Lâm Duy vừa trúng học bổng hơn 4 tỉ đồng từ những trường ĐH xếp hạng cao - ẢNH THƯ HOÀI

Học bổng hơn 4 tỉ đồng sau quá trình tự học tiếng Anh, ôn SAT

Tin Trần Phước Lâm Duy, 18 tuổi, học sinh Trường THPT chuyên Bảo Lộc, Lâm Đồng vừa trúng tuyển 5 trường ĐH ở nước ngoài khiến nhiều bạn bè ngưỡng mộ. Trong 5 trường Duy được thông báo trúng tuyển có Aalto University, KU Leuven, City University of Hong Kong, Hong Kong Polytecnic University, Hong Kong Baptist University.

Đáng chú ý, Trường Aalto University của Phần Lan xếp hạng 127 thế giới theo tổ chức xếp hạng thế giới QS công bố (QS Ranking 2021), trao học bổng học lên thạc sĩ cho Duy, tổng trị giá hơn 1 tỉ đồng. Còn KU Leuven của Bỉ xếp hạng 84 theo QS Ranking 2021.

Duy (bìa phải), người giành học bổng từ những nỗ lực của bản than - ẢNH NVCC

Không chỉ vậy, mới đây Duy cũng chinh phục thêm học bổng toàn phần trị giá hơn 3,2 tỉ đồng của VinUni, bạn chính thức nhập học ngành quản trị kinh doanh vào tháng 10.2020. Không giản đơn để Duy được đặt bước chân vào ngôi trường này. Hành trình đó, có thể gọi tên bằng sự kiên trì, bản lĩnh.

Bức thư khiến nhiều người sửng sốt

Duy chia sẻ, bạn đã vượt qua vòng thứ nhất nộp hồ sơ. Đến vòng thứ 2 phỏng vấn vào VinUni, Duy rất tự tin nhưng kết quả cuối cùng lại khiến bạn sốc, Duy đã trượt. Không để im cho sự thất bại lần này đánh gục mình, Duy viết một lá thư cho hội đồng tuyển sinh nhà trường. Duy mạnh dạn đề xuất trường “nên xem xét ưu tiên cho học sinh đến từ tỉnh lẻ, vùng sâu vùng xa với môi trường học tập thiếu thốn trong quá trình xét tuyển nhưng không làm ảnh hưởng tới cơ hội của các bạn từ thành phố lớn”

Duy chia sẻ với người viết: “Sau này khi đọc hồ sơ của những bạn nhận được học bổng, IELTS 8.5, SAT 1580 rồi đến các hoạt động ngoại khóa khủng, tôi hiểu vì sao mình rớt. Hơn thế nữa, tôi nghĩ rằng ở Bảo Lộc có rất nhiều bạn trẻ tài năng nhưng dù cố gắng thế nào cũng không thể có hồ sơ tốt như vậy, tôi nghĩ đó là một thiệt thòi và tôi muốn có sự bình đẳng hơn”.

Trong lá thư dài hơn 2.400 chữ, Duy trình bày nhiều luận điểm khúc chiết. “Các bạn học sinh từ tỉnh lẻ thực sự có tiềm năng thành công (năng lực, quyết tâm và cam kết dấn thân) không thua gì so các bạn từ các thành phố lớn nhưng các bạn bị thiếu các xúc tác quan trọng để phát triển (người hướng dẫn và định hướng, môi trường trong và ngoài trường học, cơ hội đi để học, những tấm gương sống về thành công để tin vào bản thân…).

Duy tự tin viết thư, bày tỏ chính kiến trường học nên ưu tiên học sinh ở những tỉnh lẻ, vùng sâu xa - ẢNH NVCC

Vì vậy để có được profile (hồ sơ) tốt, hay để thành công trong tương lai như các bạn ở thành phố lớn, các bạn tỉnh lẻ phải cố gắng hơn rất nhiều lần… Trao cơ hội cho một bạn ở tỉnh lẻ, thành công nhất định đó sẽ truyền cảm hứng cho nhiều bạn trẻ khác tại địa phương dám ước mơ, kéo theo đó là sự phát triển tích cực của các hoạt động ngoại khóa có giá trị cho xã hội, phong trào rèn luyện bản thân, rèn luyện tư duy và sự nâng cấp chung của giới trẻ một địa phương”, Duy viết trong thư

Không quá lâu sau khi lá thư được gửi đi, Duy được mời lên phỏng vấn lần 3, hội đồng tuyển sinh hỏi thêm một số điều về hoàn cảnh của em, những cách mà em học tập, hoạt động ngoại khóa ở Bảo Lộc và để Duy tự đặt câu hỏi ngược lại. Lần này, Duy đã chinh phục hội đồng tuyển sinh.

