Mùa xếp hạng Ivy League tháng 3 hàng năm là một sự kiện lớn trong giới "luyện gà nòi" ở Mỹ. Kết quả xét tuyển của đại học Harvard, MIT và các trường danh tiếng lần lượt được công bố, kéo theo tâm trạng rất đa dạng của các cha mẹ với những đứa con mà họ dày công rèn luyện.

Đây là thời đại mà "gà nòi" đang thịnh hành. Giống như nhiều quốc gia châu Á, các bậc cha mẹ Mỹ cũng quay cuồng trong việc chọn lớp học ngoại khóa, chọn trường khi chuyển cấp... Kiểu nuôi dạy con "gà nòi" ở Bắc Mỹ bắt đầu nổi lên từ những năm 1990, trong đó cha mẹ đầu tư hết khả năng và kiểm soát chặt chẽ cuộc sống của trẻ.

 
                                                    Các bậc cha mẹ Mỹ ngày càng chú trọng đến việc đầu tư cho con đạt kết quả xuất sắc từ nhỏ với mong muốn vào những đại học danh giá khi trưởng thành. Ảnh: Shutterstock.

Thành tích học tập xuất sắc là một trong những mục tiêu cơ bản của mọi "gà nòi". Thêm vào đó, việc giành giải thưởng trong các cuộc thi tài năng, cộng với các sở trường, năng khiếu của trẻ cũng được cha mẹ đầu tư, bởi đây là điều kiện cơ bản để được các trường danh tiếng ưu ái. Do đó, trẻ em Mỹ ngày nay cũng "bận bù đầu". Ngoài giờ học chính khóa, trẻ phải tham gia hoạt động ngoại khóa như các cuộc thi học thuật, nghệ thuật, thể thao hay phát triển năng lực lãnh đạo...

Theo số liệu từ Trung tâm Pew vào năm 2015, trong số các gia đình Bắc Mỹ có thu nhập hàng năm hơn 75.000 USD (tầng lớp trung lưu), 84% trẻ em đã tham gia tập luyện thể thao, 64% trẻ em là tình nguyện viên và 62% trẻ em đã học nhạc, khiêu vũ hoặc các lớp nghệ thuật khác; Ngay cả trong các gia đình có thu nhập hàng năm dưới 30.000 USD (nhà nghèo), 59% trẻ em đã tham gia tình nguyện, 37% trẻ em đã tham gia các hoạt động thể thao và 41% đã tham gia các lớp học nghệ thuật.

Cuộc chiến của các "gà nòi" bắt đầu từ mẫu giáo. Trẻ em bắt đầu học bơi lội, các môn thể thao, chơi bóng và học violin, piano, khiêu vũ khi mới 3 - 4 tuổi. Trong những năm gần đây, giáo dục STEM (viết tắt của khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học) trở nên rất phổ biến.

Thời gian biểu của một học sinh tiểu học ở Mỹ có thể so sánh với ngày làm việc của một CEO. Lịch chính khóa và các hoạt động ngoại khóa khiến trẻ gần như không còn thời gian để chơi. Giai đoạn trung học cơ sở là đỉnh cao của sự bận rộn. Giáo sư Reed W. Larson của Đại học Illinois, Chicago cho biết: "Lịch trình học tập của thanh thiếu niên đã trở thành mối quan tâm của quốc gia".

Nhiều năm trước, trẻ em Mỹ được khuyến khích sống độc lập, trong khi cha mẹ ít tham dự vào cuộc sống của con cái. Chúng chơi với các bạn cùng lứa tuổi và học cách tự mình đưa ra các lựa chọn và quyết định. Paul Fass - giáo sư lịch sử tại Đại học California từng nhận định rằng người Mỹ "tạo cho con khả năng độc lập và linh hoạt, vì họ tin rằng con cái sẽ có những khả năng và cơ hội tốt hơn trong tương lai".

Tuy nhiên, trong thời đại mà cách nuôi dạy con thành "gà nòi" lên ngôi, quyền tự do của trẻ em đã bị giảm sút đáng kể. Năm 1969, 41% trẻ em Mỹ đến trường bằng xe đạp hoặc đi bộ. Đến 2014, con số này giảm xuống còn khoảng 18%. Lý do là cha mẹ muốn giám sát cuộc sống của con, nhằm đảm bảo con cái không vấp sai lầm.

