Cô Kok (góc phải, áo đen) - chủ nhiệm lớp 4GR Trường tiểu học công lập Farrer Park - hướng dẫn học sinh vệ sinh bàn ở căngtin - Ảnh: V.C.T.
Con trai tôi kể ở trường các khối lớp đều dạy cách lau bàn ăn ở căngtin sạch sẽ sau mỗi giờ giải lao. Mấy ngày đầu tụi nhỏ còn mang khẩu trang đi học, giờ thì hiếm lắm mới thấy một cái khẩu trang trên khuôn mặt của học sinh ở trường này. |
So với tuần đầu tiên ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, tình hình lo lắng, hoảng sợ trong cộng đồng phụ huynh và học sinh đã giảm dù số người nhiễm COVID-19 ở Singapore hiện chỉ sau Trung Quốc. Từ đầu tháng 2-2020, Singapore đã nâng mức cảnh báo lên màu cam (mức nguy hiểm). Không trường nào đóng cửa
Helen Sasaki (người Hong Kong, phụ huynh của Joe - bạn cùng lớp con trai tôi) từng trải qua khoảng thời gian căng thẳng của dịch SARS 2003 ở Hong Kong. Tuần đầu tiên sau kỳ nghỉ tết cô quyết định xin nghỉ ở nhà chăm sóc hai con. Joe và em trai cùng mẹ tham gia học Student Learning Space - hình thức học ở nhà theo chương trình của Bộ Giáo dục Singapore - để đảm bảo tiến độ học tập. Nhưng sau đó vài ngày con trai tôi cho biết Joe và vài bạn khác đã quay lại lớp học bình thường.
Hôm 14-2, phát biểu trên truyền hình và nhiều tờ báo lớn ở Singapore, bộ trưởng giáo dục đảo quốc này, ông Ong Ye Kung cho biết việc phụ huynh không cho con đến trường như Helen là hoàn toàn có thể thông cảm và chia sẻ. Bảo vệ con mình là ưu tiên hàng đầu của phụ huynh nhưng giữ con ở nhà cũng có những thuận lợi, khó khăn.
Bộ Giáo dục Singapore xác định khi đóng cửa trường học chưa chắc học sinh đã ở nhà. Đó là chưa kể việc cho nghỉ học sẽ làm gián đoạn chương trình giảng dạy, làm xáo trộn cuộc sống của phụ huynh.
Mấy ngày đầu đi học lại, nhà trường đã yêu cầu học sinh phải mang theo cặp nhiệt độ điện tử để trẻ tự đo thân nhiệt mỗi ngày và ghi vào handbook (giống như sổ liên lạc). Tôi còn sợ hơn, bắt thằng bé mang khẩu trang. Một lọ nước rửa tay khô đã được gắn ở balô của con mỗi ngày đến trường.
Thay vì tập trung ở sân trường mỗi sáng để chào cờ, Trường Farrer Park của con tôi đã thay đổi phù hợp tình hình dịch COVID-19: phát thanh qua loa quốc thiều, quốc ca Singapore và học sinh sẽ hát quốc ca trong lớp. Sau đó các học sinh lấy cặp nhiệt độ ra tự đo cho mình và ghi vào sổ tay. Riêng thứ ba và thứ sáu thì kiểm tra thân nhiệt hai lần. Con gái tôi học trường mẫu giáo thì đo thân nhiệt hai lần một ngày.
Chủ động cung cấp thông tin
Phụ huynh như chúng tôi thường được cập nhật tình hình bệnh dịch, các biện pháp phòng ngừa và những hoạt động liên quan đến COVID-19 ở trường, lớp qua các ứng dụng của Bộ Giáo dục (Parent Gateways, Class Dojo...).
Ngược lại, chúng tôi cũng phải thông báo cho giáo viên chủ nhiệm tình hình sức khỏe của con, kế hoạch và nơi đã đi du lịch trong kỳ nghỉ tết, đặc biệt là câu hỏi có đi đến Trung Quốc không. Trong 622 học sinh của Trường tiểu học công lập Farrer Park nơi con tôi đang học có một bạn đã phải cách ly 14 ngày.
Trước tết, con trai tôi thông báo đã được chọn vào nhóm đại diện trường đi giao lưu tennis với các bạn trường tiểu học công lập khác nên ngoài giờ thể dục thông thường con phải ở lại trường thêm một buổi để tập luyện. Cháu rất háo hức chờ các trận đấu sau kỳ nghỉ tết nhưng các hoạt động giao lưu liên trường, dã ngoại, tham quan trung tâm khoa học... đã được Bộ Giáo dục lên kế hoạch trước đều phải dời lại và chờ thông báo vào cuối tháng 3.
Các trường cũng được nhắc tính toán để hạn chế tối đa tập trung đông người nên giờ giải lao ở trường cũng phải tính toán lại để không có quá nhiều lớp cùng có mặt ở căngtin. Điều này tôi nghĩ cũng dễ dàng hơn khi mỗi lớp ở Trường tiểu học công lập Farrer Park này chỉ có 25-28 học sinh, cả trường chỉ có 622 học sinh. Trong khi sĩ số trung bình ở các lớp tiểu học trong nước chắc phải gần gấp đôi mà mỗi khối lớp có đến cả chục lớp. Quả là áp lực!
Chúng tôi mỗi ngày đều nhận vài tin nhắn từ Chính phủ Singapore qua ứng dụng WhatsApp thông tin cập nhật minh bạch về tình hình dịch bệnh, cách phòng chống, vệ sinh, an toàn... Các bạn tôi thỉnh thoảng nhắn tin hỏi Singapore nhỏ thế mà lại có con số người nhiễm Covid-19 hiện chỉ đứng sau Trung Quốc, tôi có sợ không? Thực sự có. Tôi vẫn phải mang khẩu trang mỗi khi đi làm, đặc biệt là phải dùng phương tiện công cộng để di chuyển.
Nhưng điều cần thiết giúp tôi cũng như các con cảm thấy bớt lo là sự chuẩn bị tốt, nhiều người hiểu rõ cơ chế lây nhiễm và các biện pháp phòng chống. Con cái chúng tôi được học và luôn nhắc nhở cách tự chăm sóc tốt cho bản thân cũng như quan tâm tới mọi người. Trong cộng đồng mà ai cũng biết tự chăm sóc và bảo vệ mình, giữ gìn môi trường sạch sẽ và quan tâm đến người khác thì tôi tin bệnh dịch COVID-19 rồi sẽ sớm bị đẩy lùi.
Học cách vệ sinh cá nhân Ở trường mỗi tuần con tôi có ba tiết học môn giáo dục công dân và tính cách (CCE), trong đó đề cập nhiều thông tin về bệnh dịch và khả năng lây nhiễm của chủng virus mới COVID-19. Tụi nhỏ đều biết số người nhiễm virus đang ngày càng tăng ở Singapore và tốc độ lây lan nhanh chóng của bệnh dịch này ở Singapore và thế giới. Các con cũng được học kiến thức cơ bản như vệ sinh cá nhân sao cho sạch, rửa tay như thế nào cho đúng và cách đeo khẩu trang phù hợp. Mỗi lớp đều có vài chai nước rửa tay khô để rải rác trong lớp bên cạnh những chỗ rửa tay có nước và xà bông có sẵn ở trường. |
Theo tuoitre