leftcenterrightdel
Thần đồng thư pháp Trung Quốc - Hà Thế Long. Ảnh: Baidu 

Hà Thế Long (SN 2000) xuất thân trong gia đình bình thường ở Liêu Ninh (Trung Quốc). Bố anh là công nhân trình độ học vấn không cao, yêu thích thư pháp và hội họa truyền thống của Trung Quốc. Lớn lên trong môi trường này, Thế Long cũng quan tâm đến thư pháp. 

3 tuổi, cậu bé được bố cho làm quen với thư pháp. Dù trình độ còn hạn chế, nhưng sự quan tâm và tập trung vào thư pháp của Thế Long khiến bố vui. Lúc này, ông Hà Phong Thuận bắt đầu dạy thư pháp cho Thế Long. Điều không ngờ, trong quá trình dạy con, ông phát hiện Thế Long có tài năng đặc biệt đối với thư pháp.

Lên 4 tuổi, Thế Long nhanh chóng học được nhiều kỹ thuật viết thư pháp. Cả ngày, anh chỉ ngồi trong nhà viết và vẽ tranh truyền thống của Trung Quốc. Không cảm thấy nhàm chán, ngược lại Thế Long còn thích thú.

Chẳng mấy chốc, kinh nghiệm viết thư pháp của Thế Long được tích lũy đầy đủ. Để tiếp tục bồi dưỡng tài năng của con, bố mẹ quyết định chuyển lên Bắc Kinh (Trung Quốc), khi Thế Long được 6 tuổi. 

Sau khi đến Bắc Kinh, ông Phong Thuận đăng ký cho con thi kiểm tra trình độ thư pháp. Trong kỳ thi này, Thế Long mới 7 tuổi nhưng đã đạt được chứng chỉ cấp 5 của Trung tâm Kiểm tra Nghệ thuật Trung Quốc. 

Thành tích của Thế Long không chỉ khiến gia đình ngạc nhiên, còn thu hút sự chú ý của Hiệp hội Thư pháp Bắc Kinh (Trung Quốc). Thông thường để đạt được trình độ này, phải là người trưởng thành hoặc những nhà thư pháp chuyên nghiệp.

Đối với cậu bé 7 tuổi để đạt được chứng chỉ bậc 5 thư pháp, không phải điều dễ dàng. Do đó, sau kỳ thi này, ông Phong Thuận nhận thức rõ hơn về tài năng của con có thể đóng góp vào lĩnh vực thư pháp ở Bắc Kinh (Trung Quốc).

Năm 2008, Thế Long tham gia biểu diễn thư pháp tại Trung tâm Hội nghị Đại hội Nhân dân Quốc gia Bắc Kinh (Trung Quốc). Tại đây, không chỉ có các đại biểu của Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc, thành viên Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc, còn có các nhà sư. 

Trong số đó, Thế Long là thí sinh nhỏ tuổi nhất mới lên 8 nhưng đã thể hiện màn trình diễn viết thư pháp bằng 2 tay và nhận được sự ủng hộ của khán giả. Danh tiếng của cậu bé trong giới thư pháp cũng nổi lên từ đây. 

Qua những tác phẩm nhiều người gọi anh là thần đồng thư pháp, thiên tài chữ rồng bay phượng múa. Nhận thấy tài năng thư pháp của Thế Long, Hiệp hội Sách Trung Quốc đã kết nạp anh trở thành thành viên nhỏ tuổi nhất. 

Tháng 10/2008, tham gia Lễ hội Văn hóa Phục hưng lần đầu tiên tổ chức ở Bắc Kinh (Trung Quốc), Thế Long một lần nữa biểu diễn tài năng viết thư pháp bằng 2 tay. Tại đây, Thế Long gây ấn tượng với ông Vương Văn Tường - nhà thư pháp nổi tiếng ở Trung Quốc thời bấy giờ. 

Sau khi xem màn trình diễn của Thế Long, ông Tường cho rằng, trong nghệ thuật thư pháp siêng năng cần thiết nhưng tài năng bẩm sinh cũng là yếu tố quan trọng. Do đó, ông Tường quyết định nhận Thế Long làm học trò để tiếp tục nuôi dưỡng tài năng này. Dưới sự hướng dẫn của ông, cách viết của anh cải thiện đáng kể và được người trong giới thừa nhận. 

leftcenterrightdel
Ở tuổi 11, Hà Thế Long kiếm được hàng trăm triệu đồng từ việc viết thư pháp. Ảnh: Baidu 

Năm 2011, một khách sạn ở Trung Quốc tổ chức buổi hòa nhạc từ thiện quy tụ các doanh nhân nổi tiếng. Thế Long mới 11 tuổi, cũng nhận được lời mời. Tại đây tác phẩm thư pháp 4 chữ 'Đại ái vô cương' (Tình yêu vô biên) của anh được đem ra đấu giá.

