Đạo diễn Lê Lâm

Chiều 16/6, tại Trung tâm văn hóa Pháp, Hà Nội đã diễn ra buổi chiếu phim tài liệu "Công binh: Đêm dài Đông Dương" và buổi tọa đàm với đạo diễn Việt kiều Pháp Lê Lâm.

"Công binh: Đêm dài Đông Dương" là một phim tài liệu khai thác một góc khuất lịch sử mà ít người biết đến. Bộ phim ghi lại lời của 20 nhân chứng trong số 20.000 thanh niên Việt Nam bị cưỡng bức sang Pháp làm lính thợ. Đó là một trang sử đau thương và dường như đã bị lãng quên.

Trước Thế chiến thứ Hai bùng nổ, chính quyền thực dân động viên, cưỡng bức hai vạn thanh niên Việt Nam sang Pháp làm việc thay thế công nhân trong các xưởng sản xuất vũ khí phải ra trận chống phát xít Đức. Bị hiểu lầm là lính đánh thuê nên họ đã bị quân đội Hitler hành hạ và bị các ông chủ bù nhìn Pháp bóc lột thậm tệ. Những lính thợ Việt đã phải sống một cuộc sống đày ải, bi thảm trên đất Pháp dưới sự thống trị của phát xít Đức. Họ chính là người đầu tiên trồng lúa, làm ra những hạt gạo ở Carmague, miền Nam nước Pháp. Sống trên đất Pháp giữa chế độ thực dân, nhiều người trong số họ vẫn luôn nhớ về Việt Nam, họ góp công, góp sức ủng hộ cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng đạo diễn Lê Lâm đã tạo nên sức thuyết phục khi dùng ngôn ngữ điện ảnh thể hiện, bằng cách tiếp cận nhân văn, khiến cho những vấn đề quá khứ thật sự rung động đối với khán giả, đặc biệt là thế hệ trẻ. “Đó cũng là một trong những bằng chứng để chúng ta trở lại với quá khứ, sự có mặt của một số hậu duệ của những nhân vật trong bộ phim này cho thấy một trách nhiệm rất lớn và với tư cách là một người làm lịch sử, tôi nghĩ rằng trách nhiệm đó trước hết là của giới lịch sử. Sự lãng quên là một yếu tố lẽ ra là một phần trách nhiệm mà giới sử học góp phần khắc phục”, Nhà sử học Dương Trung Quốc chia sẻ.

Đạo diễn Lê Lâm cho biết, mục tiêu của bộ phim là giúp các thế hệ sau hiểu rõ hơn một trang lịch sử Pháp-Việt, đặc biệt của những người lính thợ Việt ở Pháp. Họ đã tham gia rất mạnh vào các phong trào yêu nước của ta thời kì đó. "Như các bạn đã xem, nhiều người con, người cháu không hề biết về quá khứ của ông, cha họ và tôi mong muốn thế hệ sau hiểu biết những gì mà thế hệ trước đã trải qua". Đạo diễn Lê Lâm chia sẻ, hơn 100 buổi chiếu phim và tọa đàm ở các tỉnh ở Pháp, buổi nào cũng có những người con, người cháu của các bác lính thợ chủ động tìm đến và chia sẻ, họ rung động sâu sắc và rất cảm ơn khi lần đầu tiên được biết đến quá khứ của ông cha mình.

Bộ phim "Công binh: Đêm dài Đông Dương" được trình chiếu 3 buổi trong tháng 6 tại Trung tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội - L'Espace (24, Tràng Tiền, Hà Nội) để tạo cơ hội cho khán giả, đặc biệt là thế hệ trẻ có cơ hội tìm hiểu thêm về khía cạnh lịch sử chưa từng được biết đến rộng rãi.

Đạo diễn Lê Lâm sinh năm 1948 tại Hải Phòng, ông sang Pháp du học từ năm 1966 tại trường Bách Khoa (École Polytechnique) nhờ chương trình học bổng. Ông không còn xa lạ với giới điện ảnh Việt Nam, đặc biệt với vai trò là đạo diễn, biên kịch của nhiều tác phẩm xuất sắc về Đông Dương như: Long Vân Khánh hội (1981), Đế chế tàn vụn (1984), 20 đêm và 1 ngày mưa (2006) và gần đây nhất là "Công binh: Đêm dài Đông Dương".

"Công binh: Đêm dài Đông Dương" đã đoạt Giải Licorne d’Or tại Liên hoan phim Amiens vào năm 2012 và đoạt Giải Nhất của Hội đồng giám khảo Liên hoan Pessac. Phim còn có hai đề cử tại Festival Amsterdam lần thứ 25 và tại Festival phim Hong Kong lần thứ 37.

 

Theo Quehuongonline