cửa hàng đồ chơi. Nhưng hành động của bà bị một số người chỉ trích "Việc bé xé ra to. Người mẹ đã làm tổn thương lòng tự trọng của đứa trẻ và sẽ gây ra một vết nhơ trong tâm hồn trẻ thơ".

Nhưng nếu người mẹ chỉ bồi thường và ngăn cản trẻ nhận lỗi lầm thì có bị lên án không?

"Cha mẹ luôn cho phép trẻ mắc lỗi bởi đây là một phần của quá trình trưởng thành. Nhưng trong khi chúng ta cho phép, phải hướng dẫn trẻ cách sống trách nhiệm và có lý trí với mọi hành động mình làm", vị cảnh sát đã thuyết phục cô bé 7 tuổi nói.

Cũng theo vị cảnh sát này, giáo dục con trẻ không có khái niệm "chuyện bé xé ra to". Trẻ mắc lỗi cần được sửa chữa kịp thời trước khi mọi việc vượt quá tầm kiểm soát.

"Cuộc đời không giống như một căn phòng ấm áp. Khi trẻ tiếp xúc với gió độc, chúng cần phải sớm được dậy cách phòng tránh để tránh gây tổn thương cho chính mình", vị cảnh sát chia sẻ thêm.

Tình yêu chân chính là trẻ con được giáo dục đầy đủ

Ngày 10/7, Bảo tàng thủy tinh Thượng Hải cho biết một hiện vật trong bảo tàng có giá 450.000 tệ (1,5 tỷ đồng) đã bị phá hủy.

Vụ việc bắt đầu từ ngày 30/5 khi hai đứa trẻ trèo qua hàng rào khu trưng bày chơi trò đuổi bắt và làm hư hỏng một lâu đài kính trong bảo tàng. Được biết, lâu đài kính nằm trong bộ sưu tập của anh em nghệ sĩ nổi tiếng thế giới Arribas chế tác trong 500 giờ. Đối mặt với một vật quý giá như vậy, thời gian và tiền bạc sửa chữa lại đương nhiên không hề ít.

Cha mẹ của hai đứa trẻ này không hề trốn tránh trách nhiệm. Họ khuyến khích con mình chủ động tìm nhân viên bảo tàng trình báo và nhận lỗi, đồng thời đề nghị bồi thường.

"Đừng trốn tránh trách nhiệm làm cha làm mẹ và đừng biện minh một cách mù quáng cho những lỗi lầm của con cái mình", người cha của một trong hai đứa trẻ nói.


                                                                              Bức thư khiếu nại gửi cho Bảo tàng Quảng Đông phàn nàn việc không cho trẻ con mang đồ ăn và chạy nhảy trong bảo tàng.

Sự việc này khiến tôi nhớ lại một lá thư khiếu nại mà Bảo tàng Quảng Đông nhận được cách đây không lâu. Trong đó, người viết phàn nàn rằng các nhân viên quá khắt khe khi không cho mang đồ ăn và không để trẻ chạy chơi lung tung trong bảo tàng.

Người phụ nữ gửi lá thư này viết to dòng chữ "Điều này không phải đang đè nén tính học hỏi của trẻ con sao? Khách hàng luôn là thượng đế, tại sao lũ trẻ phải chấp nhận việc này?"

Trước câu hỏi phi lý của người mẹ, giám đốc bảo tàng Quảng Đông – người tiếp nhận bức thư khiếu nại - nói rằng: "Đè nén tính học hỏi của trẻ con" là cụm từ được sử dụng để che giấu sự thiếu giáo dục của cha mẹ. Mọi sự thiên vị và đòi hỏi vô lý sẽ chỉ đẩy những đứa trẻ xuống vực thẳm".

Câu trả lời của vị giám đốc khiến tôi nhớ tới một đoạn độc thoại trong bộ phim tài liệu "Tấm gương".

"Tôi là một tấm gương. Khuôn mặt tôi có thể cho thấy tôi chung thủy với cha mẹ mình như thế nào. Cả bên ngoài và bên trong tôi đều giống họ".

Trách nhiệm cơ bản nhất của các bậc làm cha làm mẹ là dạy con cách cư xử đúng đắn.

"Làm cha mẹ, ngoài việc là chiếc ô che chở con cái, cũng nên là ngọn đèn soi đường cho con thiết lập những giá trị chuẩn mực", vị giám đốc bảo tàng Quảng Đông từng nói.

Theo vnexpress