Thấy túi áo có gì cồm cộm, tôi lấy ra và phát hiện 3.000 đồng đã khô cứng sau lần giặt sấy. Hẳn một hôm nào đó, tôi đã để sẵn khoản tiền lẻ vừa bằng 1 lượt gửi xe ở thư viện và quên mất. Bỗng nhiên tôi bâng khuâng nhớ những ngày rong ruổi cùng con đến thư viện.

Từ lâu, đọc sách đã trở thành thói quen yêu thích của con gái tác giả
Từ lâu, đọc sách đã trở thành thói quen yêu thích của con gái tác giả

 

3 năm trước, mẹ con tôi lần đầu đến thư viện công chỉ cách nhà 3km. Tôi rất bất ngờ khi chỉ với 20.000 đồng lệ phí và 100.000 đồng đặt cọc cho 1 năm, chúng tôi có thể thoải mái tiếp cận một “kho báu tri thức” đúng nghĩa. Rất nhiều thể loại sách, đầu sách nổi tiếng đã ngừng xuất bản hay mới xuất bản đều được cập nhật tại đây.

Không gian phòng đọc thiếu nhi rất rộng rãi, điều hòa mát rượi cả ngày. “Thế này mà còn không đọc được nữa thì thôi” - tôi nghĩ. Cũng từ đó, tôi lên kế hoạch cho các con được đọc sách nhiều nhất có thể.

Thường đến thư viện từ rất sớm và về rất muộn, tôi nhận thấy những đứa trẻ đọc tự do ở thư viện thường chỉ đọc truyện tranh. Tôi không chê truyện tranh nhưng nếu đọc nhiều quá mà không quan tâm những thể loại khác sẽ phí phạm thời gian, cũng không “khai thác” hết được sự tuyệt vời của thư viện.

Muốn các con đọc sách chất lượng hơn, tôi luôn phải đưa ra kỷ luật. 2 đứa trẻ - 11 tuổi và 9 tuổi - sẽ phải đọc sách chữ ít nhất 1 tiếng trước khi được chạm vào truyện tranh. Với đứa trẻ 7 tuổi mới biết đọc, tôi bắt buộc phải cùng con đọc những quyển truyện văn học hoặc sách kiến thức. Tôi thường chơi trò, con đọc 10 trang, mẹ đọc nối 10 trang. Cứ như vậy cho đến hết giờ đọc sách yêu cầu, con thoải mái chọn những quyển sách truyện theo ý thích.

Tôi để ý rằng mình đã “già”, việc đọc rất dễ bị sao nhãng. Nếu đọc bằng mắt, suy nghĩ của tôi sẽ chạy đi lung tung, rất khó tập trung. Nhưng mỗi lần đọc thành tiếng cùng con, tôi lại thấy mình dễ dàng nắm bắt ngôn ngữ, nội dung hơn. Những cuốn sách văn học thiếu nhi cũng mang đến cho tôi rất nhiều bài học hay, góc nhìn thú vị.

Có lần, tôi rủ một chị bạn cũng làm việc tự do như tôi, có con học lớp Ba, cùng đến thư viện. Chị nói: “Thôi, con chị không thích đọc đâu, đến đấy chắc là lại kêu chán. Kệ nó đi!”.

Tôi nghĩ khác chị. Việc có 3 đứa con với những cá tính và khả năng khác nhau khiến tôi nhận ra không phải mọi đứa trẻ sinh ra đều thích đọc sách. Nhưng bằng cách dẫn dụ đi kèm với kỷ luật, mọi đứa trẻ đều sẽ thích đọc sách.

Tôi quan sát thấy có bàn học trong phòng đọc, nếu con không chịu đọc sách theo quy định, tôi cho con lựa chọn: đọc sách hoặc làm bài tập khó. Các con đương nhiên sẽ chọn đọc sách. Khi ở nhà, tôi cho con lựa chọn: đọc sách hoặc làm việc nhà. Các con cũng thường chọn đọc sách. Hay mấy đứa trẻ nhà tôi thường thích đi quán cà phê hoặc đi chơi, tôi cũng đưa kèm điều kiện là chọn 1 quyển sách mang đi…

Tất nhiên mọi chuyện chỉ tương đối và linh hoạt theo từng nhà, từng thời điểm. Như trong nhà tôi, vẫn có danh sách những việc nhà con có trách nhiệm phải làm, không được lựa chọn. Và tôi ưu tiên việc đọc sách hơn.

leftcenterrightdel
 Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Vào năm học, các con ít có thời gian đến thư viện. Tôi tranh thủ thời gian rảnh trong ngày, chạy qua phòng đọc mượn thêm sách về nhà. Quy định mượn, trả sách rất linh hoạt, giúp gia đình tôi tiết kiệm được một khoản tiền mua sách đáng kể.

Ban đầu, trẻ có thể đọc một cách miễn cưỡng nhưng khi đã bị cuốn vào rồi thì sách có thể… gây nghiện. Tôi nhớ lần đầu tiên thấy con trai thứ hai tự cầm sách ở thư viện vào năm lớp Hai (trước đó con hoàn toàn không thích sách), tôi đã mừng phát khóc. Đến bây giờ, con có thể đọc mọi lúc mọi nơi.

Bản thân tôi vốn lười, không thích đọc và đọc chậm. Nhưng, những ngày đến thư viện cùng con cho tôi thêm động lực vượt qua những trở ngại để cố gắng hơn. Tôi cũng động viên chồng, thay vì cầm điện thoại thì cầm sách để làm gương cho con.

Tất nhiên, chúng tôi vẫn có rất nhiều lần sa đà vào những tin tức, video vô bổ trên mạng nhưng rồi lại cố gắng để quay về với mục tiêu “văn hóa đọc” trong nhà. Tôi nghĩ, làm cha mẹ luôn là một hành trình sửa sai và phấn đấu không ngừng. Và một trong những việc cần phấn đấu nhất có lẽ là đặt điện thoại xuống để cầm quyển sách lên.

Theo phụ nữ TPHCM