Tác giả Kim Dung kể về cơ duyên viết cuốn sách: “Đó là một chiều cuối đông. Tôi và hai người bạn thân hẹn nhau đến quán Lộc Vàng, quán cà phê từ lâu thành nổi tiếng, bởi ông chủ quán Lộc Vàng là người mê hát nhạc vàng đến nỗi bị đi tù. Xưa nay, chỉ nghe nói trộm cắp, giết người, tham nhũng, hối lộ... những tội tày đình mới phải đi tù. Có ai chỉ vì mê hát mà lại bị đi tù? Tôi có chút tò mò... Rồi Lộc Vàng xuất hiện. Một người đàn ông tầm thước, gầy gò, gương mặt hiền lành, có phần khắc khổ, nhưng rất cá tính với bộ ria mép đen nhánh, ngồi tiếp chuyện chúng tôi. Có lẽ năm tháng cuộc đời với những đắng cay, bất hạnh đã khiến gương mặt ông, kể cả lúc cười vẫn có gì đó rất trầm tư, buồn bã. Quả là vì ông quá mê hát nhạc vàng vào những năm tháng chính quyền cấm ngặt loại hình nhạc “yếu đuối, ủy mị” này, mà ông đã phải bước chân vào nhà tù khi tuổi đời còn rất trẻ, mới mười tám đôi mươi, cái tuổi trai tráng, sức lao động tràn đầy. Rồi ông nói về người vợ tào khang đã khuất mà ông nhất mực yêu quý, dường như có cả sự hàm ơn nữa. Và ông khóc khi nói về người đã khuất. Nước mắt một người đàn ông từng vào tù ra tội hẳn đầy nỗi ẩn khuất, dằn vặt, xót xa..”.
Cuốn sách như sự "hồi sinh" cho cuộc đời quá nhiều đau buồn của ca sĩ Lộc Vàng
Ca sĩ Lộc Vàng tên “cúng cơm” là Nguyễn Văn Lộc, nhưng ít người còn nhớ đến cái tên đó. Người ta gọi ông là Lộc Vàng, bởi đơn giản ông Lộc say mê hát nhạc vàng và sống chết với loại nhạc này. Chính cung đàn đã quyết định số phận gã trai Hà Nội năm nào, cho đến tận hôm nay, khi ông đã ngoài 70. Ở cái tuổi mà những câu chuyện rồi sẽ trôi tuột vào quá khứ, ông kể lại cuộc đời đầy sóng gió của mình. Nhiều năm trước, người ta biết đến ông trong một vụ án gây chấn động vì hát nhạc vàng mà ở tù 8 năm thì giờ đây, đó chỉ còn là kỷ niệm xa khuất, chỉ còn ông là người lãng tử bên những bài hát đã xưa nhưng không cũ.
Lộc Vàng sinh năm 1945, tuổi Ất Dậu, cầm tinh con Gà, vào cái năm đói kinh hoàng. Ông lý giải: “Có lẽ vì thế mà tôi thích gáy (hát) từ lúc còn rất trẻ. Đó là một anh bạn giỏi xem tử vi đã từng bói về tôi như thế. Anh bảo đó là tiếng gáy của con gà đánh thức bình minh nên nó cũng thường cô đơn, cô độc. Và có lẽ cũng như con gà, số phận tôi cũng lận đận, loanh quanh luẩn quẩn. Tôi mê nhạc vàng vì những nốt nhạc, và ca từ của nó khiến tâm hồn tôi bay bổng sau một ngày làm việc mệt nhọc. Có một thế giới an lành, lãng đãng, lãng mạn đắm đuối hồn tôi, một chàng thanh niên mới lớn. Tôi quên hết mọi sự bực dọc, vất vả lăn lộn đời thường mà số phận luôn phải đối mặt hằng ngày. Chỉ còn thấy một niềm sảng khoái, yêu đời và những rung cảm của con tim còn rất thơ trẻ”.
Cuộc sống luôn đầy ắp niềm vui nhưng cũng chất chứa nỗi buồn. Cách đây gần 1 năm, tại TP.HCM nhiều bạn bè, khán giả hâm mộ vận động kinh phí để tổ chức một đêm nhạc cho ông. Trước đêm diễn, ông tâm sự rằng đây sẽ đêm nhạc đầu tiên và chắc cũng là cuối đời ở vùng đất phương Nam, ‘thánh địa’ của nhạc vàng như sự tri ân của ông dành cho người hâm mộ. tuy nhiên, tới phút 89 đêm diễn như ước nguyện ấy đã không diễn ra được. Ông ra tận cửa bắt tay từng người ra về mà trên môi vẫn nở nụ cười thật tươi. Mọi người thắc mắc, ông chỉ nói đơn giản: "Đời tôi cái khổ vận vào nhiều nên quen rồi”. Một số khán giả bật khóc, thương ông.
Được sự động viên của người hâm mộ, cuốn sách Cung đàn số phận được ông kể lại một cách trung thực để tác giả hoàn thành trong vòng nửa năm. Ông tâm sự: “Tôi cám ơn NXB Hội Nhà văn, Alphabooks và tác giả Kim Dung thật nhiều. Vì nhờ có hồi ký này mà tôi đã xóa được những vết nhọ trên gương mặt mình để bước sang một trang mới, sống lại cuộc đời tươi sáng mà không còn phải mặc cảm, tủi nhục gì nữa”.
“Thật bất ngờ! Chưa bao giờ tôi hình dung cái ngày tự do lại đến với mình đột ngột dường này. Dù gắng trấn tĩnh, nhưng con tim cứ thình thịch thình thịch như trống trận. Rồi lại một cảm giác châng lâng, châng lâng đột ngột ập đến. Đứng ở trong phòng, nghe người giám thị đọc lệnh tha cho từng người, mà tôi như kẻ mộng du. Tôi luống cuống làm theo chỉ dẫn, các thủ tục được thả của cán bộ giám thị như một cái máy. Đầu óc vẫn chưa hết choáng váng. Rồi lại mải miết đi. Vừa đi vừa chạy. Dẫu là mùa xuân tiết trời còn mát nhưng đi nhanh quá người tôi nóng rực. Đến mức có đoạn gặp con suối, tôi để nguyên quần áo nhảy ùm uống tắm một lát. Dòng suối trong trẻo, êm ả, gột rửa trong tôi những muộn phiền, những mùi hôi hám vẫn vương vất trên tóc, trên áo quần…” (Trích hồi ký)
Và bây giờ hằng ngày, ca sĩ Lộc Vàng vẫn mưu sinh cùng quán cà phê nhỏ của mình nơi góc Hồ Tây, sống trọn với nghề hát và niềm đam mê nhạc vàng cháy bỏng. Tuy nhiên, theo ông quán vẫn đang bị… lỗ chổng vó nhưng còn vốn thì vẫn còn chơi tiếp để nuôi dưỡng nhạc vàng từ một địa điểm bình dân nhất… Nói tới đó rồi ông lại cười khà khà.
Theo Thanh niên