Kính gửi ba mẹ của con,

Sáng nay, cô giáo con giao bài về nhà: “Hãy viết một bài văn thuyết phục người khác bỏ thói quen lạm dụng điện thoại di động”. Giờ đây, trước tờ giấy trắng, trong con bỗng có thật nhiều suy nghĩ. Tự nhiên con muốn viết vài dòng gửi ba mẹ vì chợt nhận ra tự lúc nào chúng ta đã không còn viết cho nhau kiểu: “Mẹ ơi, ngày phụ nữ thiệt vui nha! Con yêu mẹ”, “Ba ơi, hộp thuốc lá của ba là do con nghe lời bà nội, giấu đi dưới ghế salon ngay cạnh bình hoa đó” hay “Con sẽ về lúc 9 giờ, mẹ đón con nhé”, “Chúc mừng sinh nhật con gái bé bỏng của mẹ…”…

Từ lúc nào cả nhà mình không chạm vào nhau nữa mà ai nấy chỉ chăm chăm chạm vào điện thoại?

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
 

Con nhớ mình từng lăng xăng chạy theo mẹ vò bột năng nấu trà sữa, mặt mũi lem nhem. Con nhớ mình từng ngồi với mẹ và ngoại trong sân vườn đầy nắng ở quê, trầy trật gói cái bánh tét đầu tiên, được ông ngoại nâng niu làm dấu riêng khi hấp, rồi khoe với cả nhà suốt nhiều ngày sau đó. Con nhớ mình từng mỗi ngày ngồi sau, ôm chặt lấy tấm lưng vững chãi của ba, đến lớp đàn, lớp tiếng Anh, lớp múa, nghe ba kể bao chuyện, luôn bắt đầu bằng “Hồi xưa, ở quê…”.

Rồi con có điện thoại… Như mọi thứ mới mẻ trên đời, nó cuốn con vào đó. Facebook, Instagram, phim, game… cơ man là thứ. Tất cả rộng lớn và thú vị còn con của ba mẹ thì nhỏ bé, ngây ngô. Con cười vui, buồn bã, thất vọng theo những người bạn con chỉ biết qua thế giới ảo. Con mong ngóng cái chấm xanh cho biết một vài người con cảm mến đang online. Con bước vào một vùng chân không, rơi tự do. Cho đến kỳ thi tuyển sinh, con thi trượt tất cả các nguyện vọng để vào trường công lập. 

Lúc ấy, con đau khổ, hụt hẫng và cảm thấy giận bản thân nhiều lắm. Lúc ấy, con thèm ghê gớm cái nắm tay hay cái ôm của một người bạn thân. Nhưng, con không có bạn. Từng ấy bạn bè kề bên con bằng xương bằng thịt nhưng con chưa bao giờ thấy họ tốt đẹp, biết chia sẻ, lắng nghe. Con chỉ thấy họ thật lắm điều, rắc rối…

Lúc ấy, trên thế giới ảo cũng có nhiều người chia sẻ, an ủi con. Thế nhưng, khi mang một nỗi đau hay một nỗi buồn sâu sắc, ta mới biết cái ta cần không phải là những con chữ vô hồn và những biểu tượng cảm xúc có sẵn trên máy tính. 

Lúc ấy, con biết ba mẹ buồn và thương con. Ba mẹ càng không la mắng, càng khẽ khàng, con càng cảm thấy mình tệ kinh khủng.

Con ru rú trong phòng, ôm điện thoại xem phim, lướt web rồi coi TikTok. Con không còn thấy vui hay háo hức. Như thói quen đến bữa là ăn cơm, khi nào không làm gì là con “ôm” điện thoại, chỉ cần không cầm điện thoại là con thấy thiếu thiếu.

Ảnh mang tính minh họa - Jcomp
Ảnh mang tính minh họa - Jcomp

Chiều nay, em con nói với ba là em muốn tập xe đạp. Khi đó hình như ba đang xem phim trên điện thoại. Vẫn đeo tai nghe, ba cười với màn hình điện thoại, nói mà không nhìn em: “Rủ chị Hai đi, ba mệt”. Con đã để điện thoại ở nhà. 2 chị em con đã có một buổi chiều đầy tiếng cười. Con đã chỉ cho em một con dế đi lạc và kể em nghe về truyện Dế mèn phiêu lưu ký - món quà ba tặng năm con tròn 9 tuổi. Con phát hiện em con thật gan lì. Đầu gối xước chảy máu mà em vẫn nói: “Em không sao”.

Lâu rồi 2 chị em con mới có buổi ăn tối mà món nào tụi con cũng thấy ngon. Cũng hình như lâu rồi con mới xung phong rửa chén phụ mẹ. Một ngày thật vui, mẹ ạ! Ngồi viết những dòng này, con ước gì mẹ đừng mải lướt web khi con khoe: “Con rửa chén xong rồi nha mẹ!”. Thay vào đó, mẹ nhìn con và khen một tiếng hay hỏi câu gì đó chứ không phải câu: “Suốt ngày “ôm” điện thoại, không biết giúp mẹ được mấy ngày!”.

Mẹ ơi, thực ra con vẫn muốn có bạn bè, có gia đình mình, có trải nghiệm và kỷ niệm. Con muốn chạm vào mọi người để yêu thương và được yêu thương. Chúng ta cùng cố gắng được không ba mẹ? 

Theo phụ nữ TPHCM