“Cả cha mẹ và tôi đều băn khoăn khi đứng trước những cơ hội các trường ĐH ở nước ngoài, và ĐH ở trong nước, chọn cái nào đây? Nhưng, người quyết định cuối cùng là tôi, bởi tôi sẽ là người đồng hành với nó trong hơn 4 năm, tôi chọn học ở Việt Nam”, Duy nói về sự lựa chọn.

Thanh xuân không phải “đi trốn với anh”

Không phải cuộc sống luôn trải sẵn hoa hồng với Trần Phước Lâm Duy, chàng học sinh trên cao nguyên. Duy chia sẻ, trong một chiếc điện thoại cũ bạn luôn có một trang để sẵn là “fail-to-do list” để liệt kê những thứ mình đã thi rớt. “Tới giờ đến số 20 rồi mà chưa muốn dừng nữa”, Duy nói vui.

Đó là lần thiếu 0,5 /110 điểm để đạt huy chương đồng cuộc thi Olympic truyền thống 30.4. Năm lớp 11, Duy cũng thất bại khi nộp hồ sơ cho các tổ chức xã hội nhưng chỉ nhận được những lời từ chối. Hè lớp 11, Duy lên TP.HCM để thi toán bằng tiếng Anh, kết quả, Duy rớt, những bạn bè ngồi cạnh là học sinh trường chuyên Lê Hồng Phong, Phổ thông năng khiếu đậu.

Nam sinh trong đội tuyển tiếng Anh dự thi học sinh giỏi cấp tỉnh Lâm Đồng, giành giải 3 lớp 11 và giải nhì lớp 12,  cho biết bản thân rất nỗ lực để tự ôn thi IELTS và SAT. Điểm IELTS của Duy là 7,5/9. Sau thời gian tự ôn thi SAT căng thẳng, nhiều thời điểm như muốn trầm cảm, lần đầu Duy đạt 1280/1600 điểm. Không nản chí, Duy tự về ôn tiếp, lần thứ 2 đã đạt 1410 điểm.

Duy (ngồi, bên phải) cho rằng thanh xuân nên dành để học, đừng sợ thất bại - ẢNH NVCC

Sau nhiều lần thất bại, Duy hiểu ra mình đang ở tuổi trẻ, là tuổi để học, không có gì phải mất. Phải dám nghĩ, dám làm. Thất bại cũng cho mình nhiều bài học. “Tôi luôn nghĩ là làm nhiều, chơi ít. Nếu thất bại thì học. 'Thanh xuân' là để học, học để hiểu mình và để cống hiến cho đất nước, không phải để 'đi trốn với anh', người giành học bổng hơn 4 tỉ đồng chia sẻ vui trong một bài viết cho những bạn trẻ khác trên trang cá nhân.

Cha là một người nông dân trồng bơ, sầu riêng trong nông trại gia đình ở Lâm Đồng, mẹ là người bán cà phê, câu chuyện yêu lao động từ cha mẹ tác động tích cực tới Duy. Bạn trẻ  giành học bổng hơn 4 tỉ đồng đang vận dụng những gì học được về marketing, quản trị kinh doanh để giúp cha mẹ buôn bán nông sản, cà phê tốt hơn. Tuy nhiên, mong muốn sau cùng, Duy vẫn muốn được làm về giáo dục. Bởi, chỉ có giáo dục mới có thể đổi thay cuộc đời của mỗi con người và giúp người trẻ có thể tạo ra sự thay đổi lớn cho cộng đồng, đất nước.

Theo thanhnien