Một học giả người Mỹ cho rằng, tiêu chuẩn cha mẹ tốt trong thời đại "gà nòi" là cung cấp cho trẻ mọi thứ tốt nhất, không làm trẻ buồn phiền, chán nản, không để trẻ thất bại. Điều này dẫn đến những định nghĩa mới: Cha mẹ trực thăng. Tác giả bài viết nêu ví dụ: không thiếu trường hợp các bà mẹ đến trường "mặc cả" nếu điểm số của con không tốt.


                                                                                              Việc "luyện gà nòi" khiến trẻ em Mỹ ngày nay gần như không còn thời gian vui chơi. Ảnh: Redbook.

Năm 2019, tiến sĩ Patrick Ishizuka thuộc Đại học Cornell đã tiến hành điều tra cách nuôi dạy con cái của 3.642 phụ huynh. Bất kể chủng tộc, địa vị xã hội, địa vị kinh tế hay trình độ học vấn, tất cả đều đồng ý rằng nuôi dạy con kiểu "gà nòi" là cách nuôi dạy con cái tốt nhất.

Theo kết quả Khảo sát về việc sử dụng thời gian của người Mỹ vào năm 2017, các bậc cha mẹ Mỹ đã dành thời gian cho con cái họ nhiều gấp đôi so với cuối những năm 1970.

Cuộc chiến nuôi "gà nòi" không chỉ là cuộc cạnh tranh về thời gian và kiến thức của cha mẹ, mà còn là cạnh tranh sự giàu có. Sabino Cohenridge - một nhà xã hội học tại Đại học New York phát hiện, chi phí trung bình để nuôi dạy một đứa trẻ đến 18 tuổi hiện nay lên tới 230.000 USD. Theo phân tích của Town & Country, chi phí chăm sóc trẻ trung bình của các gia đình giàu có ở New York lên tới 1,7 triệu USD.

Một bài báo trên New York Times đã liệt kê các chi phí đáng kinh ngạc khác nhau của "gà nòi", bao gồm: các khóa học âm nhạc cho trẻ em Kindermusik có giá tới 68 USD mỗi buổi học; robot lập trình Wonder Workshop Dash dành cho trẻ em được bán lẻ với giá khoảng 150 USD, bộ Lego Mindstorms là 340 USD. Mức lương theo giờ của một giáo viên dạy nhạc tư nhân ở New York là khoảng 50 USD, giá dạy thêm ngoại khóa là 80 USD mỗi giờ... Thống kê cho thấy, lĩnh vực thể thao dành cho thanh thiếu niên ở Mỹ có thể kiếm được 5 tỷ USD từ phụ huynh mỗi năm.

Học phí của "gà nòi" đương nhiên cũng bao gồm cả việc chọn trường. Ngày càng nhiều người chọn trường tư. Các trường tư thục hàng đầu ở New York có học phí hơn 50.000 USD mỗi năm, do đó những đứa trẻ này cần tổng cộng 900.000 USD để hoàn thành chương trình giáo dục tiểu học và trung học cơ sở.

Một bài báo trên Journal of Abnormal Psychology năm 2019 đã chỉ ra rằng từ năm 2009 đến 2017, sự gia tăng trầm cảm ở thanh thiếu niên trong độ tuổi từ 14 đến 17 là hơn 60%, ở độ tuổi từ 12 đến 13 là 47%. Trong khoảng thời gian từ năm 2007 đến 2017, tỷ lệ tự tử trong giới trẻ ở Mỹ đã tăng 56%, hiện là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ hai ở những người trẻ tuổi ở Mỹ. Một cuộc khảo sát của Hiệp hội Y tế Đại học Mỹ cho thấy hơn 21% sinh viên đại học được chẩn đoán mắc chứng rối loạn lo âu vào năm 2017.

Thủ phạm chính được cho là từ cách nuôi dạy "gà nòi". Các nhà tâm lý học đã phát hiện ra rằng những trẻ được nuôi dạy bằng phương pháp này có xu hướng chịu áp lực tâm lý cao và kém độc lập, tự chủ, trẻ dễ lo lắng và có mức độ hài lòng thấp với cuộc sống.

Theo vnexpress