leftcenterrightdel
 Gánh nặng tài chính đè nặng lên vai phụ huynh có con du học nước ngoài  do đồng tiền mất giá. (Ảnh minh họa)

Phụ huynh của nhiều sinh viên Hàn Quốc du học nước ngoài đang chật vật thắt chặt chi tiêu, giữa lúc giá trị đồng won với đô la Mỹ có sự chênh lệch lớn nhất trong vòng 13 năm qua.

Theo Yonhap, vào ngày 23/6, tỷ giá đồng won so với đồng đô la Mỹ đã rơi xuống mức thấp nhất trong vòng 13 năm ở mức 1.301,8 won đổi 1 USD. Tuy nhiên, tới ngày 12/7, sự chênh lệch còn tiếp tục được nới rộng ở mức 1.312,1 won đổi 1 USD, giữa lúc mối lo về nền kinh tế toàn cầu suy thoái ngày càng gia tăng. 

Việc đồng won mất giá khiến chi phí sống của các sinh viên Hàn Quốc ở nước ngoài vốn dựa vào nguồn chu cấp tài chính của bố mẹ càng trở nên khó khăn.

Bà Kim (51 tuổi) và cậu con trai (24 tuổi) đang du học ở Mỹ đang phải thắt chặt chi tiêu do đồng won bị trượt giá.

“Tôi đang chịu sức ép khủng khiếp từ việc đồng won mất giá. Tôi kiểm tra tỷ giá hối đoái hàng ngày để gửi tiền cho con trai. Con trai tôi cũng nói rằng nó đang phải tìm mua những mặt hàng thực phẩm giá rẻ hơn và săn các phiếu giảm giá, bởi chi phí sống ngày càng tăng cao”, bà Kim nói.

Cũng theo bà Kim, khả năng cậu con trai sẽ không mua vé máy bay để trở về Hàn Quốc nghỉ hè, do giá vé máy bay cũng tăng đột biến thời gian gần đây. Bà Kim nhấn mạnh gánh nặng tài chính đối với gia đình khi con trai đi du học ở Mỹ trong 7 năm qua chưa bao giờ lớn như lúc này.

Một người mẹ khác (54 tuổi) cũng chia sẻ câu chuyện có con đang du học ở Canada. Bà cho biết mình cảm thấy đau tim mỗi khi chứng kiến đồng won trượt giá.

“Tôi từng đổi 800 – 900 won lấy 1 USD, nhưng nay dãy số đã tăng lên thành 4 chữ số. Tất cả phụ huynh có con đi du học ở Mỹ hay Canada như tôi đều có chung tâm trạng”, người mẹ nói.

Anh Choi E-june (21 tuổi), một sinh viên tại Đại học Sogang ở Seoul, cũng đang chịu áp lực tài chính khi chuẩn bị cho hành trình du học vào cuối năm nay theo chương trình trao đổi sinh viên.

“Khoản ngân sách ban đầu của tôi đã bị phá vỡ, bởi nó được tính toán dựa trên tỷ giá hối đoái thấp hơn so với hiện tại nhất là khoản phí cho nhà ở”, anh Choi tâm sự.

“Tôi đã để dành khoảng 2 triệu won (1.532 USD) để đi tới Mỹ trước 10 ngày nhập học, nhưng khoản ngân sách này đã được dùng hết cho việc mua vé máy bay và đặt trước phòng ở, do tỷ giá hối đoái ngày càng tăng cao”, anh Choi nói thêm.

Tờ Korea Times từng nhận định sự suy yếu của đồng won có thể là “con dao hai lưỡi” đối với nền kinh tế Hàn Quốc. Bởi sự mất giá nhanh chóng của đồng nội tệ sẽ gây hại nhiều hơn là có lợi, đẩy lạm phát gia tăng và tác động sâu rộng đến toàn bộ nền kinh tế.

Trên thực tế, khi phần lớn quy định phòng chống dịch bệnh Covid-19 được gỡ bỏ trên toàn thế giới, số lượng sinh viên Hàn Quốc hiện thực hóa ước mơ được ra nước ngoài học tập cũng gia tăng.

“Tôi từng nghĩ dịch bệnh Covid-19 sẽ khiến giấc mơ tham gia khóa đào tạo trao đổi sinh viên sau khi tốt nghiệp không thể thực hiện được, nhưng nay khi nhìn những người bạn lần lượt ra nước ngoài trong kỳ học mùa xuân khiến tôi nhận ra dịch bệnh đã chấm dứt. Tôi cũng đang chuẩn bị hồ sơ để có thể ra nước ngoài du học vào mùa thu”, anh Kim (25 tuổi), sinh viên Đại học ở Hàn Quốc chuẩn bị sang Romania theo chương trình trao đổi sinh viên cho hay.

Từ tháng Một, anh Kim đã tất bật lo các giấy tờ cần thiết để hoàn thành thủ tục ra nước ngoài du học.

Một số trường Đại học ở Hàn Quốc cũng cho biết số lượng sinh viên ra nước ngoài du học đang dần khôi phục với tỷ lệ như trước khi dịch bệnh Covid-19 xuất hiện nhờ các quy định phòng dịch đã được gỡ bỏ.

Trong bài báo được Hankyoreh đăng hồi tháng Tư, số liệu được Đại học Quốc gia Seoul (SNU) công bố cho thấy số lượng sinh viên tham gia chương trình trao đổi của SNU được gửi ra nước ngoài đã giảm mạnh sau khi dịch Covid-19 bùng phát với con số 587 sinh viên năm 2019 nhưng giảm còn 140 vào năm 2020 và 123 vào năm 2021.

Tuy nhiên, số lượng sinh viên trao đổi đang dần khôi phục. Theo đó, SNU có 178 sinh viên đã ra nước ngoài tham gia kỳ học mùa xuân, và kỳ học mùa thu sẽ có 307 sinh viên.

Các trường khác của Hàn Quốc như Đại học Chung-Ang và Đại học Yonsei cũng ghi nhận xu hướng tương tự.

Theo infonet.vietnamnet