Cùng với Thế Long, 10 tác phẩm của bậc thầy thư pháp nổi tiếng Khải Công cũng được đấu giá. Tuy nhiên, sản phẩm của ông Công cao nhất chỉ được 80.000 NDT (280 triệu đồng), trong khi đó, bức thư pháp của Thế Long được bán ra với giá 110.000 NDT (385 triệu đồng). Tuy nhiên, điều này không có nghĩa trình độ thư pháp của Thế Long vượt qua ông Khải Công, chỉ chứng minh sự nổi tiếng và kỳ vọng của mọi người về tương lai của Thế Long.

Ở tuổi 11, Thế Long kiếm được hàng trăm triệu đồng từ việc viết thư pháp và tham gia các hoạt động biểu diễn với lịch trình dày đặc. Lúc này, không ít phụ huynh kéo đến cửa nhà anh để xin chữ, với mong muốn con họ cũng có tài năng như vậy. Theo đà phát triển, việc anh trở thành nhà thư pháp nổi tiếng là điều hiển nhiên. Nhưng Thế Long không đáp ứng kỳ vọng của mọi người, thay vào đó lại đi chệch hướng.

Sau khi nhận thấy lợi nhuận từ việc 'bán chữ', bố mẹ Thế Long chuyển hướng sang kinh doanh, thù lao mỗi lần con xuất hiện ở sự kiện được đưa ra tương đối cao. Về sau, vì mải chạy theo kiếm tiền, không trau dồi khả năng viết, khiến chữ của Thế Long ngày càng tệ. 

Tình trạng kéo dài nên chữ của Thế Long không còn đặc sắc. Hơn nữa, anh cũng mất đi hứng thú với thư pháp. Việc dành thời gian cho thư pháp khiến Thế Long bỏ bê các môn học, dẫn đến thiếu hụt kiến thức văn hóa và xã hội trầm trọng. 

Lúc này, nếu Thế Long và gia đình thức tỉnh kịp thời, không tập trung vào hư danh, chuyên tâm rèn luyện vẫn chưa muộn. 

Tuy nhiên, họ không làm vậy, chính Thế Long cũng không nhận ra vấn đề. Thay vào đó, anh vướng vào cảm giác 'ngủ quên trên chiến thắng', quen được mọi người tung hô. Do đó, Thế Long luôn tìm cách nổi tiếng trở lại. Khi trở lại, nét chữ của anh vấp phải nhiều chỉ trích. Nhiều người cho rằng, Thế Long theo đuổi phong cách 'thư pháp giang hồ', không theo tinh hoa thư pháp truyền thống của Trung Quốc.

leftcenterrightdel
Từng là thần đồng được người đời ca tụng, hiện, Hà Thế Long phải sống ẩn dật. Ảnh: Baidu 

Năm 2019, Thế Long livestream trên mạng xã hội để giao lưu với mọi người. Anh không ngừng kêu gọi họ tặng quà để đổi lấy bức thư pháp. Tuy nhiên, sau livestream kết thúc, mọi người liên hệ với Thế Long nhận quà lại nghe được phản hồi phải trả 500 NDT (1,7 triệu đồng). Lúc này, nhiều người bức xúc cho rằng, lần trở lại này của Thế Long vẫn vì mục đích kiếm tiền. Trước phản ứng dữ dội của người dùng mạng xã hội, anh khóa tất cả các tài khoản. 

Đến nay, Thế Long không xuất hiện trước công chúng. Khi được nhắc đến, không ai biết về hoàn cảnh hiện tại của anh. Nhiều người bày tỏ tiếc nuối cho tài năng của chàng trai trẻ. Trong chuyện này, truyền thông Trung Quốc nhận định, phần lớn nguyên nhân đến từ việc giáo dục sai cách của bố mẹ. Thay vì chú trọng bồi dưỡng nhân tài, bố mẹ Thế Long biến con thành thần đồng 'chín ép', chỉ tập trung vào lợi ích trước mắt. 

Câu chuyện của Thế Long là hồi chuông cảnh báo nhiều phụ huynh về phương pháp giáo dục con. Phát hiện tài năng của con chưa đủ, điều quan trọng là cách nuôi dưỡng. 

Thế Long có tài năng thư pháp phi thường nhưng ở khía cạnh khác cũng giống như nhiều đứa trẻ bình thường. Thời điểm đó, Thế Long đi theo quan điểm sống chưa trưởng thành của bản thân và cũng chưa suy nghĩ về tương lai. Sống dưới ánh đèn sân khấu và hào quang từ nhỏ, nếu không có sự dẫn dắt đúng đắn việc Thế Long sa ngã là điều dễ hiểu.

Theo vietnamnet