|
Chân dung Đức Từ Cung (Đoan Huy Hoàng Thái Hậu). |
Từ Cung Thái hậu sinh ngày 27/1/1890, tên thật là Hoàng Thị Cúc. Tuy sinh ra trong một gia đình quan Tri huyện nhưng từ nhỏ, Hoàng Thị Cúc đã sống cuộc sống cực nhọc, khó khăn. Ông bà Tri huyện mất sớm, Hoàng Thị Cúc còn nhỏ tuổi nên phải sống nhờ gia đình người anh trai cả Hoàng Trọng Khanh. Tuy vậy, Hoàng Trọng Khanh lại là người ham mê cờ bạc, có bao nhiêu tiền đều ném vào hết vào các chiếu bạc nên bà phải đi làm thuê, làm mướn kiếm tiền về cho gia đình từ rất sớm. Sau này, khi người anh ngày càng bê tha cờ bạc, vì gia đình quá túng quẫn, Hoàng Thị Cúc đã bị đưa vào làm cung nữ hầu hạ bà Thánh Cung Hoàng hậu và Tiên Cung Hoàng hậu - hai người vợ của vua Đồng Khánh.
Theo lời bà Lê Thị Dinh, người hầu thân cận nhất của Từ Cung Thái hậu, khi thân sinh bà Hoàng Thị Cúc là ông Hoàng Trọng Tích mất, mộ của ông được đặt tại làng Mỹ Lợi, quê gốc của dòng họ Hoàng. Một hôm có ông thầy phong thủy tình cờ đi qua làng, khi ngang phần mộ của ông Hoàng Trọng Tích, ông này đột ngột nhìn ngôi mộ và nói: “Mộ phát Hoàng hậu”. Khi nghe thầy phong thủy nói thế, nhiều người dân làng Mỹ Lợi chỉ cười, hoàn toàn không ngờ sau này lời phán đó sẽ linh ứng. Bởi không ai ngờ, cô bé nghèo Hoàng Thị Cúc sau này sẽ trở thành bậc mẫu nghi thiên hạ.
Thời gian bà Hoàng Thị Cúc làm cung nữ phục vụ bà Tiên Cung Hoàng hậu, Hoàng tử Bửu Đảo (tức vua Khải Định sau này) - con trai cả của bà Tiên Cung - mỗi lần vào thỉnh an mẫu hậu đã để ý đến cô thị nữ Hoàng Thị Cúc.
Lúc đó Bửu Đảo đang giữ chức Phụng Hóa Công và đã có vợ là con gái của đại quan đầu triều Trương Như Cương, nhưng cả hai người sống với nhau lâu mà không có con. Điều này khiến bà Tiên Cung vô cùng buồn lòng vì lo không có người nối dõi. Thế nhưng sau những lần vào thăm bà Tiên Cung và gặp thị nữ Hoàng Thị Cúc, Phụng Hóa Công đã nảy sinh tình cảm với bà, để rồi một thời gian ngắn sau, vào năm 1913, bà Hoàng Thị Cúc sinh hạ công tử Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy (tức vua Bảo Đại sau này).
Phụng Hóa Công là dòng dõi hoàng tộc nên bà Tiên Cung không hề vui lòng khi thấy con trai mình yêu và lấy một cung nữ thân phận thấp hèn. Thế nhưng việc Hoàng Thị Cúc có con với Phụng Hóa Công đã buộc Tiên Cung Hoàng hậu phải chấp nhận kết mối duyên này.
Cô cung nữ nghiễm nhiên trở thành vợ của một hoàng tử triều Nguyễn. Năm 1916, Phụng Hóa Công Bửu Đảo được tôn làm vua, lấy niên hiệu là Khải Định. Dù ông có rất nhiều người vợ xuất thân quyền quý nhưng với việc sinh hạ cho vua người con trai duy nhất, bà Hoàng Thị Cúc đã có một vị thế không thể suy chuyển trong triều đình. Bà được Khải Định phong là Nhị Giai Huệ Phi năm 1918.
|
Đức Từ Cung và vua Bảo Đại ngày nhỏ. |
Từ một cô gái có xuất thân nghèo khổ, là thân phận cung nữ hèn kém trong cung rồi trở thành ái phi của vua, trong mắt nhiều người, cuộc đời của Huệ phi Hoàng Thị Cúc quả có quý nhân phù trợ. Nhưng bà Lê Thị Dinh, cung nữ thân cận, cũng là người chứng kiến toàn bộ những năm tháng làm vợ vua Khải Định của bà Hoàng Thị Cúc cho biết, cuộc sống trong cung vua phủ chú của Huệ phi Hoàng Thị Cúc cũng đầy gian truân và nước mắt.
