Một thiếu nữ 14 tuổi ở Đắk Lắk nhắn tin vay tiền đối tượng Bùi Thanh Nguyên (21 tuổi, trú tại TP.Buôn Ma Thuộc) vào đầu tháng 5. Cô bé phải thế chấp 3 đoạn clip và 1 ảnh nóng để vay số tiền 45 triệu đồng.
Đến khi mất khả năng trả nợ, Nguyên đã phát tán hình ảnh, clip "nóng" của thiếu nữ lên mạng xã hội và gửi cho người thân để tạo sức ép đòi nợ khiến gia đình khốn đốn.
Đây không phải trường hợp cá biệt khi các bạn trẻ nông nổi, dại khờ bị lời dụ dỗ ngon ngọt, lời rủ rê của kẻ xấu, câu kích động của đám đông để hành xử khác lạ, đẩy mình đến chỗ hiểm nguy. Những đứa trẻ sa chân vào cạm bẫy trên mạng nhiều lắm, một khi đã "dính lầy" sẽ tạo thành vết nhơ khó tẩy…
Hành xử bạo lực sau xích mích nhỏ nhặt, kéo bè kéo cánh gây hỗn chiến, sa đà vào những thú vui không lành mạnh như chat sex, khoe thân, vay tiền "cấn" ảnh nóng, clip phản cảm… Bao vụ việc trưng ra trên mạng xã hội bấy lâu nay thật sự đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về nguy cơ bọn trẻ hành xử lệch lạc trên không gian mạng.
Khi người trẻ đang mỗi ngày trưởng thành cùng mạng xã hội, cuồng thế giới ảo hơn cả cuộc đời thực thì mong lắm thay mỗi phụ huynh lấn cấn câu hỏi ấy trong lòng để dò, soi và thấu hiểu, đồng hành!
Nền tảng công nghệ số đang kéo bọn trẻ vào sâu hơn vào những thú vui giải trí lành mạnh lẫn phản cảm, cuốn bọn trẻ trôi dạt vào những mối bận tâm tích cực lẫn tiêu cực, đẩy bọn trẻ trượt dài trong những hành vi có phần lệch chuẩn, thậm chí là sai trái, phản cảm.
Bọn trẻ với ý thức non nớt, ít cảnh giác trước cạm bẫy và thiếu hụt kỹ năng bảo vệ mình đang bị thế giới ảo thu hút. Trong bối cảnh học tập trực tuyến và hạn chế không gian vui chơi, sinh hoạt như thời gian qua, thời gian tiếp xúc với mạng ảo càng tăng lên, đồng nghĩa với việc "luồng khói độc" từ không gian mạng có cơ hội lấn lướt và chen chân vào tâm trí trẻ nhiều hơn bao giờ hết.
Chúng ta không thể tách biệt con trẻ với mạng xã hội nhưng hoàn toàn có thể đồng hành cùng con, định hướng với con về cách bảo vệ bản thân trên không gian mạng, đặc biệt là trang bị cho trẻ các kỹ năng tránh rơi vào những cái bẫy điếng người: quan hệ đồng tính, vay tiền "cấn" ảnh nóng…
Bên cạnh đó, để điều tốt đẹp được lan tỏa sâu rộng và cái xấu bị chìm nghỉm trên không gian mạng, cần lắm sự chung tay hành động của nhà trường cũng như các cơ quan chuyên trách ban hành văn bản hướng dẫn sử dụng mạng xã hội một cách hiệu quả.
Xây dựng văn hóa ứng xử tử tế, văn minh trên không gian mạng và trở thành công dân số thông minh - Đó là khát vọng lớn lao cần sự nỗ lực miệt mài của tất cả chúng ta!
Theo dantri.com.vn