Những căn chòi dựng tạm trên dòng kênh ven biên giới Campuchia (xã Tuyên Bình, Vĩnh Hưng, Long An) là nơi cư ngụ của gần 30 gia đình người Việt xuôi thuyền từ Biển Hồ (Campuchia) về hơn chục năm nay.

Từ cuối thế kỷ 19 thực dân Pháp đưa người Việt sang Campuchia làm việc trong các đồn điền, hình thành những cụm dân cư tại đây. Có một cộng đồng hàng trăm nghìn người Việt sống trên vùng Biển Hồ Tonle Sap.

Gần đây, chính phủ Campuchia cho rằng người sống trên Biển Hồ "nhập cư bất hợp pháp" và giải tỏa họ. Không có giấy tờ chứng minh mình sinh ra ở Campuchia, họ phải "về" Việt Nam và mang thân phận không quốc tịch, giấy tờ tùy thân.

Sinh kế hạn hẹp, những người Việt này làm đủ nghề. Mùa nước nổi họ dong thuyền theo con nước đánh bắt cá, trẻ em đi bán vé số, thanh niên làm công nhân. Người già ở nhà trông cháu, hái lục bình, nuôi đàn bò, bầy vịt...

Những đứa trẻ trong xóm cũng bươn bải từ sớm. Mỗi chiều, Nguyễn Văn Trầm (14 tuổi) giăng lưới ở khúc kênh gần nhà. Chưa vào mùa nước nổi nên có khi em để lưới cả đêm cũng chỉ dính vài con cá.

Như bao đứa trẻ khác, Trầm chỉ biết mình sinh ra ở Campuchia và không có khái niệm nguyên quán. Ở tuổi 14, cậu bé mới chỉ học đến lớp 2, đọc viết chưa thành thạo.

Ngày hè, lục bình mọc kín kênh. Hồ Vân Yến (15 tuổi) chèo xuồng ra kênh cắt lục bình phụ cha mẹ.

Mười một tuổi, Nhiều mới được đến trường lần đầu. Nhà Nhiều có 5 anh em, tất cả đều đi bán vé số, chiều về hái phơi lục bình. Những đứa trẻ về từ Biển Hồ phần lớn không có giấy khai sinh, không có cơ hội theo học phổ thông.

Trước thực trạng này, vài năm qua, các chiến sĩ của đồn biên phòng Tuyên Bình mở lớp dạy học buổi tối cho các em. Mượn địa điểm và bàn ghế trong trường tiểu học Tuyên Bình, các thầy giáo biên phòng chia ngôi trường của mình thành 2 lớp: một phòng dành cho các em từ lớp 2 đến lớp 5; một phòng dành riêng cho các em lớp 1, vì nhu cầu xóa mù tiếng Việt chiếm đa số. Cao điểm, hai lớp học có 50 học sinh.

Binh nhì Nguyễn Quốc Huy (19 tuổi quê Tân Thạnh, Long An) về công tác đồn được một năm, nhận nhiệm vụ phụ trách lớp học. “Đa số cán bộ đồn đều không có chuyên môn sư phạm, dạy học bằng tình yêu trẻ. Kiến thức truyền đạt chủ yếu để các em biết đọc, viết, tính những phép tính đơn giản”, Huy chia sẻ.

Hầu hết các em đều lao động cả ngày như người lớn. Một số đi bán vé số ở thị trấn Kiến Tường cách đó hơn 10 km, lang thang cả ngày dưới trời nắng. Nhưng những lớp học buổi tối rất ít khi vắng học sinh.

Nguyễn Thị Kim Ly (thứ hai từ phải sang) được các thầy giáo biên phòng giới thiệu như một niềm tự hào. Hơn 10 tuổi, em mới được đi học lần đầu, nhưng rất chăm học và học giỏi. Năm nay, Ly học lớp 3. Mỗi ngày, em đi khắp thị trấn Kiến Tường, bán 200 vé số rồi chiều tối vào lớp.

Toàn bộ sách, tập và dụng cụ học tập của các em đều do các “thầy giáo” vận động nhà hảo tâm tài trợ. “Thiếu nhất là loại tập có ô lớn. Vì nhóm trẻ này học viết chậm và cần tập có ô lớn”, một chiến sĩ chia sẻ. Quần áo của các em phần nhiều cũng là do các mạnh thường quân ủng hộ, nhưng không đều, nên nhiều bạn vẫn phải mặc quần áo chật.

Sau sáu năm duy trì “ngôi trường” đặc biệt này, nhiều em học khá đã được bộ đội và chính quyền phối hợp cho đi học phổ thông chính quy. Nhưng việc duy trì các lớp học vẫn rất khó khăn. Mong ước của các “thầy giáo” là có ai đó tặng lũ trẻ bộ bàn ghế mới, và thêm sách vở.

Theo vnexpress