Tất cả mọi người đều biết sinh thời vua Khải Định là người yếu sinh lý. Không chỉ chịu cảnh giường đơn gối chiếc, Huệ phi Hoàng Thị Cúc còn chịu sự đối xử ghẻ lạnh của bà Tiên Cung. Dù đã chấp nhận mối lương duyên này nhưng việc bà Hoàng Thị Cúc không phải con nhà danh giá vẫn khiến bà Tiên Cung vô cùng ác cảm.
Khi hoàng tử Vĩnh Thụy mới chào đời, Huệ phi lập tức bị cách ly khỏi con trai. Bà Tiên Cung đón cháu nội về cung của mình, tự chăm sóc, nuôi nấng. Mỗi ngày vài lần, bà Tiên Cung cho gọi Huệ phi đến cho con bú rồi lại bắt trở về. Vì thế Huệ Phi gần như không được một ngày chăm sóc con. Những lúc nhớ con, bà cũng chỉ biết ngồi trong cung mà khóc, không dám đến gặp con, cũng không dám kêu than với Khải Định. Sau này, khi hoàng tử Vĩnh Thụy lớn hơn một chút, Huệ Phi cũng không được ở gần con. Ngày ngày, nhiệm vụ của bà là lo xem sở thiện sẽ nấu món gì cho hoàng tử ăn và phải đảm bảo sao cho các món ăn đủ chất nhất.
Mỗi lần muốn được đến thăm con, Huệ phi đều phải xin phép bà Tiên Cung, được bà đồng ý mới dám đến. Bị bà Tiên Cung đối xử ghẻ lạnh đủ điều, Huệ phi cũng chỉ biết cúi đầu chấp nhận không một lời than thở bởi bà luôn ý thức về thân phận của mình.
|
Từ trái sang phải: Hoàng hậu Nam Phương, Thái tử Bảo Long, Đức Từ Cung và vua Bảo Đại |
Sau này khi bà Tiên Cung và vua Khải Định lần lượt qua đời, hoàng tử Vĩnh Thụy lên ngôi, lấy hiệu là Bảo Đại và phong bà là Đoan Huy Hoàng Thái hậu (thường gọi là Từ Cung Thái hậu hay Đức Từ Cung). Đến lúc này, cuộc đời Từ Cung Thái hậu mới bắt đầu có những năm tháng êm đềm, an hưởng phú quý, vinh hoa.
Tuy vậy, sau khi nhà Nguyễn suy vong, Từ Cung Thái hậu lại có cuộc sống cô đơn và nghèo khó, không có con cháu bên cạnh. Theo lời bà Lê Thị Dinh, dù cuộc sống khó khăn, chật vật đến mấy, kể cả việc phải bán dần từng món đồ trang sức, thì Từ Cung Thái hậu vẫn làm tròn phận sự của mình với tổ tiên nhà Nguyễn cho đến giây phút cuối cùng.
Năm 1980, sức khỏe ngày càng yếu đi nhưng bà vẫn minh mẫn, tỉnh táo cho đến lúc mất vào ngày 9/11/1980. Những ngày tháng cuối đời, Từ Cung Thái hậu chỉ ao ước duy nhất một điều là được một lần gặp lại vua Bảo Đại - người con trai duy nhất cùng những đứa cháu nội của bà. Ước mơ đó đã không bao giờ trở thành sự thực. Đến khi mất, người duy nhất ở bên bà lúc đó là người cung nữ trung thành Lê Thị Dinh.
Vua Bảo Đại mất sau Từ Cung Thái hậu 7 năm nhưng trong thời gian đó, ông chưa một lần hỏi thăm về sự ra đi của mẹ mình. Số tiền Từ Cung Thái hậu để lại chỉ đủ để những người hầu thân cận lo ma chay cho đám tang của bà. Cuộc đời Hoàng Thái hậu cuối cùng của triều Nguyễn kết thúc trong nỗi buồn khôn tả.
Phụ nữ Việt Nam