|
|
Tỷ lệ các trường đại học Mỹ theo đuổi xu hướng quốc tế hóa giáo dục giảm dần trong nhiều năm, kể cả khi trước đại dịch. Ảnh minh họa:Unsplash. |
Đại dịch Covid-19 là một trong những nguyên nhân lớn làm gián đoạn quá trình quốc tế hóa của các trường đại học Mỹ. Tuy nhiên, theo khảo sát của Hội đồng Giáo dục Mỹ, lãnh đạo các trường đại học trên toàn quốc gia này vẫn có cái nhìn lạc quan về tương lai quá trình toàn cầu hóa giáo dục đại học.
Dần không chú trọng quốc tế hóa giáo dục
Theo báo cáo "Bản đồ quốc tế hóa tại các cơ sở giáo dục Mỹ" năm 2022, 60% trường đại học cho biết mức độ quốc tế hóa của họ trong thời kỳ đại dịch là thấp hoặc rất thấp. 47% đơn vị cho biết các hoạt động quốc tế hóa của họ đã tăng tốc trong những năm trước đại dịch, từ 2016 đến 2020.
Tuy nhiên, lãnh đạo các trường đại học vẫn có cái nhìn tích cực về nỗ lực quốc tế hóa trong tương lai. 2/3 trong số họ dự đoán mức độ quốc tế hóa của trường mình sẽ tăng lên trong 5 năm tới.
Mặc dù vậy, báo cáo lại cho thấy nhiều trường đại học đã chuyển hướng khỏi xu hướng quốc tế hóa giáo dục từ khi trước đại dịch. Vào năm 2016, 72% trường báo cáo nỗ lực quốc tế hóa đang tăng nhanh. Nếu so sánh với con số 47% nói trên, số lượng các trường đại học theo đuổi kế hoạch quốc tế hóa đã giảm trong những năm qua.
Trong báo cáo năm 2012, 51% lãnh đạo được hỏi cho biết quốc tế hóa là một phần trong thể chế trường mình. Đến năm 2017, con số này giảm xuống còn 49%. Trong cuộc khảo sát mới nhất này, chỉ 43% khẳng định trường mình còn theo đuổi quá trình quốc tế hóa.
Tương tự, tỷ lệ các trường đại học ưu tiên các chiến lược quốc tế hóa cũng giảm theo thời gian với 52% vào năm 2012, 47% vào năm 2017 và chỉ 36% trong báo cáo gần đây nhất.
Các tác giả của báo cáo không lý giải sự thay đổi này. Tuy nhiên, như Chronicle từng báo cáo, nguyên nhân dẫn đến sự thay đổi này có thể bao gồm các yếu tố như ngân sách tiếp tục bị siết chặt sau cuộc suy thoái năm 2009, hệ quả của quá trình toàn cầu hóa lên kinh tế và xã hội ngày một tăng và yếu tố chính trị ảnh hưởng đến các mối quan hệ đối tác giữa các trường đại học.
Ngoài ra, các tác giả nghiên cứu cũng bày tỏ sự nghi ngờ về cam kết quốc tế hóa của các trường đại học. Trong báo cáo mới nhất, chỉ 18% lãnh đạo được hỏi cho biết trường họ có chiến lược tạo mối quan hệ hợp tác với các trường đại học trên thế giới. Chỉ 28% cho biết trường họ đã đánh giá tác động của sự tham gia quốc tế của mình trong 3 năm qua.
Tóm lại, báo cáo cho thấy các trường đại học Mỹ dần không còn chú trọng đến quốc tế hóa giáo dục trong thời điểm hiện nay, khi đại dịch khiến hợp tác và liên kết toàn cầu trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, việc lãnh đạo các trường vẫn lạc quan về bối cảnh hiện tại có thể khiến nhiều người hy vọng những hoạt động quốc tế hóa giáo dục bị đình trệ vì đại dịch có thể tái khởi động.
Những điểm nổi bật khác
Ngoài ra, báo cáo "Bản đồ quốc tế hóa tại các cơ sở giáo dục Mỹ" năm 2022 còn cho thấy nhiều điểm nổi bật khác.
Kinh nghiệm và quan điểm của các lãnh đạo đại học về toàn cầu hóa giáo dục phân loại theo loại hình tổ chức. Ví dụ, những lãnh đạo tại các cơ sở đào tạo tiến sĩ tỏ ra lạc quan hơn về tương lai quốc tế hóa giáo dục. Cụ thể, 78% lãnh đạo kỳ vọng mức độ quốc tế hóa của trường họ sẽ tăng lên trong 5 năm tới. Trong khi đó, con số này ở lãnh đạo các trường đại học liên kết là 56%.
Tương tự, các cơ sở giáo dục đào tạo tiến sĩ và tú tài có nhiều khả năng thực tế hóa các mô hình giáo dục quốc tế hơn các trường đại học liên kết hoặc tập trung đặc biệt.
Báo cáo cũng chỉ ra mục tiêu của quá trình quốc tế hóa ở các trường đại học lần lượt là chuẩn bị cho sinh viên bước vào kỷ nguyên toàn cầu (70%), đa dạng hóa sinh viên, giảng viên và nhân viên (64%). Ngoài ra, chỉ 1/3 (khoảng 30%) lãnh đạo cho biết quá trình quốc tế hóa là để "tạo ra doanh thu cho trường" dù học phí từ sinh viên quốc tế đóng vai trò quan trọng đối với lợi nhuận của rất nhiều trường đại học.
Ngoài ra, theo báo cáo, các trường đại học đã tăng cường hỗ trợ trong và ngoài lớp học dành cho sinh viên quốc tế. 75% lãnh đạo các trường đại học cho biết trường họ có các chương trình định hướng cho sinh viên quốc tế, tăng từ 69% so với 5 năm trước. Khoảng 66% (tương đương 2/3) trường đại học cung cấp các dịch vụ hỗ trợ học tập cho từng sinh viên. Và hơn 50% trường đại học cung cấp các dịch vụ sức khỏe tâm thần cho sinh viên quốc tế - nhóm đối tượng đặc biệt dễ bị tổn thương trong đại dịch.
Ngoài ra, các cơ sở giáo dục cũng tăng cường cơ hội phát triển chuyên môn liên quan đến quá trình quốc tế hóa cho giảng viên như mở ra các hội thảo, giúp họ sử dụng công nghệ để tích hợp nhiều kết quả nghiên cứu quốc tế hơn vào chương trình giảng dạy.
Theo zingnews